Tài chính

Đầu tư tiền ảo: Tại sao có nhiều người 'mất trắng'?

(VNF) - Thời gian qua, không ít người dân "kêu trời, kêu đất" vì bị dụ dỗ, lôi kéo vào những khoản đầu tư tiền ảo mơ hồ để rồi cuối cùng trắng tay, vốn liếng mất đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, dường như hoạt động này vẫn chưa có dấu hiệu bị siết chặt.

Đầu tư tiền ảo: Tại sao có nhiều người 'mất trắng'?

Đầu tư tiền ảo: Tại sao có nhiều người 'mất trắng'?

Thiếu khuôn khổ pháp lý

Song hành cùng sự phát triển như "vũ bão" của cách mạng 4.0 là hiện tượng kêu gọi vốn đa cấp tiền ảo. Thời gian qua, không ít người dân kêu trời, kêu đất vì bị môi giới hay "người phát triển cộng đồng nhà đầu tư" của hệ thống đa cấp tiền ảo dụ dỗ, lôi kéo hòng chiếm đoạt số tiền đầu tư, lên đến cả chục tỷ đồng.

Những kẻ môi giới này thường khoác lên mình hình ảnh sang trọng, lịch lãm và đon đả, tự giới thiệu là thành viên của một tập đoàn tài chính đa quốc gia để đánh vào tâm lý "sính ngoại" của một số người. Tiếp đó, những kẻ này "mê hoặc" người dân nhẹ dạ, cả tin bằng các lời hứa mơ hồ về lãi suất, ưu đãi, hoa hồng mà nhà đầu tư sẽ nhận được sau khi rút hầu bao ra một khoản tiền không nhỏ, để đổi lấy món hàng "vô hình", giá trị chỉ được bảo đảm bằng... lời nói.

Không chỉ dừng lại ở đó, còn có những "cò mồi" đứng lên thành lập các lớp học làm giàu, các khóa học về tài chính, kinh doanh tiền ảo thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Song cuối cùng, kết quả của những khoản đầu tư mơ hồ kia đều là trái đắng cho nhà đầu tư.

Đa phần các thương vụ chiếm đoạt tài sản này đều đến từ giai đoạn gọi vốn cho dự án tiền ảo (ICO). Theo định nghĩa, ICO là cách để các startup trong ngành tiền ảo kêu gọi vốn trực tiếp từ các nhà đầu tư.

Bằng uy tín của mình, startup sẽ kêu gọi nhà đầu tư rót vốn bằng cách gửi các đồng tiền ảo đã được công nhận như Bitcoin (BTC) hoặc Ethereum (ETH) để đổi lấy đồng ảo mới mà startup này phát hành.

Số tiền ảo được đầu tư không phải là cổ phần mà chỉ được dùng để sử dụng các dịch vụ mà startup cung cấp, hoặc sẽ cung cấp trong tương lai. Hầu hết nhà đầu tư đều kỳ vọng đồng tiền ảo mới này có khả năng lên giá cao hơn nhiều so với khoản vốn ban đầu bỏ ra.

Tuy nhiên, không chỉ ở trong nước, hoạt động ICO cũng bị nhiều nước trên thế giới cảnh báo do tiềm ẩn nguy cơ lừa đảo và gian lận do ICO thiếu sự kiểm soát gắt gao từ pháp luật hiện hành.

Mới đây, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân cảnh giác về hệ thống Winsbank do có dấu hiệu sử dụng tiền ảo để huy động vốn, kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, thanh toán bất hợp pháp.

WinsBank là sản phẩm của Công ty WORLD BLOCKCHAIN HOLDINGS LIMITED (trước đây là Winsfun), có địa chỉ trụ sở tại số 9 Barrack Road, Belize City, Belize, trong đó hai mặt hàng chủ yếu của công ty này là tiền ảo WinCoin (Win) và cổ phiếu số Eshare (ESR).

Nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia vào hệ thống, Winsbank đã đưa ra rất nhiều hứa hẹn về tương lai của đồng tiền ảo Win cũng như giá cổ phiếu ESR, với lãi suất cố định từ 2% - 12%/năm. 

Tuy nhiên, lực lượng công an đã phát hiện ra hệ thống này do một nhóm đối tượng tại Việt Nam tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh và không có trụ sở tại Việt Nam. Bản chất Winbank không có hoạt động sản xuất tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị sử dụng, chủ yếu là hoạt động theo mô hình đa cấp, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

Khi hệ thống huy động được số tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ ngừng chi trả lãi cho người tham gia, đồng thời đánh sập hệ thống và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động được.

Trao đổi với VietnamFinance, luật sư La Văn Thái (đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay, luật pháp Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn xem xét, chưa cho giao dịch các loại tiền ảo. Vì vậy, mọi giao dịch liên quan đến tiền ảo đều không hợp lệ, hợp pháp.

Trả lời câu hỏi về việc tại sao vẫn còn hiện tượng lừa đảo, mô hình đa cấp biến tướng này trên thị trường Việt Nam, ông Thái nhận định: "Chủ yếu là do sự thiếu tỉnh táo và sự thiếu hiểu biết về tiền ảo của người dân, do vậy họ dễ dàng bị mờ mắt trước mức lãi suất mời chào vô cùng hấp dẫn của các đối tượng".

"Bản chất của hệ thống này là lấy tiền của người sau chi trả cho người trước chứ không có hoạt động kinh doanh cụ thể để tạo ra lợi nhuận. Bên cạnh đó, các đối tượng thường lấy địa chỉ website và tài khoản ở nước ngoài, để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng", ông Thái cho hay.

Ông Thái cũng cho rằng nhà nước nên ban hành một khuôn khổ pháp lý toàn diện, siết chặt các hoạt động liên quan đến tiền ảo và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân về tiền tệ thuật toán.

Tin mới lên