Tiêu điểm

ĐBQH đề xuất giảm giờ làm trong doanh nghiệp xuống 44 giờ/tuần

(VNF) - Theo đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa, Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm thời giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư nhân từ 48 giờ một tuần xuống 44 giờ một tuần, tiến tới 40 giờ một tuần như trong khu vực công đã được thực hiện từ năm 1999.

ĐBQH đề xuất giảm giờ làm trong doanh nghiệp xuống 44 giờ/tuần

Đại biểu Quốc hội đề xuất giảm giờ làm trong khu vực tư nhân xuống 44 giờ/tuần.

Phát biểu góp ý tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt.

Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023, chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77 đến 4,76%, trong khi chỉ tiêu Quốc hội giao là 5-6%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp không đạt chỉ tiêu này, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm. Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36 đến 4,69%, thấp hơn mức bình quân của giai đoạn 2016-2020 là trên 6%.

Theo đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đã đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung 3 nguyên nhân nêu tại Báo cáo số 577 trang 43, 44, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này. "Tại các kỳ họp trước, đại biểu Quốc hội cũng đã có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng", đại biểu cho hay.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa góp y trong phiên thảo luận ngày 31/10

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nghĩa cũng chia sẻ, Điều 101 Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947, quy định thời gian làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ một tuần lễ. Cùng với đó, Điều 103 sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ, sau gần 80 năm độc lập.

"Qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới, nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư nhân không giảm, trong khi giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần", đại biểu cho hay.

Theo đại biểu Nghĩa, người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước.

Vì vậy, đại biểu đã đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm thời giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư nhân từ 48 giờ một tuần xuống 44 giờ một tuần, tiến tới 40 giờ một tuần như trong khu vực công đã được thực hiện từ năm 1999. "Đây cũng là xu hướng tiến bộ của các quốc gia trên thế giới. Tôi kính mong các vị đại biểu Quốc hội quan tâm ủng hộ quy định này", đại biểu nói.

Theo quy định của Bộ Luật Lao động, doanh nghiệp tư nhân khu sử dụng người lao động thì không được quá 8 giờ trong 1 ngày, không quá 48 giờ trong 1 tuần. Doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.

Trước đó, báo cáo điều tra tình hình lao động năm 2021 của Tổng Cục thống kê cho thấy, có khoảng 40,8% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần và có tới 31% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần. Mặt khác, số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng thấp (6,4%).

Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (33,8%) cao hơn của nữ (27,8%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần của năm 2021 là 21,5%; tỷ trọng này chênh lệch đáng kể giữa thành thị (15,2%) và nông thôn (24,8%).

Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (14,1%) và cao nhất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (38,4%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (7,8%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (2,8%).

Tin mới lên