ĐHCĐ MWG: 'Giá cổ phiếu sẽ thay đổi đột ngột khi chuỗi Bách hóa Xanh chuyển từ lỗ sang lời'

Thanh Long - 15/05/2021 16:42 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài tin rằng sẽ có sự thay đổi đột ngột về giá cổ phiếu khi chuỗi Bách hóa Xanh chuyển từ lỗ sang lời, tương tự như những gì đã xảy ra trước đây. Ông Tài nhấn mạnh thời điểm chuỗi Bách hóa Xanh có lời là bước ngoặt rất lớn đối với MWG.

VNF

Chiều 15/5, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.

Trả lời câu hỏi của một cổ đông về kỳ vọng của ban lãnh đạo MWG vào giá cổ phiếu sau khi chuỗi Bách hóa Xanh chính thức có lãi ròng, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay vào thời điểm trước đây khi mà MWG chỉ có chuỗi Thế giới di động và mọi người vẫn còn nghi ngờ vào khả năng thành công của chuỗi Điện máy Xanh thì đến một thời điểm, khi chuỗi Điện máy Xanh chuyển từ lỗ sang lời, giá cổ phiếu MWG đã thay đổi đột ngột.

"Tôi tin là sự thay đổi đột ngột sẽ tiếp tục diễn ra khi chuỗi Bách hóa Xanh chuyển từ trạng thái lỗ sang lời bởi đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, việc từ "số 0" thành "số 1" là rất quan trọng", ông Tài nói.

Điều quan trọng thứ hai với doanh nghiệp, theo ông Tài, là từ "số 1" thành "số 1.000", tức là biến từ nhỏ thành lớn.

"Với chuỗi Bách hóa Xanh, chuyển từ "số 0" thành "số 1" sẽ cần thời gian và tôi tin đó là bước ngoặt rất lớn với tập đoàn này. Khi đã chuyển từ lỗ sang lời thì MWG sẽ tăng tốc để hốt trọn thị phần. Khi đó điều này sẽ phản ánh vào giá cổ phiếu", Chủ tịch MWG nêu quan điểm.

Về định giá cho cả tập đoàn, ông Nguyễn Đức Tài cho rằng mức định giá hợp lý sẽ vào khoảng 0,8-1,2 lần doanh số.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho hay động lực tăng trưởng chính của MWG trong tương lai sẽ đến từ chuỗi Bách hóa Xanh. Đáng chú ý, trong 3-5 năm tới, MWG có thể mở một chuỗi mới. Bên cạnh đó, kinh doanh online cũng sẽ là một hướng đi, đặc biệt ở mảng bán lẻ hàng tiêu dùng nhanh, MWG kỳ vọng sẽ giữ vị trí số 1.

"Ước mơ trong 5-7 năm tới, MWG sẽ lấy lại ngành bán lẻ về cho đất nước Việt Nam", ông Nguyễn Đức Tài bày tỏ niềm tin.

Chia sẻ thêm về hoạt động của chuỗi Bách hóa Xanh, Tổng giám đốc Trần Kinh Doanh cho biết năm 2021, Bách hóa Xanh đặt mục tiêu hòa vốn EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) và phấn đấu năm 2022 sẽ có lãi ròng.

Ông Doanh khẳng định chắc chắn Bách hóa Xanh sẽ tiến ra miền Trung và miền Bắc nhưng công ty đang muốn củng cố hiệu quả hoạt động ở khu vực phía Nam, sẽ mất khoảng 1 đến 2 năm nữa.

Năm 2020, doanh thu của Bách hóa Xanh đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2019. Mục tiêu năm 2021, doanh thu chuỗi này sẽ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng. Ông Doanh nhấn mạnh rằng vẫn còn cơ hội để Bách hóa Xanh tăng trưởng doanh thu 30%, 50%, thậm chí 70% mỗi năm trong các năm tới, bởi tiềm năng thị trường còn rất lớn.

Trước mắt, Bách hóa Xanh đang gặp khó khăn nội bộ trong việc kiểm soát, mua và cung ứng hàng hóa. Ông Doanh cho biết đang tích cực xử lý vấn đề này. Doanh số cuối tháng 4, đầu tháng 5 đang ổn định trở lại và sẽ quay trở lại bình thường trong 1, 2 tháng tới. Đến cuối năm, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng sẽ vào khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động của chuỗi Thế giới di động và Điện máy Xanh, CEO các chuỗi này là ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết bên cạnh việc tối ưu thị phần trong nước, MWG đã mở chuỗi bán lẻ điện máy tại Campuchia và đã nắm giữ vị trí số 1. Điều quan trọng khác là chuỗi bán lẻ này giúp MWG hiểu hơn về cách thức phát triển chuỗi ở nước ngoài, từ đó trong tương lai, công ty sẽ tiến sang các thị trường khác.

Một cổ đông thắc mắc vì sao MWG chưa ra mắt super app dù dự định ban đầu là sẽ ra mắt trong năm 2020, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài thông tin rằng chi phí để chạy super app cùng các chương trình kèm theo vào khoảng 100 tỷ đồng/tháng (tương đương khoảng 1% doanh thu), tức là sẽ "ngốn" khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, vì thế mà nếu ra mắt vào thời điểm dịch bệnh như hiện nay thì chưa phù hợp.

Ông Tài cho biết sau khi điều chỉnh các chính sách để giảm chi phí trong ngắn hạn, super app sẽ được tung ra trong vòng 2 tháng tới.

Về hoạt động của mô hình rau sạch 4KFarm, ông Tài cho hay hiện nay 4KFarm có diện tích gieo trồng 200.000 m2 nhưng tham vọng của MWG là 1 triệu m2, do đó chưa đạt kỳ vọng. Lý do là người tiêu dùng Việt Nam khá dễ tính khi lựa chọn thực phẩm, không phân biệt rõ thực phẩm sạch và thực phẩm nhiễm hóa chất, vì thế mà tiêu thụ hiện nay chậm hơn so với dự tính.

Liên quan đến chính sách hàng tồn kho, ông Nguyễn Đức Tài cho biết công ty đang cân nhắc tăng dự trữ hàng tồn kho.

"Chúng tôi đang cân nhắc có nên mua hàng trữ trong kho hay không trong bối cảnh chip đang thiếu hụt và năng lực sản xuất trên thế giới đang có vấn đề do dịch bệnh. Trước đây, xu hướng giảm giá hàng điện tử rất rõ ràng nhưng trong 2 năm vừa qua đang đảo chiều. Sắp tới người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn để sở hữu sản phẩm điện tử. Chúng tôi đang xem xét thay vì mua just-in-time (mua đủ để bán), sẽ mua trữ hàng trong kho, bởi tương lai nhiều mặt hàng "hot" sẽ rất khó mua và giá sẽ đi lên theo thời gian", ông Tài chia sẻ.

Kết thúc đại hội, toàn bộ tờ trình đã được cổ đông thông qua.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của MWG

Trước đó, theo tài liệu đại hội, năm 2021, MWG đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 125.000 tỷ đồng và 4.750 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 15% và 21% so với năm mức thực hiện 2020.

MWG dự kiến sẽ tiếp tục đẩy mạnh mô hình Điện Máy Xanh Supermini (ĐMS) trên toàn quốc. Trong khi chuỗi Thế giới di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) với các hoạt động bán lẻ thiết bị di động và điện máy sẽ vẫn là trụ cột mang lại dòng tiền chính, đóng góp khoảng 75% tổng doanh số của công ty.

Với ngành hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu, MWG đặt mục tiêu sẽ tăng trưởng nhanh và giúp chuỗi Bách Hóa Xanh (BHX) nâng tỷ trọng đóng góp lên 25% tổng doanh thu. Đặc biệt, MWG đặt mục tiêu chuỗi BHX có lời EBITDA ở cấp độ cả công ty vào cuối năm.

Về phương án phân phối lợi nhuận, dựa trên kết quả kinh doanh năm 2020, MWG trình đại hội phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ tối đa 15% (tức 1.500 đồng/cổ phiếu). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.

Bên cạnh đó, công ty cũng lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành 237,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức dựa trên lợi nhuận chưa phân phối với tỷ lệ 2:1, tức mỗi cổ đông sở hữu 2 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. 

Số cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng, quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm không được phép chuyển nhượng. Sau phát hành, vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 4.754 tỷ đồng lên hơn 7.131 tỷ đồng.

Về kế hoạch phát hành ESOP, MWG trình cổ đông kế hoạch phát hành với tỷ lệ tối đa 3% số cổ phiếu đang lưu hành nhưng không quá 21,5 triệu đơn vị. Giá phát hành mỗi cổ phiếu ESOP là 10.000 đồng. Điều kiện để phát hành cổ phiếu ESOP là lợi nhuận sau thuế phải tăng trưởng ít nhất 10%. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2021.

Ngoài ra, tại đại hội, MWG dự kiến bầu lại HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2024 với số ứng viên 10 người, tăng 1 người so với số thành viên hiện tại. Trong đó, ông Điêu Chính Hải Triều sẽ không còn là Thành viên HĐQT. Thay vào đó, ông Nguyễn Tiến Trung, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Ôtô Sông Hàn và ông Đỗ Tiến Sĩ, Tổng giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thép Pomina ứng cử vào HĐQT.

Cùng chuyên mục
Tin khác