ĐHCĐ bất thường đầu năm: Lật lại chuyện bán vốn KDF; 'ghế nóng' đồng loạt đổi chủ

Hải Đường - 06/01/2025 11:00 (GMT+7)

(VNF) - Chỉ vừa bước vào tháng đầu tiên của năm 2025, nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ đã rộn ràng tổ chức họp ĐHCĐ dù mùa đại hội thường niên chưa bắt đầu. Các phiên họp bất thường được triệu tập tương ứng với mỗi câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp.

Câu chuyện thương hiệu tại KIDO

Vào ngày 25/1 tới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) sẽ triệu tập phiên họp bất thường với hình thức tập trung, trình 4 nội dung chính bao gồm các vấn đề bổ sung trong giao dịch bán cổ phần của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông Lạnh KIDO (KDF) do KIDO sở hữu; nhãn hiệu Celano, nhãn hiệu Merino và thương hiệu KIDO.

Theo đó, KIDO công bố chuyển nhượng cổ phần KDF cho NutiFood vào tháng 4/2023 và hoàn tất vào tháng 9 sau đó. Với việc giảm tỷ lệ sở hữu và KDF trở thành công ty liên kết, ban lãnh đạo KIDO cho rằng vấn đề khai thác và sử dụng các nhãn hiệu Celano và Merino cần được ĐHĐCĐ cho ý kiến. Doanh nghiệp này đã đưa ra 3 phương án.

Câu chuyện về 2 nhãn hiệu kem Celano, Merino nóng trở lại sau khi thương vụ bán KDF hoàn tất

Một là giữ quyền sở hữu tại KIDO nhằm bảo vệ giá trị thương hiệu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của thương hiệu. Hai là quyền sử dụng, uỷ quyền cho một bên thứ ba ngoài KIDO và công ty con sử dụng. Ba là uỷ quyền cho HĐQT và/hoặc tổng giám đốc của KIDO thực hiện các giao dịch liên quan và các hợp đồng, thoả thuận, tài liệu liên quan, kể cả các thoả thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, thay thế các giao dịch liên quan (nếu có) đến hai nhãn hiệu Celano và Merino.

Với thương hiệu KIDO, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng đưa ra ba phương án tương tự để ĐHĐCĐ xem xét. Theo KIDO, quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo của doanh nghiệp và toàn xã hội để xây dựng nên một doanh nghiệp.

Cơ chế mới cho Vietnam Airlines

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) đã ấn định ngày tổ chức ĐHĐCĐ bất thường vào 21/1 tới đây, với các nội dung chính dự kiến trình cổ đông là phương án phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ; Báo cáo cập nhật về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025; chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư tàu bay thân hẹp; phương án lựa chọn công ty kiểm toán báo cáo tài chính giai đoạn 2025-2027;…

Dù ngày tổ chức phiên họp đã cận kề, nhưng Vietnam Airlines vẫn chưa công bố các nội dung cụ thể của các tờ trình. Tuy nhiên, về phương án phát hành cổ phần để tăng vốn, từ cuối tháng 11/2024 vừa qua, Quốc hội đã thông qua các giải pháp để gỡ khó cho hãng hàng không từ ảnh hưởng của đại dịch.

Vietnam Airlines dự kiến họp ĐHĐCĐ bất thường để trình phương án tăng vốn

Theo đó, Vietnam Airlines được chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.000 tỷ đồng theo hai giai đoạn, khi đáp ứng các quy định của Luật Chứng khoán. Giai đoạn 1, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được phép thay mặt Chính phủ đầu tư mua cổ phiếu tại Vietnam Airlines. Đây là quyền mua cổ phần của cổ đông Nhà nước theo phương thức chuyển giao quyền mua khi hãng thực hiện phương án tăng vốn giai đoạn 1 với quy mô phát hành 9.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2, Nhà nước chuyển giao quyền mua cổ phần cho doanh nghiệp, với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Quốc hội còn cho phép công ty con của Vietnam Airlines là Công ty Cổ phần Hàng không Pacific Airlines được xoá tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tính trên các khoản nợ thuế phát sinh theo quyết định của cơ quan thuế có thẩm quyền, còn nợ đến ngày 31/12/2024. Pacific Airlines có trách nhiệm nộp toàn bộ số tiền thuế còn nợ (nợ gốc) trước ngày 31/12/2024. 

Được biết, Vietnam Airlines mới đây đã chính thức chấm dứt chuỗi 4 năm liên tiếp lỗ với mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Trong đó, doanh thu đạt 113.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước thực hiện 6.264 tỷ đồng, vượt lần lượt 7% và 38,5% kế hoạch năm.

Kiện toàn nhân sự cấp cao

Bên cạnh những câu chuyện về thương hiệu, cơ chế, hàng loạt doanh nghiệp và cả ngân hàng cũng triệu tập các phiên họp bất thường để miễn nhiệm, bổ sung và thay thế nhân sự cấp cao, kiện toàn bộ máy trước khi nền kinh tế bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) đã chốt danh sách cổ đông cho phiên họp bất thường diễn ra vào ngày 8/1 tới đây, với nội dung là miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hữu Đặng, người đã đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.

Hiện HĐQT của HDBank có 7 thành viên, bao gồm ông Kim Byoung Ho (Chủ tịch HĐQT), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Phó chủ tịch HĐQT), ông Lưu Đức Khánh, ông Nguyễn Thành Đô, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Lê Mạnh Dũng và ông Phạm Quốc Thanh (Thành viên HĐQT). 

Tài liệu ĐHĐCĐ bất thường của HDBank hiện không có tờ trình về việc bổ sung thành viên cho ban quản trị, như vậy nhiều khả năng ngân hàng này sẽ duy trì số lượng 6 thành viên sau khi ông Nguyễn Hữu Đặng rời vị trí.

Cũng về vấn đề nhân sự, Công ty Cổ phần Thành Thành Công Biên Hoà (TTC AgriS, HoSE: SBT) vào ngày 23/1 tới đây sẽ tổ chức phiên họp bất thường về việc tăng số lượng thành viên HĐQT từ lên 6. Sự thay đổi này nhằm đảm bảo mô hình quản trị đảm bảo đủ số lượng thành viên HĐQT chuyên trách các uỷ ban trực thuộc.

Hiện thành viên thứ 6 dự kiến được bầu bổ sung vào ban quản trị doanh nghiệp vẫn chưa được hé lộ. Năm thành viên hiện tại bao gồm bà Đặng Huỳnh Ức My (Chủ tịch HĐQT) cùng 4 thành viên là bà Huỳnh Bích Ngọc, ông Trần Tấn Việt, ông Trần Trọng Gia Vinh và ông Lê Quang Phúc.

Ngoài ra, HĐQT SBT cũng trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phát hành gần 12 triệu trái phiếu chuyển đổi, tương đương giá trị gần 1.200 tỷ đồng cho các cổ đông phổ thông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 6788/100. Nguồn vốn từ việc phát hành trái phiếu sẽ được dùng để tăng quy mô vốn, đầu tư vào các dự án phát triển mới, bổ sung vốn lưu động và cơ cấu nợ của doanh nghiệp. 

Câu chuyện kiện toàn nhân sự cũng nằm trong nội dung họp ĐHĐCĐ bất thường của nhiều doanh nghiệp khác như Công ty cổ phần Than Hà Lầm – Vinacomin, Công ty Cổ phần Lilama 18, Công ty Cổ phần Thuỷ điện Hủa Na,…

Bước đi chiến lược của Kido: Tập đoàn mẹ sở hữu toàn bộ thương hiệu trong hệ sinh thái

Bước đi chiến lược của Kido: Tập đoàn mẹ sở hữu toàn bộ thương hiệu trong hệ sinh thái

Doanh nghiệp
(VNF) - Kể từ đầu năm 2022, KIDO đã tiến hành các thủ tục để chuyển toàn bộ thương hiệu, nhãn hiệu từ các công ty con, công ty thành viên về mình, bao gồm Vocarimex, Dầu thực vật Tường An, KIDO Nhà Bè và KDF.
Cùng chuyên mục
Tin khác