Tài chính

Digiworld muốn vay 800 tỷ đồng từ Techcombank

(VNF) - Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thế giới Số (Digiworld, HoSE: DGW) vừa thông qua phương án đề nghị cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Digiworld muốn vay 800 tỷ đồng từ Techcombank

Digiworld muốn vay 800 tỷ đồng từ Techcombank.

Cụ thể, HĐQT công ty thống nhất việc sử dụng tổng hạn mức tín dụng ngắn hạn tại Techcombank với số tiền 800 tỷ đồng mà không có tài sản đảm bảo với kỳ hạn tối đa 3 tháng theo từng khế ước nhận nợ. Lãi suất được áp dụng theo quy định của ngân hàng theo từng thời kỳ.

Digiworld cho biết mục đích vay vốn nhằm bổ sung vốn lưu động, phát hành bảo lãnh, mở LC mua bán hàng hóa/nguyên vật liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm công nghệ, tiêu dùng nhanh, chăm sóc sức khỏe của công ty.

Nguồn trả nợ lấy từ hoạt động kinh doanh và các nguồn thu khác của công ty.

Được biết, tính đến cuối tháng 6/2022, Digiworld đã vay 1.243 tỷ đồng từ HSBC và ANZ cũng theo phương thức ngắn hạn với lãi suất thấp nhất là 3,8%/năm và cao nhất là 5,5%/năm. Tính đến ngày 3/10, các khoản vay từ các nhà băng này đều đã đáo hạn.

Về tình hình kinh doanh, Digiworld mới đây công bố kết quả kinh doanh quý II/2022 với doanh thu thuần 4.910 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 137 tỷ đồng. Với kết quả này, Digiworld ghi nhận tăng trưởng 16% doanh thu và 17% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ quý I/2021.

Như vậy, 6 tháng đầu năm 2022, Digiworld đạt tổng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 11.919 và 348 tỷ đồng. So với kế hoạch năm đã đặt ra là 26.300 tỷ doanh thu và 800 tỷ lợi nhuận, Digiworld hiện hoàn thành lần lượt 45% và 44%.

Theo Digiworld, sau thời gian tăng trưởng mạnh mẽ suốt năm 2020 – 2021, đặc biệt là quý IV/2021 và quý I/2022, quý II này Digiworld ghi nhận sự tăng trưởng chậm lại của ngành hàng thiết bị công nghệ (ICT).

Nguyên nhân của điều này là do người tiêu dùng không còn nhu cầu mạnh mẽ với các mặt hàng công nghệ khi hầu hết người tiêu dùng phát sinh nhu cầu và quyết định mua trong thời điểm dịch. Vậy nên trong ngắn hạn người tiêu dùng sẽ khó tiếp tục chi tiêu nhiều vào các sản phẩm ICT.

Ngoài ra, quý II hàng năm thường là mùa thấp điểm vì không có các dịp đặc biệt cần mua sắm như Tết Nguyên Đán, mùa tựu trường,… thay vào đó, người dân lại tập trung nhiều hơn vào các hoạt động giải trí, du lịch. Và việc ưu tiên chi tiêu cho giải trí du lịch lại càng nhiều hơn vì quý II/2022 nhiều nơi đã gỡ bỏ các biện pháp phòng dịch sau 2 năm giãn cách nhiều cấp độ.

Trong các quý tiếp theo, Digiworld kỳ vọng lực đẩy nhu cầu đến từ hàng loạt sự kiện: mùa tựu trường, ra mắt sản phẩm mới của Xiaomi, Apple, mùa World Cup,… sẽ giúp công ty sớm đạt được mục tiêu đề ra.

Tin mới lên