Đình chỉ toàn bộ hoạt động của Chứng khoán HVS
(VNF) - Theo UBCKNN, Chứng khoán HVS không đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất theo quy định của Luật Chứng khoán. Trong quá khứ, công ty chứng khoán này từng “vướng” vào nhiều sai phạm nghiêm trọng và rơi vào tình trạng “tê liệt”.
Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động của Công ty CP Chứng khoán HVS Việt Nam. Nguyên nhân là do công ty chứng khoán này không duy trì điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 94 Luật Chứng khoán 2019.
Được biết, Chứng khoán HVS Việt Nam, tiền thân là Công ty CP Chứng khoán Hùng Vương, thành lập năm 2008. Trong quá khứ, công ty chứng khoán này từng “vướng” vào nhiều sai phạm nghiêm trọng, thậm chí có thời điểm rơi vào “tê liệt” hoạt động.
Gần nhất, vào tháng 5/2024, Chứng khoán HVS đã nhận “trát” phạt 125 triệu đồng vì tự ý thay đổi trụ sở chính mà chưa có sự chấp thuận từ cơ quan quản lý.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng phải nộp phạt thêm 85 triệu đồng do không báo cáo phương án khắc phục được HĐQT công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Năm 2018, công ty bị phạt 70 triệu đồng do không thiết lập Bộ phận Kiểm toán nội bộ.
Cũng trong năm này, UBCKNN đã rút nghiệp vụ môi giới đối với Chứng khoán HVS. Sau đó, công ty mất tư cách thành viên tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội rồi bị thu hồi giấy chứng nhận thành viên lưu ký tại Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Năm 2019, Chứng khoán HVS Việt Nam bị UBCKNN đình chỉ hoạt động. Mãi đến tháng 7/2020, công ty chứng khoán này mới được chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, hoạt động của Chứng khoán HVS vẫn chưa thể ổn định trở lại. Trong vòng 4 năm, công ty chứng khoán này đã 2 lần "đổi chủ".
Tháng 12/2020, 3 cổ đông hiện hữu lúc đó là ông Đường Văn Tài, ông Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và ông Phạm Ngọc Chiến đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 cá nhân khác là các ông Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại.
Rất nhanh sau đó, cơ cấu cổ đông lớn lại thay đổi, khi cổ phần được chuyển giao cho bà Trương Thị Hồng Nga, ông Ngô Văn Đô, ông Thái Đình Sỹ. Sau đó, nhóm cổ đông này đã đảm nhiệm vị trí quan trọng trong HĐQT của công ty.
Nửa đầu năm nay, cơ cấu cổ đông lại thay đổi hoàn toàn với sự góp mặt của 3 cá nhân mới là bà Văn Lê Hằng (90,81%), bà Ngô Thị Thủy (4,9%) và bà Lê Như Hoa (4,29%), thay cho nhóm lãnh đạo thượng tầng nói trên.
Trong khi đó, kết quả kinh doanh của Chứng khoán HVS cũng khá "phập phù".
Năm 2022, doanh thu từ kinh doanh chứng khoán đạt gần 588 triệu đồng, lỗ sau thuế gần 82 triệu đồng. Năm 2023, công ty ghi nhận doanh thu từ kinh doanh chứng khoán hơn 796 triệu đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 292 triệu đồng.
Năm 2024, Chứng khoán HVS đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, lãi trước thuế 10 tỷ đồng.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, doanh thu hoạt động của HVS chỉ vỏn vẹn 201 triệu đồng, giảm gần phân nửa so cùng kỳ. Trong khi chi phí hoạt động chiếm hơn 258 triệu đồng khiến Chứng khoán HVS lỗ ròng 265 triệu đồng.
Mức lỗ này nâng lỗ luỹ kế của công ty chứng khoán này lên 39 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu teo tóp về còn 10,8 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2024, tổng tài sản giảm về 10,9 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt chiếm chủ yếu với 10 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của công ty tại ngày 30/6/2024 chỉ có 6 người.
Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, đơn vị kiểm toán đã lưu ý về việc Chứng khoán HVS đang chờ UBCKNN xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ theo quy định. Do đó, công ty chỉ phát sinh doanh thu lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
Mặt khác, Chứng khoán đã nộp hồ sơ lên UBCKNN đề nghị tăng vốn theo phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phương án phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài được thông qua để tăng vốn điều lệ từ 50,2 tỷ lên 300,2 tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng vốn huy động dự kiến là 250 tỷ đồng, thời điểm phát hành cụ thể được HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của UBCKNN.
Đơn vị kiểm toán cho rằng, việc UBCKNN vẫn đang xem xét chấp thuận về thay đổi trụ sở chính và tăng vốn điều lệ có thể dẫn đến hoài nghi về khả năng tiếp tục hoạt động của công ty.
Tuy nhiên, tại báo cáo giữa niên độ, HĐQT và Ban Tổng giám đốc HVS tin rằng không có lý do gì để công ty không được UBCKNN chấp thuận tiếp tục hoạt động. Do đó, báo cáo tài chính giữa niên độ của công ty được lập theo giả định công ty sẽ tiếp tục hoạt động.
Cho khách vay tiền 'chui', Chứng khoán VISC lãnh án phạt 'kép'
- Cho khách vay tiền 'chui', Chứng khoán VISC lãnh án phạt 'kép' 28/08/2024 04:52
- Chứng khoán Shinhan nhiều lần chậm kê thuế TNCN 03/08/2024 09:15
- Vi phạm về chứng khoán, Công ty Phú Tài nhận án phạt 23/07/2024 01:45
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.