DN liên quan Năm Sao Group kinh doanh thụt lùi, gánh khối nợ 3.200 tỷ
(VNF) - Tính đến cuối năm 2023, nợ phải trả của Cajimex là hơn 3.210 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là 2.230 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vật tư Nông nghiệp III (Cajimex) vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023 với kết quả không mấy khả quan.
Theo đó, kết thúc năm 2023, Cajimex ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 805 triệu đồng, giảm gần 22,5 lần so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) là 0,13%.
Trước đó, Cajimex báo lãi năm 35,8 tỷ đồng vào năm 2021 và 18 tỷ đồng vào năm 2022.
Về sức khỏe tài chính, tính đến thời điểm cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Cajimex là 627 tỷ đồng, giảm 7,2% so với hồi đầu năm.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,13 lần lên 5,12 lần, tương ứng nợ phải trả của doanh nghiệp là hơn 3.210 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là 2.230 tỷ đồng.
Như vậy, dư nợ trái phiếu chiếm 70% nợ phải trả của Cajimex vào thời điểm cuối năm 2023.
Dư nợ trái phiếu kể trên tương ứng với giá trị lô trái phiếu VT3-L2026-001 được Cajimex phát hành vào ngày 25/12/2020, với khối lượng 2,23 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành tương ứng 2.230 tỷ đồng. Kỳ hạn trả lãi là 3 tháng với lãi suất 11,25%/năm.
Lô trái phiếu VT3-L2026-001 có kỳ hạn 6 năm, ngày đáo hạn là ngày 25/12/2026. Tổ chức lưu ký là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS).
Cũng theo dữ liệu từ HNX, năm 2023, Cajimex đã chi trả hơn 336 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu VT3-L2026-001 mà doanh nghiệp này đang lưu hành.
Theo tìm hiểu, Cajimex được thành lập vào tháng 1/2004, ngành nghề kinh doanh chính là phân bón, kho bãi, bất động sản. Doanh nghiệp hiện do ông Lưu Xuân Đỗ làm giám đốc và hiện có địa chỉ trụ sở chính tại số 24A Tôn Thất Thuyết, phường 18, quận 4, TP. HCM.
Ngoài Cajimex, ông Lưu Xuân Đỗ hiện còn là người đại diện của Công ty cổ phần du lịch và đầu tư An Phú Khang.
Về cơ cấu cố đông, Cajimex chưa từng tiết lộ cơ cấu cổ đông, song có thời điểm Công ty cổ phần Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận - đơn vị thành viên của Tâp đoàn Quốc tế Năm Sao (Five Star Group) sở hữu 31,02% vốn của Cajimex. Five Star Group gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Trần Văn Mười.
Sơ phác về Năm Sao Group của đại gia Trần Văn Mười
Năm Sao Group do ông Trần Văn Mười làm người đại diện theo pháp luật và là Chủ tịch HĐQT. Doanh nghiệp này được thành lập năm 2001, với mức vốn điều lệ ban đầu chỉ 150 tỷ đồng.
Đến tháng 6/2014, Năm Sao Group tăng vốn điều lệ lên 900 tỷ đồng. Đồng thời, mở hàng loạt chi nhánh trên toàn quốc và có một số công ty liên kết.
Năm Sao được biết đến là một công ty phân bón, nhưng do cơ chế và sự thay đổi trong mục đích kinh doanh, doanh nghiệp này chuyển hướng sang đầu tư bất động sản.
Kể từ đó, mảng sản xuất phân bón chính của Năm Sao vẫn còn dang dở, nhưng mảng bất động sản bắt đầu dính đến nhiều “lùm xùm”.
Cụ thể, dự án khu đô thị Năm Sao tại Long An, theo kết luận thanh tra ngày 14/11/2022 của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, dự án này đã có các vi phạm như chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân dưới hình thức phân lô, bán nền khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 giai đoạn 1 của dự án thì tổng diện tích đất ở được phê duyệt là 181.903,78m2, nhưng Tập đoàn Năm Sao được giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 203.589m2 đất ở (chênh lệch 21.685,22 m2).
Qua kiểm tra phần diện tích đất chênh lệch này được quy hoạch để xây dựng nhà trẻ mẫu giáo, đất trạm y tế, đất công trình thương mại nên việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên là không phù hợp quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Tập đoàn Năm Sao được UBND tỉnh Long An giao 373.226 m2 đất để thực hiện dự án khu đô thị Năm Sao (giai đoạn 1) nhưng công ty đã sử dụng và thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên diện tích 394.827,46m2 (diện tích đất đã hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng), vượt 21.601,46m2 đất được giao.
Đây được xác định là hành vi chiếm đất, vi phạm quy định tại điểm e, khoản 3, Điều 14, Nghị định 91/2019/ NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ.
Về việc quản lý, sử dụng đất tại dự án Five Star Eco City giai đoạn 2, Bộ TN&MT kết luận việc UBND tỉnh Long An ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất cho Tập đoàn Năm Sao theo tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, không theo nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư được phê duyệt là không phù hợp với quy định tại Điều 52, Luật Đất đai năm 2013.
Kết luận thanh tra còn chỉ ra rằng phần lớn diện tích đất được giao cho Tập đoàn Năm Sao nhưng chưa triển khai xây dựng các hạng mục, công trình đã được cơ quan nhà nước phê duyệt, tiến độ sử dụng đất chậm dẫn đến dự án không đảm bảo về tiến độ đã được phê duyệt, vi phạm quy định tại điểm I, khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Việt An: Lợi nhuận âm 3 năm liền, hút 1.250 tỷ đồng trái phiếu trong 1 ngày
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.