Bất động sản

'Đổ bộ' miền Bắc, đại gia địa ốc phía Nam đối mặt thách thức về giá và thói quen người dùng

(VNF) - Các chuyên gia cho rằng một trong những thách thức khi các chủ đầu tư lớn từ TP. HCM "đổ bộ" ra thị trường Hà Nội là chưa hiểu được tâm lý khách hàng, nguồn cầu và đặc biệt Hà Nội là thị trường rất nhạy cảm về giá.

'Đổ bộ' miền Bắc, đại gia địa ốc phía Nam đối mặt thách thức về giá và thói quen người dùng

Đổ bộ miền Bắc, đại gia địa ốc phía Nam đối mặt thách thức về giá và thói quen người dùng

Thị trường Hà Nội “béo bở”, một số nhà đầu tư phía Nam "bắc tiến"

Tại buổi báo cáo tại thị trường bất động sản quý III/2020, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết một hiện tượng đáng chú ý của thị trường thời gian qua là nhà đầu tư bất động sản phía Nam đang có xu hướng "bắc tiến".

“Ở phương diện nhà đầu tư nhỏ lẻ, trong những năm qua, nhiều nhà đầu tư phía Bắc đã 'nam tiến', đổ tiền vào TP. HCM và các thị trường giáp ranh TP. HCM. Làn sóng này cộng hưởng với những yếu tố tiềm năng, nội lực sẵn có đã khiến giá nhà tại TP. HCM và một số tỉnh thành chạm mức cao, khiến các nhà đầu tư có xu hướng trở về quê hương”, ông Quốc Anh nói.

Theo sếp Batdongsan.com.vn, trong khi giá nhà tại TP. HCM ghi nhận mức tăng cao kỷ lục thì ngay tại Hà Nội có nhiều khu vực chỉ ghi nhận mức tăng rất nhẹ hoặc đi ngang dù hạ tầng nhiều khu vực đã rất phát triển.

“Đây là lý do hiện nay đang có dòng tiền nhà đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực phía Nam ra phía Bắc. Không chỉ có những nhà đầu tư riêng lẻ, thị trường cũng đang chứng kiến những ông lớn trong TP. HCM 'bắc tiến'”, ông Quốc Anh cho hay.

Cụ thể, ông Quốc Anh cho biết những tên tuổi lớn của thị trường phía Nam đều có kế hoạch "bắc tiến" như Phú Long với dự án Splendora Bắc An Khánh giai đoạn 2 có quy mô gần 200ha, Him Lam với dự án Him Lan Vạn Phúc ở Hà Đông, Phú Mỹ Hưng có kế hoạch phát triển dự án ở phía tây Hà Nội.

Dự báo trong quý cuối năm, vị lãnh đạo này nhận định khu vực miền Bắc và Hà Nội sẽ có lượng quan tâm tăng trưởng tốt hơn thị trường miền Nam và khu vực TP. HCM.

Phó tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc Nguyễn Chí Nghĩa cũng gọi những nhà đầu tư này là “cánh chim đầu đàn”.

“Những cánh chim đầu đàn đang có xu hướng quay trở về quê hương, nơi mà mặt bằng giá thấp so với các thị trường xa bờ họ đang đánh bắt”, ông Nghĩa nói và cho rằng theo quy luật, dòng tiền đổ vào thị trường nào thì giá bất động sản ở đó sẽ tăng.

Thách thức về giá và thói quen người dùng

Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, cũng cho rằng có làn sóng các nhà đầu tư, chủ đầu tư lớn từ TP. HCM đổ ra Hà Nội. Đáng chú ý, đây là những nhà đầu tư có kinh nghiệm phát triển dự án, kinh nghiệm bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài so với các nhà đầu tư Hà Nội.

“Điều họ kỳ vọng là mang được triết lý kinh doanh và cạnh tranh trực tiếp nhà đầu tư Hà Nội”, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết.

Theo bà Hằng, thị trường TP. HCM đang bị đẩy lên một mức giá cao, cùng với đó các dự án được cấp phép mới khó khăn hơn rất nhiều khiến nguồn cung ngày càng khan hiếm. Trong con mắt của các nhà đầu tư này, thị trường Hà Nội lại có tính pháp lý đảm bảo hơn dự án ở TP. HCM và có nguồn khách hàng.

Tuy nhiên, bà Hằng đánh giá một trong những thách thức mà các chủ đầu tư TP. HCM khi ra thị trường Hà Nội là họ chưa hiểu được tâm lý khách hàng và nguồn cầu. Bên cạnh đó, Hà Nội là thị trường rất nhạy cảm về giá.

“Giá tại quận 1 (TP. HCM) có thể đẩy trên 10.000 USD/m2, ở Hà Nội cũng từng có dự án như vậy nhưng rất ít, hoặc có dự án giá chỉ 5.000 USD/m2 lại rất khó bán”, bà Hằng phân tích và nhấn mạnh nhà đầu tư hiểu được thị trường Hà Nội mới thành công được.

Thiếu nguồn cung căn hộ Hà Nội, nhạy cảm về giá

Về thị trường căn hộ Hà Nội quý III/2020, bà Hằng cho biết trong quý giao dịch căn hộ trầm lắng. Số lượng căn bán đạt 5.200, giảm 3% theo quý và 44% theo năm.

Nguồn cầu giảm do thiếu nguồn cung mới và hàng tồn kho giá cao. Ngoài ra, thị trường quý này cũng chịu tác động từ làn sóng Covid-19 thứ 2 và ảnh hưởng tháng Ngâu.

Ngoài ra, theo bà Hằng, căn hộ có mức giá khoảng 20 triệu đồng/m2 rất hiếm trên thị trường. Giá sơ cấp trong quý III vẫn tiếp tục tăng. Theo ghi nhận của Savills, giá sơ cấp trung bình tăng 3% theo quý và 10% theo năm lên 1.500 USD/m2. Còn giá thứ cấp trung bình trong quý này bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhiều hơn, giảm 1% theo quý xuống 1.157 USD/m2.

Lý giải về điều này, bà Hằng cho rằng nguyên do là các nhà đầu tư đến thời điểm quý III chịu áp lực khi sự tăng giá không được kỳ vọng nên muốn rút ra khỏi thị trường.

“Nhìn chung thị trường có nhạy cảm về giá và bất ổn với việc thiếu nguồn cung hạng A. Nhu cầu căn hộ bình dân tăng nhanh trong thời gian qua. Khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, thị trường sẽ phục hồi hoàn toàn nhờ tăng trưởng kinh tế và dân số trong dài hạn”, bà Hằng nhận định.

Bà Hằng cho biết hiện nhiều dự án ở Mỹ Đình có giá lên 50-60 triệu đồng/m2. Mức giá cao khiến môi giới vào cũng khó, đồng thời kém sức hút với người mua. Thời gian vừa qua, Savills ghi nhận khoảng 80% chủ yếu là mua sử dụng, đầu tư không nhiều.

Tin mới lên