Đổ tiền vào ngành triển vọng tỷ USD, tỷ phú Việt chờ hái 'trái ngọt'
Ngọc Cương -
20/02/2024 14:07 (GMT+7)
Trước triển vọng tỷ USD, Bầu Đức, tỷ phú Trần Đình Long, Trần Bá Dương đều đã đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp, từ trồng cây ăn trái, chăn nuôi đến sản xuất thức ăn gia súc.
Bầu Đức đón tin vui
Những ngày cuối năm, giá sầu riêng tăng mạnh. Năm 2023, sầu riêng là loại trái cây có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục, dẫn đầu trong nhóm rau quả Việt Nam và chiếm tỷ trọng 51%. Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam cao nhất với thị phần chiếm 97%, đạt gần 1,9 tỷ USD.
Theo ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) - Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), giá sầu riêng hiện nay vẫn quá đắt, mới chỉ 10% người dân Trung Quốc được ăn sầu riêng chứ không phải ai cũng có tiền mua về ăn.
"Do đó, tôi tin rằng 10 năm tới sầu riêng vẫn là cây trồng tiềm năng, không phải lo lắng về giá", Bầu Đức bày tỏ.
Hiện, cây ăn trái là mảng kinh doanh chính của HAGL. Trong đó, cây sầu riêng hứa hẹn mang lại lợi nhuận lớn. Đây là loại cây trái "1 vốn 4 lời", có giá rất cao trên cả thị trường thế giới và trong nước.
HAGL cho biết sẽ trồng thêm sầu riêng và nâng diện tích lên 2.000 ha. Năm 2024, sầu riêng của HAGL sẽ cho thu hoạch trên diện rộng. Khoảng 700 ha dự kiến thu hoạch trong quý IV/2024, góp phần đưa lợi nhuận của HAG lên khoảng 2.000 tỷ đồng. Tới năm 2026, diện tích trồng sầu riêng của HAGL sẽ là 2.000 ha, trong đó có 1.000 ha cho thu hoạch. HAGL cũng có 5.000 ha có thể trồng thêm sầu riêng.
Khởi đầu từ bất động sản, sau đó tới thuỷ điện, năm 2013, Bầu Đức bất ngờ tuyên bố chuyển hướng sang mảng nông nghiệp. Để thực hiện tái cơ cấu đầu tư, HAGL đã bán toàn bộ dự án thuỷ điện, cổ phần công ty gỗ... để lấy tiền đầu tư tập trung các dự án nông nghiệp.
Năm 2012, tỷ trọng mảng nông nghiệp chỉ chiếm 4,3% doanh thu, sang đến năm 2013, doanh thu mảng này đã tăng đột biến, chiếm 38,94% tổng doanh thu của HAGL. Tuy nhiên, đầu tư ngành nông nghiệp dường như không đạt được hiệu quả như Bầu Đức mong đợi. HAGL đã phải tái cơ cấu nhiều loại cây trồng, vật nuôi, thậm chí phải bán cả công ty con trong lĩnh vực này.
Sau 10 năm tham gia ngành nông nghiệp với nhiều cây trồng, vật nuôi, giờ đây, với cây chủ lực sầu riêng, một số dự báo cho rằng HAGL của Bầu Đức có thể sẽ trở lại với mức lãi nghìn tỷ mỗi năm.
Năm 2023, HAGL đạt 6.930 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 1.817 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất 12 năm qua của doanh nghiệp này. Với lợi nhuận tăng đột biến và lên ngưỡng một vài nghìn tỷ đồng/năm, khả năng trả hết nợ trong năm 2026 như Bầu Đức chia sẻ được đánh giá là khả thi.
Trong vài năm trước, ông Đức nhiều lần chia sẻ cảm thấy xấu hổ với bạn bè vì làm ăn thất bại, nợ nần. Giờ đây, ông bầu bóng đá nổi tiếng một thời đã cảm thấy thoải mái hơn nhiều vì nợ không đáng kể, doanh nghiệp đang có lãi. Ông chủ HAGL cho biết quyết tâm vực dậy doanh nghiệp của mình vì danh dự.
Cú "sang ngang" chiếm ưu thế của tỷ phú Trần Đình Long
Mảng nông nghiệp cũng được tỷ phú Trần Đình Long đánh giá có tiềm năng. Thậm chí, ông Long còn khẳng định, nông nghiệp sẽ có tiềm năng hơn ngành thép.
Tháng 3/2015, Hòa Phát chính thức thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại & Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng.
Thêm vào đó, Hòa Phát phát triển mạnh mảng chăn nuôi với quy mô lớn tại nhiều tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Hòa Bình, Quảng Bình, Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Đồng Nai và Đắk Lắk.
Để cạnh tranh với các sản phẩm thịt heo trên thị trường, Hòa Phát đã triển khai mô hình chăn nuôi 3F (Feed - Farm - Food). Hòa Phát quyết định xây dựng 2 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên tại Hưng Yên và Đồng Nai với tổng công suất đạt gần 600.000 tấn/năm.
Kết quả, sau 6 năm đi vào hoạt động, Hòa Phát đưa ra thị trường nguồn heo giống, heo thịt chất lượng cao từ hệ thống trang trại tại một loạt địa phương.
Về lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, theo báo cáo thường niên năm 2022, sản lượng trứng gà sạch Hòa Phát mỗi ngày đạt khoảng 850.000 quả ra thị trường, giữ vững thị phần số 1 về sản lượng cung cấp trứng gà khu vực phía Bắc. Sản lượng heo Hòa Phát năm 2022 đạt gần 404.000 con, bao gồm heo thịt thương phẩm, heo giống...
Trong giai đoạn từ 2015 đến 2020, ngành chăn nuôi được Hoà Phát đầu tư và tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến năm 2020, mảng nông nghiệp của Hòa Phát đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng doanh thu thứ 2 sau ngành cốt lõi là ngành thép.
Mới đây, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát (thành viên Tập đoàn Hòa Phát) công bố sản xuất và tiêu thụ trứng sạch của công ty năm 2023 đã trên 300 triệu quả, vượt 10% kế hoạch năm và tăng hơn 17% so với năm 2022.
Hơn 7 năm trước, khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh trứng gia cầm, Tập đoàn Hòa Phát đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt 300 triệu quả trứng gà/năm. Như vậy, tập đoàn đã đạt mục tiêu đề ra trước 2 năm.
Hiện sản phẩm trứng gia cầm phủ sóng rộng khắp các siêu thị, trường học, bếp ăn, KCN, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra, trứng gà Hòa Phát bước đầu đã được xuất khẩu sang một số quốc gia như Lào, Campuchia. Tháng 8/2023, công ty triển khai thêm giống Hy-Line Sonia, gà đẻ trứng hồng, nhập khẩu từ Mỹ.
Mục tiêu của Hòa Phát trong năm 2025 sẽ phát triển doanh thu gấp đôi 2020, mỗi năm sản xuất 850.000 tấn thức ăn chăn nuôi, 200.000 bò Úc, 300 triệu quả trứng, 750.000 con heo thành phẩm.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dốc nghìn tỷ sang nông nghiệp
Năm 2015, ông Nguyễn Đăng Quang có bước đi mới cho Masan khi mua 52% cổ phần của Công ty Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) và 70% cổ phần CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (ANCO), đồng thời thành lập Công ty TNHH Masan Nutri - Science (MNS) để sở hữu hai công ty này.
Đến 2016-2017, Masan công bố chi 1.400 tỷ đồng để mở trang trại nuôi lợn ở Nghệ An với mô hình chăn nuôi 3F. Bước đi này được coi là đón đầu nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm cao cấp đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Việt Nam nhờ thu nhập hộ gia đình cao hơn, ý thức về sức khỏe và những thay đổi trong lối sống hiện đại. Cùng với đó, Masan cũng ký kết hợp tác với Vissan, công ty chế biến thịt lớn nhất Việt Nam.
Tiếp đến, Masan đã tạo ra thương hiệu cám độc quyền để gia nhập chuỗi giá trị thịt lợn, nhằm mục tiêu đưa sản phẩm thịt chất lượng cao cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường.
Năm 2018, Masan cho ra đời thương hiệu thịt mát MeatDeli. Sản phẩm này đã có mặt rộng rãi trên hệ thống siêu thị Winmart và chiếm khoảng 2-3% thị phần, đứng đầu về mức giá trong phân khúc thịt lợn có thương hiệu với câu chuyện “Thịt mát theo tiêu chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam”.
Trong năm 2023, Masan MeatLife tiếp tục đạt được doanh số và tỷ lệ sử dụng cao hơn nhờ chiến lược giá cả cạnh tranh, giúp thu hẹp khoảng cách giá giữa các sản phẩm với thịt tại chợ truyền thống.
Doanh thu của thương hiệu này năm qua đạt 6.984 tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.
Cuộc chơi lớn của tỷ phú Trần Bá Dương
Năm 2021, tỷ phú Trần Bá Dương bắt tay với Bầu Đức khi mua lại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico chuyên về lĩnh vực nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai.
Ông Dương cho biết Thaco đã chi ra khoảng 8.000 tỷ đồng. Để cơ cấu lại toàn bộ HAGL Agrico, Thaco đã phải bỏ thêm khoảng 12.000 tỷ đồng. Năm 2022, Thaco sở hữu 26,7% cổ phần và điều hành toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của HAGL Agrico, đồng nghĩa với việc nắm trong tay 36.050 ha tại Lào và Campuchia.
Năm 2022, năm đầu tiên HAGL Agrico về với Thaco, kết quả kinh doanh vẫn chưa thể tốt hơn thời Bầu Đức khi tiếp tục thua lỗ. Tính chung trong hai năm 2021, 2022, HAGL Agrico lỗ lần lượt là 1.119 tỷ và 3.576,5 tỷ đồng song không làm vị tỷ phú nản lòng.
Đầu năm 2023, ông Trần Bá Dương công bố sẽ tiếp tục đầu tư 8.200 tỷ đồng vào mảng nông nghiệp trên nền tảng hữu cơ, công nghệ sinh học. Điều này cho thấy ông Trần Bá Dương đã đặt niềm tin vào triển vọng tăng trưởng ngành nông nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2023, dưới sự điều hành của ông Trần Bá Dương, HAGL Agrico đã lên nhiều kế hoạch để cải thiện tình hình kinh doanh như cải tạo, nâng cấp, xây dựng các hạng mục cấp bách để phục vụ sản xuất kinh doanh, chuyển đổi các vườn cây ăn trái, cao su không hiệu quả sang trồng chuối, dứa và chăn bò, sản xuất phân hữu cơ...
Trong cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, ông Trần Bá Dương cho biết Thaco đã tiếp quản điều hành các dự án của HAGL Agrico tại Lào và quyết tâm làm nông nghiệp quy mô lớn, hướng đến tích hợp - tuần hoàn.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.