Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới
Đó là những giải pháp được nhiều doanh nghiệp du lịch đề xuất tới Chính phủ nhằm giúp ngành kinh tế xanh Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên Covid-19 tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển”. Hội nghị diễn ra vào sáng 28/11/2020, tại Quảng Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Phú Nam, CEO Tập đoàn Sun World cho biết, đại dịch Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… hiện đang là xu hướng được ưa chuộng.
Thực tế cũng cho thấy, việc Sun Group đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) vào tháng 5/2020, ngay thời điểm đợt Covid-19 lần thứ nhất vừa chấm dứt, đã đáp ứng trúng thị hiếu, nhu cầu mới của du khách, bởi đây là sản phẩm hướng tới việc thư giãn, chăm sóc sức khỏe. Từ đó đến nay, Yoko Onsen Quang Hanh luôn có lượng khách duy trì đều đặn, thậm chí cuối tuần là kín khách. Điều này cho thấy định hướng sản phẩm chăm sóc sức khỏe là hướng đi đúng.
“Do vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền…”, ông Nam đề xuất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Sun Group cũng đề xuất Chính phủ các nhiều giải pháp khác như: Gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình kinh tế đêm; phát huy tinh thần 'Đại Đoàn Kết' tạo Liên minh phục hồi du lịch; tiếp tục hiệu triệu: “Yêu Việt Nam – Du Lịch Việt Nam” để phục hồi thị trường; Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không “Mở cửa bầu trời nội địa”…
Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel đề xuất Chính phủ dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, động lực; nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch. Đầu tư các điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ.
Ông Kỳ cũng mong muốn Nhà nước đẩy mạnh thực hiện chính sách 'mở cửa bầu trời', triển khai thực hiện thương quyền 5 về hàng không; tạo điều kiện cho các hãng hàng không mở các đường bay mới kết nối Việt Nam với thị trường nguồn, tăng cường tần suất các đường bay có sẵn; giải quyết các điểm nghẽn và tình trạng quá tải tại các cảng hàng không.
“Đề xuất tập trung đầu tư một số cảng biển và cảng thủy nội địa chuyên dùng tại các địa bàn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch đường biển và đường sông. Cải thiện hạ tầng và chất lượng dịch vụ đường sắt phục vụ khách du lịch”, ông Kỳ nhấn mạnh.
Dưới góc độ của một doanh nghiệp nước ngoài, ông Amir Ohayon, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh, Công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường cho rằng: “Du lịch Việt Nam nên có thêm nhiều các mô hình nghỉ dưỡng đặc biệt được thiết kế cho từng phân khúc khách hàng riêng, đem đến trải nghiệm độc đáo mà một nơi nào khác không thể có được. Hiện nay xu hướng du lịch đang chuyển dịch dần từ checkin cảnh đẹp sang những trải nghiệm, câu chuyện có được. Đó cũng là những hồi ức mà những du khách sẽ nhớ về và kể cho bạn bè, người thân sau chuyến đi, thậm chí nhiều năm sau này".
Ông Amir Ohayon cho hay, đó là lý do Vịnh Thiên Đường dành mọi nỗ lực để tập trung vào phân khúc gia đình, đặc biệt là các gia đình Việt Nam. Khu nghỉ dưỡng của chúng tôi được thiết kế với hàng chục tiện ích phù hợp với mọi thành viên trong gia đình như công viên nước, rạp chiếu phim, bảo tàng khoa học, khu chơi game thực tế ảo… Gần 600 căn hộ và biệt thự tại khu nghỉ cũng có đầy đủ không gian và trang thiết bị, tiện nghi cần thiết để sinh hoạt như tại nhà. Mỗi căn từ 1-3 phòng ngủ đáp ứng được 5-9 người là lựa chọn hàng đầu của các đại gia đình.
Nhanh chóng chuyển đổi số trong du lịch
Phát biểu tham luận, ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), CEO Tập đoàn Thiên Minh (TMG) nhận định: Hàng không và du lịch nằm trong nhóm các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Theo báo cáo đề dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ảnh hưởng của đại dịch Covid đối với ngành du lịch thế giới là lớn nhất từ năm 1950 đến nay. Ước tính 120-160 triệu công ăn việc làm đã mất đi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam cũng đã mất gần 2 triệu việc làm.
Về giải pháp để Việt Nam phục hồi nhanh chóng du lịch nội địa, hỗ trợ và chống đổ vỡ hàng loạt, đồng thời tạo đà phát triển mạnh sau đại dịch Covid, ông Kiên đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp có dòng tiền bằng cách bảo lãnh cho các DN có thể vay bằng đúng số tiền nộp thuế trong năm 2019; cho phép khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021.
Để kích cầu tạo thị trường, Nhà nước giảm phí thăm quan hết năm 2021, mức giảm ít nhất 50%. Thông điệp 'Việt Nam an toàn - Đi du lịch là yêu nước'. Ủng hộ các sự kiện văn hóa, thể thao để thu hút khách du lịch. Truyền thông các bài học điển hình về điểm du lịch an toàn như Nam Hội An, NovaWorld Phan Thiet được quy hoạch để tạo nên một điểm đến hấp dẫn, đầy sức sống, vui khoẻ, an toàn…
Đề xuất các giải pháp căn cơ tăng cường năng lực cạnh tranh, ông Kiên đề xuất Chính phủ đầu tư nhanh vào hạ tầng và kết nối hạ tầng trên cơ sở huy động mạnh mẽ nguồn lực tư nhân; Thúc đẩy các kết nối vùng; thành lập các Cơ quan quản lý điểm đến để QL phát triển sản phẩm, xúc tiến DL cho vùng; Đẩy mạnh tiếp thị hình ảnh Việt Nam ra thế giới, kết hợp nguồn lực tư nhân và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Tiếp tục xây dựng một chính sách thị thực cạnh tranh: Thị thực điện tử và nới lỏng miễn thị thực (miễn thị thực 30 ngày, mở rộng DS miễn thị thực, thị thực dài hạn 5-10 năm…).
“Cần nhanh chóng chuyển đổi số trong du lịch như: số hóa các di sản, bảo tàng; vé điện tử tại các điểm thăm quan; du lịch thông minh… hoàn thành một nền tảng kết nối trong năm 2021”, ông Kiên nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Lê Khắc Hiệp, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup nhấn mạnh, chuyển đổi số được cho là vấn đề mang tính sống còn đối với tất cả các doanh nghiệp trên thế giới. Doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều giá trị mới bằng cách ứng dụng công nghệ để thay đổi toàn bộ mô hình quản trị, vận hành cũng như cách thức kinh doanh.
“Lợi ích từ chuyển đổi số không chỉ đến từ việc tiết kiệm chi phí vận hành, hay đưa ra những quyết sách chính xác và nhanh chóng hơn dựa vào hệ thống báo cáo được tổng hợp tự động theo thời gian thực, mà còn giúp doanh nghiệp gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường một cách mạnh mẽ”, ông Hiệp nói.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số cũng đang được coi là một trong những hoạt động quan trọng của các doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp du lịch. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.
“Vinpearl đã đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến và đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% trong năm 2021”, ông Hiệp dẫn chứng.
Để hàng không, du lịch cất cánh trở lại, ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc thường trực, Giám đốc điều hành VietJet tin rằng cần có sự chung tay của Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp hàng không, du lịch.
Ông khẳng định: những chính sách hỗ trợ về chính sách, thuế, miễn giảm các loại thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi dành cho doanh nghiệp của Chính phủ chắc chắn sẽ góp phần giảm bớt áp lực tài chính cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp có nguồn vốn để tiếp tục hoạt động cũng như đầu tư phát triển.
Về phía các doanh nghiệp trong ngành, ông Phương tin rằng việc đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động cũng như mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, đặc biệt trong một bối cảnh kinh doanh hoàn toàn khác biệt hiện nay.
Đặc biệt, theo ông Phương, sự hợp tác và sáng tạo trong các sản phẩm cũng sẽ tạo ra lợi thế, thu hút được nhiều hơn du khách. Thực tế, Việt Nam đang sở hữu những bãi biển đẹp nhất thế giới tại Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, những danh lam thắng cảnh như Huế, Hội An, Hạ Long, Ninh Bình, Sapa rất nhiều những vùng đất xinh đẹp, thu hút, đậm đà bản sắc văn hóa…
“Chúng ta phải làm sao để các sản phẩm du lịch của chúng ta hấp dẫn hơn, thu hút hơn với người dân, du khách, để du khách không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần sau nữa. Đồng thời, các biện pháp đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch cũng phải được đặt là ưu tiên hàng đầu trong mọi kế hoạch phát triển, nhất định không lơ là công tác phòng, chống dịch bệnh và các hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương”, ông Phương nhấn mạnh.
Để mở cửa du lịch an toàn trước khi có vaccine, ông Kiên đề xuất dây dựng quy trình mở cửa với các nước có mức độ an toàn cao. 'Hành lang du lịch an toàn' ('travel bubbles') dựa trên các thỏa thuận song phương hoặc đa phương; Chính phủ cho phép đại diện của các khối doanh nghiệp hàng không, du lịch lớn được tham gia chương trình đàm phán song phương với các nước.
Ông Kiên nhấn mạnh việc Việt Nam cần có kế hoạch về vaccine Covid-19: “Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu đã công bố kế hoạch vaccine, giúp doanh nghiệp lập kế hoạch đầu tư kinh doanh có tính khả thi. Đề nghị Chính phủ sớm công bố kế hoạch của nước ta về vaccine Covid để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân biết rõ”.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch cho biết, khó khăn, thách thức đối với ngành du lịch và hàng không là không hề nhỏ, nhưng vượt qua khó khăn này, Việt Nam chắc chắn sẽ có những doanh nghiệp hàng đầu, những chú chim đầu đàn đưa du lịch nói riêng, kinh tế Việt Nam nói chung phát triển, nâng cao vị thế của đất nước trên khu vực, thế giới.
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.