'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
- 2022 là một năm rất khó khăn với ngành xây dựng, nguyên nhân trực tiếp là ngành bất động sản suy thoái. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến điều này, theo ông đâu là nguyên nhân chủ yếu?
Ông Lê Viết Hải: Sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế toàn cầu đã hồi phục khá nhanh, tạo nên tâm lý kỳ vọng lớn. Tuy nhiên, những biến cố bất ngờ liên tiếp ập đến, đặc biệt là cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, đã làm thay đổi tất cả. Tôi cho rằng lúc đầu, không ai lường hết được tác động tiêu cực từ cuộc chiến này. Nhưng sau đó, hậu quả là rất rõ: kinh tế toàn cầu suy thoái. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế Việt Nam, đặc biệt là ngành du lịch. Lẽ ra sau Covid-19, du lịch sẽ bùng nổ, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi lớn. Nhưng cuộc chiến Nga – Ukraine và chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc đã chặn đứng triển vọng này.
Các chủ đầu tư bất động sản của Việt Nam trong mấy năm qua đã chuyển hướng sang bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng, do bất động sản đô thị không còn dư địa vì hạn chế cấp phép. Gặp 2 năm dịch bệnh, các chủ đầu tư bất động sản đã bị bào mòn về nguồn lực tài chính, phải gồng gánh hết sức căng thẳng. Đến năm thứ 3, tức là năm nay, du lịch không hồi phục được, bất động sản nghỉ dưỡng không bán được, trong khi đó áp lực trả nợ ngân hàng và trái phiếu tăng lên, các chủ đầu tư lâm vào tình cảnh không có tiền để trả nợ. Vậy là tình trạng đổ vỡ xuất hiện.
Có thể thấy các chủ đầu tư bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay đều gặp khó. Dù vẫn còn ít nhiều gồng gánh được, nhưng tất cả đều bị kẹt vốn rất lớn. Hãy hình dung, mỗi năm chủ đầu tư phải trả mười mấy %, 2 năm là thành 30%, 3 năm là hết trên 40% rồi, vậy lấy tiền đâu để trả gốc và lãi, trong khi chỉ 2 năm thôi là đã tiêu sạch vốn đối ứng. Chúng ta biết chủ đầu tư khi lập dự án chỉ chuẩn bị được vốn đối ứng 15% - 20% là giỏi rồi, vậy nếu khó khăn kéo dài đến năm thứ 3 thì tiền đâu để trả lãi?
Cho nên, du lịch không hồi phục thì các công ty bất động sản chuyển hướng vào bất động sản du lịch – nghỉ dưỡng đều gục ngã hết. Phải lưu ý rằng, sự hồi phục của du lịch phải nhìn ở số lượng du khách quốc tế. Đó là loại khách mang lại nguồn thu lớn. Hiện nay, khách sạn 4 – 5 sao trống phòng nhiều, phải giảm giá rất sâu mà cũng không có khách.
- Khi các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn như vậy, tình hình kinh doanh của Hòa Bình bị ảnh hưởng như thế nào?
Trong 9 tháng năm 2022, Hòa Bình vẫn đảm bảo được việc làm nhưng quý IV thì khá lo lắng khi đột ngột hàng chục công trình dự án bị dừng, đặc biệt là trường hợp của một tập đoàn rất lớn bị dừng toàn bộ. Hòa Bình và tập đoàn đó có quan hệ đối tác chiến lược, chúng tôi luôn đồng hành với họ trong các dự án đầu tư, dù cũng thấy trước một số rủi ro. Trước đây, chúng tôi nhìn thấy tỷ suất lợi nhuận của họ rất cao, có khả năng cân đối được dòng tiền nên cũng an tâm phần nào, tuy nhiên rất tiếc là giờ họ bị khóa van tín dụng, dẫn đến việc thanh toán bị khó khăn.
Một tập đoàn rất lớn khác cũng bị chậm thanh toán. Nguyên nhân được nêu ra thì rất khách quan là hồ sơ thanh toán phải đi qua nhiều ban bệ và có rất nhiều lý do để họ yêu cầu bổ sung hồ sơ. Việc thanh toán chậm làm các nhà thầu như Hòa Bình gặp khó khăn.
Trong 5 năm trở lại đây, số lượng dự án nhà ở đô thị được cấp phép giảm đi rất nhiều, điều đó khiến các nhà thầu rất khó khăn trong việc duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Khi đơn hàng giảm thì tất yếu tính cạnh tranh tăng lên và một tình trạng xảy ra là nhiều nhà thầu chấp nhận làm hòa vốn, bởi hòa vốn còn hơn là không có việc gì làm và chịu lỗ định phí.
Định phí của các doanh nghiệp xây dựng không hề nhỏ, nhất là với tập đoàn có quy mô nhân sự rất lớn như Hòa Bình. Chúng ta cũng cần biết rằng hiện có 67 trường đại học có khoa kiến trúc/xây dựng trên cả nước. Nếu mỗi trường mỗi năm cho ra 100 người thì số lượng nhân sự bổ sung vào thị trường xây dựng là 6.700 người/năm. Nhưng thực tế mỗi khoa đó có tới mấy trăm người ra trường hằng năm, thành ra lực lượng kỹ sư xây dựng hiện đang dư thừa. Lao động nhiều buộc các nhà thầu phải tìm cách có việc làm cho anh em, tức phải cạnh tranh về giá để có dự án. Điều này khiến giá dự thầu rất thấp. Thấp như vậy nhưng các nhà thầu không thể từ chối, bởi nếu không nhận thì sẽ có người khác nhận ngay. Nói một cách hình ảnh thì các nhà thầu đang trong một cuộc đua xuống đáy về giá.
- Thậm chí có tình trạng làm dưới giá vốn nữa phải không ông?
Đúng là có chuyện đó. Chúng ta có thể hình dung câu chuyện làm dưới giá vốn như thế này. Ví dụ một nhà thầu có định phí 5 tỷ đồng/năm, nếu nhận một công trình 100 tỷ đồng, họ sẽ hạch toán vào đó 5 tỷ đồng chi phí quản lý, 5 tỷ đồng lợi nhuận, như vậy giá nhận chỉ là 90 tỷ đồng thôi. Nếu chấp nhận làm hòa vốn, họ sẽ nhận công trình với giá 95 tỷ đồng. Nhưng giờ cạnh tranh quá khốc liệt, họ chấp nhận nhận công trình với giá 97,5 tỷ đồng, tức chịu lỗ 2,5 tỷ đồng định phí. Cái đó chính là làm dưới giá vốn. Nhưng nhà thầu buộc phải như vậy, vì không làm thì cũng mất 5 tỷ đồng định phí, làm thì chỉ mất 2,5 tỷ đồng thôi.
Giờ tình trạng này phổ biến toàn thị trường. Mới hôm kia, tôi ngồi với một nhà đầu tư Singapore, ông ấy nói với tôi rằng đã 10 năm nay, ông ấy không được chia cổ tức, vì thị trường Việt Nam quá cạnh tranh, công ty chỉ bán sản phẩm bằng với giá vốn, không có lợi nhuận. Tới năm nay, ông ấy còn bị lỗ vốn luôn. Ông ấy lập 7 nhà máy sản xuất bê tông tại TP. HCM mà tới giờ chỉ có 1 nhà máy hoạt động, 6 cái kia đã dừng mấy tháng nay, 2/3 nhân viên đã bị cho nghỉ việc.
- Một trong những vấn đề căng thẳng của Hòa Bình là chi phí tài chính và nợ đọng khá cao. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Từ đầu năm tới nay, các chủ đầu tư khó khăn về tài chính, tiến độ thanh toán bị giãn ra, nên Hòa Bình phải gánh nhiều nợ hơn. Mặc dù Hòa Bình cũng đã làm tất cả biện pháp để thu hồi nợ nhưng trong điều kiện chủ đầu tư mất khả năng thanh toán đúng hạn, mình không thể thúc ép quá mức để đòi nợ được. Bất đắc dĩ, chúng tôi phải tiến hành các thủ tục thưa kiện và vụ nào cũng thắng.
Tất nhiên, có những vụ đã thắng mà chưa thu được tiền, lại có những trường hợp bất khả kháng như FLC, đang thu được nợ thì lãnh đạo công ty đó bị bắt giam, điều tra, nên công tác thu hồi nợ bị đứt đoạn. Dù sao thì Hoà Bình cũng đã thu hết nợ gốc 192 tỷ đồng và gần 30 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền lãi 65 tỷ đồng còn lại tôi tin là vẫn sẽ thu về đầy đủ.
- Tình hình xây dựng dân dụng – thương mại khó khăn như vậy, Hòa Bình đã làm gì để cải thiện được doanh thu, lợi nhuận?
Chúng tôi có tham gia nhiều dự án công nghiệp, trong đó lớn nhất là dự án của Want Want (Đài Loan), dự án của BWID… và dự án đáng tự hào nhất về công nghiệp mà Hoà Bình đã tham gia đó là nhà máy thép Hoà Phát ở Dung Quất. Chỉ trong 18 tháng, Hoà Bình đã thực hiện một sản lượng trên 2.400 tỷ đồng bao gồm thiết kế và thi công kết cấu bê tông cốt thép cho trên 200 hạng mục công trình. Trừ giá trị thép do chủ đầu tư cung cấp, doanh thu mang về trên 1.800 tỷ đồng. Công trình được chủ đầu tư đánh giá rất cao vì Hoà Bình đã đảm bảo yêu cầu về mọi mặt.
Tuy nhiên, thẳng thắn thừa nhận mảng công trình công nghiệp chưa phải là thế mạnh của Hòa Bình và lợi nhuận của các dự án này cũng không cao lắm, vì giá rất cạnh tranh. Nhưng bù lại, Hòa Bình tự hào là đơn vị xây dựng dự án nào cũng thành công, an toàn, đúng hạn, chất lượng cao, luôn có giải pháp thiết kế và biện pháp thi công tối ưu, tiết kiệm chi phí, chủ đầu tư rất hài lòng.
Chúng tôi cũng đã rất thành công trong việc phát triển mảng thi công hạ tầng bằng việc đầu tư chiến lược vào Công ty 479. Đây là một công ty có bề dày kinh nghiệm trên 40 năm trong lĩnh vực xây dựng cầu đường, đặc biệt được đánh giá là nhà thầu xuất sắc nhất trong xây dựng cầu và đã được nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.
Chỉ trong 3 năm, Hoà Bình đã giúp cho Hoà Bình 479 nâng doanh thu lên 3 lần và lợi nhuận lên 5 lần. Chỉ trong năm 2022, Hoà Bình 479 đã hoàn thành 7 cây cầu lớn, trong đó có 3 cây cầu lớn nhất trong công trình cao tốc Vân Đồn- Móng Cái đó là cầu Ka Long 2, cầu Vân Tiên và cầu Đại Xuyên. Ngày 18/12 tới đây, Hoà Bình sẽ cùng chủ đầu tư Sun Group khánh thành một cây cầu có mặt bằng hình cánh cung, một thiết kế rất độc đáo của kiến trúc sư người Ý. Đây là cây cầu nằm hẳn ở ngoài biển duy nhất trên thế giới không bao giờ được hợp long. Đó là một công trình có nhiều thách thức về kỹ thuật thi công: cầu "Cầu Hôn" ở Phú Quốc - một điểm nhấn quan trọng của dự án Địa Trung Hải ở Hòn Thơm.
Trong năm tới, Hoà Bình cũng sẽ tích cực tham gia những dự án nhà ở xã hội với mục tiêu 10.000 căn. Trong tháng 10/2022, Hoà Bình đã ký kết hợp đồng tư vấn thiết kế báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế bản vẽ thi công dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (số 142 Lê Lai), phường Máy Chai và phường Cầu Tre, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng với giá trị trên 38 tỷ đồng. Đây là dự án nhà ở xã hội quy mô lớn đầu tiên của thành phố Hải Phòng với diện tích khu đất 17ha gồm 10 tòa chung cư cao 15 tầng, Tổng số căn hộ là gần 5.000 căn, tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Hợp đồng tư vấn thiết kế này là tiền đề để Hòa Bình và chủ đầu tư Thai Holding hợp tác trong giai đoạn thi công xây dựng dự án.
Song song với đó, Hòa Bình cũng đang Hợp tác với chủ đầu tư Thăng Long Group nghiên cứu 4 tòa chung cư nhà ở xã hội tại khu đô thị Vũ Phúc- Thái Bình với quy mô 19 tầng, hơn 1.300 căn nhà ở xã hội.
Chúng tôi cũng đang xây dựng chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng, dần dần sẽ nâng cao hiệu quả, lợi nhuận. Nếu nhìn vào bảng lưu chuyển tiền tệ trên báo cáo tài chính của Hòa Bình, cổ đông, nhà đầu tư có thể thấy tập đoàn đang đầu tư khá lớn cho tài sản cố định, ví dụ tập đoàn đã mua hệ giàn giáo mới, nhằm nâng cao năng suất, bảo đảm an toàn thi công và đặc biệt là tạo lợi thế cho việc nhận thầu dự án sân bay Long Thành.
- Ông có thể chia sẻ góc nhìn của mình về thị trường xây dựng năm 2023 và kế hoạch của Hòa Bình?
Ngành xây dựng Việt Nam đang yếu hơn trước, chúng tôi khá lo lắng. Vì vậy, Hòa Bình ưu tiên chiến lược phát triển thị trường nước ngoài. Đây là hướng mang lại lợi nhuận rất cao, dù có nhiều trở ngại và chưa đạt được kết quả ngay. Nhưng với những gì đang làm, Hòa Bình có cơ sở để tự tin và một khi đã thành công thì chúng tôi sẽ thành công rất lớn.
Chúng tôi đã tìm được những đối tác chiến lược để triển khai công việc này. Chúng tôi tự hào là doanh nghiệp xây dựng hiếm hoi trên thế giới có quan hệ hợp tác với trên 20 nhà thầu quốc tế lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hong Kong, Malaysia. Chỉ riêng Hàn Quốc đã có 9 nhà thầu tổng hợp (GC- General Contractor) bao gồm: Posco, Kumho, Doosan, Keangnam, Hyundai, GS, Daewoo, Lotte, Samsung.
- Ông có kiến nghị gì để ngành xây dựng trong nước phát triển mạnh mẽ trở lại?
Tôi nghĩ điều rất cần thiết bây giờ là nhà nước phải đầu tư quảng bá hình ảnh Việt Nam ra trường quốc tế, thúc đẩy cho sự hồi phục của ngành du lịch, phải đưa được khách quốc tế vào nước ta, như thế thì các dự án nghỉ dưỡng – du lịch mới sống được và sẽ giúp ngành xây dựng có thêm việc làm và kinh tế nhanh chóng hồi phục. Điều này phải do nhà nước làm chứ các doanh nghiệp du lịch sau mấy năm Covid-19 đã tan tác hết cả, không có sức để làm.
Hai là nhà nước cần giải quyết vấn đề thanh khoản của nền kinh tế, có thể chấp nhận một mức lạm phát cao hơn mục tiêu, khôi phục lòng tin của nhà đầu tư trên thị trường, qua đó gỡ nút thắt lớn nhất cho ngành bất động sản. Ngành bất động sản là một trong những ngành kinh tế lớn nhất, có tác động sâu rộng với hàng chục ngành nghề khác. Nếu bất động sản chìm đắm, hệ lụy sẽ rất lớn.
Tôi cho rằng nhà nước phải đưa ra giải pháp chứ không nên để thị trường tự điều chỉnh. Thị trường chỉ tự điều chỉnh được khi nền kinh tế trong trạng thái bình thường, không có những tác động bất thường như hiện nay. Những tập đoàn bất động sản lớn nhất Việt Nam hiện nay không phải không có năng lực, chỉ là họ không lường hết được những biến cố bất ngờ, dẫn đến khó khăn như hiện tại.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.