Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
Ông Nguyễn Bá Dương sinh năm 1959, nguyên quán Nam Định, hiện đang sinh sống và làm việc tại quận Bình Thạnh, TP. HCM. Ông tốt nghiệp Đại học Xây dựng Kiev - Ucraina năm 1984 với tấm bằng Kiến trúc sư xây dựng.
Trở về nước sau khi tốt nghiệp, ông Dương được nhận vào làm việc tại Xí nghiệp Thiết kế số 1, Viện Xây dựng, Bộ Công nghiệp; phòng Xây dựng cơ bản, Công ty Giày Phú Lâm, một công ty cũng thuộc quản lý của Bộ Công nghiệp.
Ông gắn bó với Bộ Công nghiệp đến năm 2002 sau khi có 8 năm làm Phó giám đốc Công ty Xây dựng Công nghiệp nhẹ Số 2. Từ năm 2002-2004, ông làm Phó giám đốc Công ty kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng (Cotec), một công ty thuộc Bộ Xây dựng và là tiền thân của Coteccons ngày nay.
Ông Dương được đánh giá là “kiến trúc sư trưởng” của Coteccons. Năm 2004 cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng với Coteccons và sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương, đó là Coteccons chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần hóa, ông Dương chính thức ngồi vào vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến nay. Sau cổ phần hóa, Coteccons có số vốn điều lệ chỉ là 15,2 tỷ đồng, sau nhiều lần tăng vốn, công ty đã có số vốn điều lệ 770 tỷ đồng.
Nhờ gây dựng thành công doanh nghiệp trẻ Coteccons, ông Nguyễn Bá Dương hiện thuộc top 50 người giàu nhất thị trường chứng khoán với số lượng cổ phiếu CTD nắm giữ hơn 3,83 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị thị trường là 600 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2018.
Là cổ đông cá nhân lớn nhất ở Coteccons, song ông Dương vẫn tự nhận mình chỉ là “người vừa làm chủ vừa làm thuê”.
Ngoài chức danh Chủ tịch Coteccons, doanh nhân Nguyễn Bá Dương hiện đang là Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons từ năm 2004 đến nay và Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons) từ năm 2016 đến nay.
Đặc biệt, ông Dương cũng đang là Thành viên HĐQT Vinamilk. Điều đáng chú ý hơn nữa, quá trình công tác của ông Dương không hề liên quan đến ngành sữa nhưng ông lại được Đại hội cổ đông Vinamilk thông qua với tỷ lệ biểu quyết rất cao.
Vào thời điểm năm 2017, giải đáp thắc mắc của các cổ đông về quyết định này tại phiên họp thường niên, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho biết việc thay đổi cơ cấu quản trị nhằm đáp ứng theo thông lệ quản trị quốc tế, trong đó cần những nhân sự độc lập phụ trách các tiểu ban quan trọng.
“Anh Nguyễn Bá Dương là một người lãnh đạo xuất sắc và vừa được vinh danh là một trong 10 nhà lãnh đạo phát triển đội ngũ xuất sắc nhất Việt Nam. Sự tham gia của anh Dương sẽ giúp Vinamilk rất nhiều”, Tổng giám đốc Vinamilk đánh giá.
Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương chia sẻ: “Ngày xưa tôi làm ở Hà Nội thấy môi trường làm việc chịu không nổi nên vào Sài Gòn năm 1987. Hồi đó, cuộc đời tôi cũng lên bờ xuống ruộng nhiều lắm, học nước ngoài về phải đi thử việc ở phòng xây dựng cơ bản của nhà máy, sau 2 năm thì nghỉ vì cá tính tôi không thích làm cái gì tôi cho là không đúng”.
“Tôi lấy vợ năm 30 tuổi lúc đó chỉ có 2 bàn tay trắng, nhưng mà đúng là khi lấy vợ xong mới bắt đầu làm ăn được”, Chủ tịch Coteccons nói.
Nói về triết lý “dụng nhân” tại công ty, vị Chủ tịch Coteccons cho rằng: “Quan trọng là đội ngũ của anh em rất chuyên nghiệp, mà đội ngũ chuyên nghiệp rồi thì mọi người rất là đồng lòng, mà để người ta đồng lòng thì công ty phải có hệ thống từ tiền lương, tiền thưởng phải đủ, tương xứng mới được”.
Thứ nhất, dù làm ở công ty lớn nhỏ, thu nhập của anh em ở dưới phải xứng đáng, đủ nuôi gia đình, vợ con và có khả năng tích lũy.
Thứ hai, mọi người đều được làm việc đúng khả năng của mình.
Thứ ba, dù là ở vị trí nào, người lao động cũng luôn được làm việc trong môi trường công bằng.
Đến đây ông Dương lại cho thấy triết lý “dụng nhân” rất đơn giản nhưng khó thực hiện. Đó là ngay từ thời điểm lập nghiệp, vị Chủ tịch CotecCons luôn tâm niệm: “Anh em đi theo tôi vì họ tin tôi, tôi kiếm được 10 đồng thì anh em cũng được 7 đồng”.
Phương châm nói dễ nhưng khó làm. Tuy nhiên, một lần nữa ông Dương lại cho thấy chữ “tín” của mình khi được rất nhiều người trung thành đi theo. Năm 2002, khi chuyển từ Descon sang Coteccons, 2/3 nhân sự Descon đã đi theo ông Dương tới một nơi “hoàn toàn chưa có gì”.
Theo vị Chủ tịch CotecCons, đặc điểm chung của rất nhiều doanh nhân đó là, khi gặp khó khăn nội bộ doanh nhân thường rất đoàn kết, còn khi thành công lại bị chia rẽ, vì nhiều người cho rằng không có lãnh đạo đi trước họ vẫn tự làm được.
Tất nhiên, ông cũng không phủ nhận, chuyện “tự làm được” với nhân sự cấp cao, đã dày dạn kinh nghiệm, có trình độ là không khó. Nhưng với 70-80% nhân sự cấp thấp còn lại, suy nghĩ này chẳng khác nào phá tan doanh nghiệp, đưa công ty trở về con số 0.
“Vấn đề mấu chốt là do quan điểm của những người đi đầu, thứ 1 là không công bằng, thứ 2 là cá nhân lớn quá”, vị Chủ tịch Coteccons chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Dương từng nổi danh trên thương trường với câu phát biểu: “Cái quan trọng là đọc vị được trận đấu. Tôi ít khi đấu thầu trượt và chỉ cần trao đổi sơ qua tôi có thể tính toán được lời lỗ và quyết định có làm hay không”.
Chủ tịch Coteccons cho biết công trình lớn đầu tiên mà Coteccons làm là Phú Mỹ Hưng. Năm 2002, khi tách khỏi công ty cũ để sang Coteccons, ông Dương hoàn toàn là hai bàn tay trắng, nhưng Tân Hoàng Minh vẫn sẵn sàng giao cho ông một công trình “một trăm mấy chục tỷ đồng”, số tiền đó nếu tính đến bây giờ lớn hơn rất nhiều, tương đương cả ngàn tỷ.
Nhờ có sự uy tín, Coteccons được ứng đến 15% trong dự án đầu tiên, ngân hàng VCB chi nhánh Nhà Rồng cũng tìm đến công ty và muốn cho vay 10 tỷ đồng mà không cần thế chấp. Tất nhiên, ông Nguyễn Bá Dương không dùng số tiền đó mà chỉ để bảo lãnh, còn tiền thi công thì bên kia đã ứng rồi, nên Coteccons chỉ dùng để quay vòng làm dự án.
Đó chính là cái khởi đầu của ông. Còn cái dấu mốc là công trình Coteccons làm năm 2004 là The Manor trên đường Nguyễn Hữu Cảnh do Bitexco làm chủ đầu tư.
Ông Dương cho hay, hồi đó cũng không ai dám làm vì sìn đất và xung quanh là nhà dân, mà trước đó Coteccons chưa từng làm nhà cao tầng nào, đùng 1 cái làm cái 33 tầng, đó đúng là một sự đột phá.
Hiện Conteccons chuyên thiết kế và thi công cho những doanh nhân bất động sản lớn nhất như Vingroup, Tân Hoàng Minh, Phát Đạt. Có thể kể ra hàng loạt các công trình trị giá nghìn tỷ như GoldMark City, TimesCity Parkhill, Vinhomes Central Park…
Đặc biệt, Coteccons trở thành tổng thầu của tòa nhà cao nhất Việt Nam với giá trị gói thầu khoảng 6.000 tỷ đồng, và là công ty Việt Nam làm tổng thầu một siêu dự án tầm cỡ thế giới Landmark 81.
Tháng 6/2016, ngành xây dựng trong nước ghi dấu một sự kiện mang tính lịch sử, khi lần đầu tiên, một nhà thầu nội địa đã vượt qua các nhà thầu quốc tế, giành quyền thi công kết cấu phần hầm và thân tòa nhà Landmark 81, tòa nhà cao nhất Việt Nam.
Thời điểm đó, Coteccons, dù là nhà thầu số 1 Việt Nam, nhưng chưa có kinh nghiệm thi công các công trình trên 60 tầng, đã vượt qua 2 đối thủ lớn nước ngoài, là Lotte và SsangYong (Hàn Quốc), được chủ đầu tư giao thi công tòa tháp.
Ông Nguyễn Bá Dương chia sẻ với truyền thông vào năm 2014, Vingroup cho đấu thầu công khai Landmark 81. Coteccons tham gia đấu thầu nhưng "lép vế", do báo giá cao và chưa có kinh nghiệm làm công trình trên 60 tầng.
“Sau khi nộp hồ sơ, phỏng vấn, thuyết trình cho chủ đầu tư nhưng rất lâu không nhận được phản hồi, tôi nghĩ chắc họ cần hình ảnh nhà thầu quốc tế. Nhưng, một hôm anh Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup, gọi cho tôi và muốn giao cho một nhà thầu Việt Nam làm. Bất ngờ, nhưng tôi hiểu ý nghĩa sâu xa của lời đề nghị từ anh Vượng", ông Dương chia sẻ.
Ngay trong đêm, toàn bộ ban giám đốc của Coteccons đã ra Hà Nội gặp ông Phạm Nhật Vượng. Và với Coteccons, vấn đề không còn là chuyện lời hay lỗ khi thi công tòa tháp, mà đó là bộ mặt của Việt Nam.
Cuộc điện thoại bất ngờ của ông Phạm Nhật Vượng cho Chủ tịch Coteccons Nguyễn Bá Dương vào năm 2014 trong những ngày sát hạn chót nhận thầu đã trở thành kết nối đầy cảm xúc của những con người muốn tạo nên điều kỳ diệu cho ngành xây dựng Việt Nam.
Sau 19 tháng xây dựng, Landmark 81 đã khai trương vào ngày 26/7/2018, vượt qua những giới hạn chủ quan về kinh nghiệm, lẫn khách quan là thời tiết, và lập nên kỷ lục Việt Nam về tốc độ xây dựng. Công trình với 81 tầng, cao 461,3m, trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam và nằm trong top 8 công trình chọc trời thế giới.
Năm 2018, Coteccons đạt doanh thu 28.560 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm 2017.
Tổng tài sản của Coteccons tính đến cuối năm đạt hơn 16.800 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn khách hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản với hơn 9.000 tỷ đồng, ngoài ra còn có hơn 3.700 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới một năm.
Nợ phải trả biến động không nhiều so với thời điểm đầu năm, ở mức 8.860 tỷ đồng. Coteccons là một trong số ít doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đến nay vẫn chưa phát sinh vay nợ ngân hàng.
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.