Tài chính quốc tế

‘Đòn đáp trả của Nga có thể khiến tài chính toàn cầu sụp đổ'

(VNF) - Theo một quan chức thuộc Liên minh châu Âu (EU), Brussels cần có một "cơ chế khẩn cấp" trong trường hợp kế hoạch tài trợ cho Kiev bằng tài sản của Nga phản tác dụng.

Trong khi Brussels đang tìm kiếm những lỗ hổng pháp lý để gửi tài sản bị đóng băng của Nga sang Ukraine, họ phải giữ một phần tiền mặt như một “vùng đệm an toàn” nếu cơ quan thanh toán bù trừ Euroclear của họ gặp rắc rối. Điều này có khả năng gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu, một quan chức cấp cao của EU nói với Reuters.

Quan chức EU lo ngại phản ứng của Nga trước việc tịch thu tài sản có thể gây ra sụp đổ tài chính toàn cầu.

Phương Tây đã đóng băng khoảng 300 tỷ USD tài sản nắm giữ của ngân hàng trung ương Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine hai năm trước. Euroclear có trụ sở tại Brussels nắm giữ khoảng 191 tỷ euro (205 tỷ USD) trong số đó và EU được cho là đang đẩy nhanh quyết định gửi cho Kiev đợt đầu tiên lên tới 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) từ lợi nhuận tạo ra từ tài sản bị phong tỏa của Nga, sớm nhất là vào tháng 7.

Tuy nhiên, một quan chức EU giấu tên nói với Reuters ngày 12/3 rằng Brussels sẽ phải "đảm bảo rằng không có vi phạm về ổn định tài chính".

“Khi chiến sự kết thúc và mọi giải pháp có thể được thực hiện, toàn bộ số tiền tạm giữ lại cũng sẽ được chuyển sang Ukraine. Nhưng chúng tôi cần một số tiền đáng kể trong Euroclear bởi vì Euroclear sẽ phải đối mặt với rất nhiều yêu cầu bồi thường”, quan chức này nói thêm.

Quan chức này lưu ý rằng nếu phương Tây tiến hành sung công các quỹ, Ngân hàng Trung ương Nga có thể sẽ tịch thu khoảng 33 tỷ euro tiền Euroclear được giữ trong kho lưu ký chứng khoán quốc gia ở Moscow. Nga cũng có thể khởi kiện để tịch thu tiền mặt Euroclear từ các kho lưu ký ở Hồng Kông và Dubai.

Moscow đã nhiều lần cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả tương xứng nếu phương Tây đe dọa tịch thu tài sản của Nga. Bộ tài chính cho biết vào tháng trước rằng bản thân các quốc gia và công ty phương Tây vẫn nắm giữ cổ phần ở Nga và có thể gặp nguy hiểm nếu số tiền bị đóng băng bị khai thác.

Nếu các ngân hàng phương Tây bắt đầu kiện Euroclear vì mất tiền đầu tư vào Nga thì “đó là cơ chế khiến Euroclear có thể trống rỗng hoàn toàn”, quan chức EU cảnh báo.

Ngân hàng Euroclear tự hào có hơn 37.000 tỷ euro tài sản đang được lưu giữ trên toàn cầu, nhưng nếu nó hết thanh khoản trong bối cảnh có nhiều vụ kiện tụng – Ngân hàng Trung ương Bỉ có thể buộc phải rút giấy phép, gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, quan chức này cảnh báo.

Một số nước phương Tây vẫn bị chia rẽ về việc chiếm đoạt tài sản bị phong tỏa của Nga để viện trợ cho Ukraine. Trong khi Mỹ và Anh ủng hộ việc trực tiếp tịch thu tài sản, một số quốc gia thành viên EU, bao gồm cả Pháp và Đức, gần đây đã cảnh báo rằng động thái này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định tài chính và làm xói mòn niềm tin vào vị thế đồng tiền dự trữ của đồng euro.

Xem thêm >> Châu Âu mua vũ khí nhiều gấp đôi, Pháp vượt Nga thành nước xuất khẩu thứ hai thế giới

Tin mới lên