Tài chính quốc tế

Hàng trăm công ty phá sản mỗi tháng, nền kinh tế Nga có thực sự kiên cường?

(VNF) - Dù nền kinh tế Nga được đánh giá là kiên cường sau hai năm chiến sự với Ukraine, nhưng ngày càng nhiều công ty ở nước này gặp khó khăn dẫn tới phá sản.

Nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga ngày 7/3 đưa tin số công ty ở Nga phá sản đã tăng vọt trong hai tháng đầu năm 2024.

Vào tháng 1, có 571 công ty ở Nga đã tuyên bố phá sản, tăng 57% so với con số 364 công ty trong cùng kỳ năm ngoái, Kommersant trích dẫn dữ liệu từ cơ quan đăng ký phá sản liên bang cho hay.

Trong tháng 2, có 771 công ty tuyên bố phá sản, cao hơn 60% so với con số 478 công ty trong cùng kỳ năm ngoái.

Ngân hàng Nga đã tăng lãi suất lên tới 16% để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Nga đã áp đặt hai lệnh tạm dừng thủ tục phá sản trong những năm gần đây. Lần đầu tiên là trong đại dịch Covid-19 bắt đầu vào năm 2020; lần thứ hai là sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga nhằm lên án chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Các lệnh cấm lần lượt hết hạn vào năm 2021 và cuối năm 2022.

Ông Ilya Torosov, Thứ trưởng kinh tế thứ nhất của Nga, nói với Kommersant rằng đây chỉ là sự trở lại mức trước đại dịch.

Những khó khăn thực tế ở Nga

Sự gia tăng các vụ phá sản doanh nghiệp làm nổi bật những khó khăn mà Nga phải đối mặt. Nó cũng trái ngược với số liệu thống kê chính thức mà Điện Kremlin công bố, cho thấy GDP của Nga đã tăng 3,6% vào năm 2023.

Nhờ chi tiêu của chính phủ, nền kinh tế thời chiến của Nga có khả năng phục hồi nhanh nhưng lãi suất cao đang gây ra nhiều khó khăn. Ngân hàng Nga đã tăng lãi suất lên tới 16% để hạ nhiệt nền kinh tế và kiềm chế lạm phát.

Ông Bartosz Sawicki, nhà phân tích thị trường tại Conotoxia, một công ty fintech của Ba Lan, nói với Business Insider: “Các công ty đang gặp vấn đề với việc tái cấp vốn khi tác động của việc thắt chặt tiền tệ bắt đầu phát huy tác dụng”.

Ông Sawicki cho biết ngoài các lĩnh vực liên quan đến chiến tranh như sản xuất vũ khí, nền kinh tế Nga có vẻ “không mấy khả quan nữa”.

“Mặc dù các công ty Nga đang cố gắng hết sức để né tránh các lệnh trừng phạt, nhưng thương mại quốc tế đã trở thành một vấn đề quan trọng đối với nhiều công ty”, ông Sawicki nhận định thêm.

Cũng theo nhà phân tích của Conotoxia, khu vực tư nhân cũng cảm nhận được áp lực của sự bất ổn kinh tế vĩ mô, vốn ngày càng trầm trọng hơn khi nền kinh tế đang trên đà phát triển quá nóng.

Các hạn chế thương mại của phương Tây, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt thứ cấp, đã ảnh hưởng tới các công ty kinh doanh với nước này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cam kết sẽ cung cấp cho người dân Nga hàng tỷ USD để cải thiện đời sống vài tuần trước khi họ bước vào cuộc bỏ phiếu cho cuộc bầu cử tổng thống vào cuối tháng này.

Mặc dù không rõ ngân sách bổ sung cho những cam kết của ông Putin sẽ đến từ đâu, nhà lãnh đạo Nga đã đề xuất những thay đổi đối với hệ thống thuế được thiết kế để thu thêm thuế từ các cá nhân và doanh nghiệp có thu nhập cao. Điều này có thể gây áp lực lớn hơn nữa cho các công ty tư nhân.

Cuộc bầu cử tổng thống Nga dự kiến ​​diễn ra trong ba ngày, từ 15/3-17/3. Ông Putin được dự đoán sẽ giành chiến thắng trước ba đối thủ.

Xem thêm >> Xuất khẩu Trung Quốc phục hồi, công lớn nhờ Nga

Tin mới lên