Động lực nào đẩy giá cổ phiếu HUT tăng hơn 7 lần sau 1 năm?

Vân Oanh - 16/03/2022 10:00 (GMT+7)

(VNF) - Kết thúc phiên giao dịch 15/3, cổ phiếu HUT tăng kịch biên độ lên 44.200 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức tăng hơn 7 lần so với 1 năm trước, cũng là mốc giá cao nhất từ khi niêm yết trên sàn của "trùm BOT" này.

VNF
Động lực nào đẩy giá cổ phiếu HUT tăng hơn 7 lần sau 1 năm?

Đầu năm 2021, sau giai đoạn tăng tốc, đỉnh điểm là chinh phục mức lịch sử 1.528 điểm thiết lập ngày 7/1, VN-Index đã chứng kiến nhiều phiên điều chỉnh với biên độ lớn, hiện giảm về ngưỡng 1.452 điểm. Mức giảm của VN-Index cũng thể hiện trạng thái chung của cả tam sàn chứng khoán Việt Nam, cho thấy các nhà đầu tư đã thận trọng hơn trước những lo ngại về tăng lãi suất của FED, cũng như sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu, chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tạm chững là vậy, thị trường vẫn ghi nhận một số cổ phiếu có đà tăng "phi mã", thậm chí là "dựng đứng" gây nhiều "ngỡ ngàng" cho các nhà đầu tư, tiêu biểu là "trùm BOT" Tasco với mã chứng khoán HUT. 

Được biết, "trùm BOT" Tasco là doanh nghiệp mạnh tay đầu tư hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trải dài từ Bắc đến Nam. Bên cạnh mảng giao thông, Tasco còn được biết đến khi là chủ đầu tư nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội như khu đô thị sinh thái Foresa Villa (38ha); dự án South Building Pháp Vân (2.173m2); dự án chung cư cao cấp 48 Trần Duy Hưng (2.800m2); khu đô thị sinh thái Mỹ Đình - Nam Từ Liêm (49ha); dự án nhà ở cán bộ nhân viên Bộ Ngoại giao (13.687m2)...

Trên thị trường, chỉ trong 2 tháng trở lại đây, thị giá cổ phiếu này tăng hơn gấp đôi, từ dưới 19.500 đồng/cổ phiếu đã nhảy vọt, vượt qua ngưỡng 44.200 đồng/cổ phiếu vào phiên 15/3, sau khi có mức tăng kịch biên độ. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử của doanh nghiệp từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán.

Đáng chú ý, HUT cũng là một trong 8 cổ phiếu lọt rổ VNM ETF trong kỳ cơ cấu quý I. Cụ thể, theo ước tính quỹ này sẽ mua vào khoảng 2,55 triệu USD cổ phiếu HUT, tương đương 1,58 triệu cổ phiếu.

Chưa dừng lại ở đó, nếu sở hữu cổ phiếu HUT từ thời điểm tròn 1 năm trước, nhà đầu tư đã có thể lãi trên 7 lần, gấp cả trăm lần lãi suất tiền gửi ngân hàng. Đáng nói, viễn cảnh này diễn ra trong điều kiện chỉ số VN-Index chỉ tăng khoảng 23%, ước tính cùng giai đoạn.

Lý giải cho đà tăng của HUT, một số nhà đầu tư cho rằng kết quả kinh doanh khả quan là một trong số động lực thúc đẩy giá cổ phiếu. Theo đó, chốt quý IV/2021 vừa qua, Tasco đã có lãi sau 6 quý lỗ ròng rã, với mức lợi nhuận sau thuế lên tới 177 tỷ đồng, tăng mạnh so với số lỗ 153 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tăng trưởng của Tasco chủ yếu tới từ doanh thu tài chính đột biến với 218 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ đạt hơn 500 triệu đồng.

Kết quả này cũng giúp đánh bay sự u am của 3 quý trước đó, bồi đắp lợi nhuận sau thuế cả năm lên mức 48 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với khoản lỗ 243 tỷ đồng năm 2020. Chưa kể, Taso cũng chính thức xóa lỗ lũy kế thành công khi ghi nhận 139 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. "Trùm BOT" giải trình với cổ đông, lợi nhuận tốt hơn là nhờ sự hồi phục của các mảng kinh doanh như thu phí đường bộ, y tế, VECT, bên cạnh việc thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ bằng cách thoái vốn, tinh gọn các khoản đầu tư không trọng tâm của doanh nghiệp.

Dù vậy, nhìn chung mức lợi nhuận này vẫn không có gì đặc biệt, chỉ ngang ngửa thực hiện năm 2019, thấp hơn 27% so với năm 2018 và thậm chí chỉ bằng 12% thành tích nổi bật của Tasco hồi 2016. Trong khoảng thời gian này, thị giá HUT cũng tương đối "lẹt đẹt" khi loanh quanh ở dưới mốc mệnh giá.

Một động lực khác được cho là kỳ vọng phản ánh vào giá cổ phiếu HUT, đó là chiến lược mở rộng lĩnh vực kinh doanh, thông qua các hoạt động như M&A, đầu tư tài chính, thành lập công ty con.

Cụ thể, đầu tháng 2 vừa qua, Tasco đã thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% cổ phần tại Công ty TNHH SVC Holdings, chủ sở hữu Savico, công ty bất động sản và phân phối ôtô lớn nhất Việt Nam. Đây là thương vụ đầu tư đáng chú ý khi SVC Holdings cũng là một trong những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phân phối ô tô khi chiếm giữ 10% thị phần ôtô tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị Tasco cũng vừa thông qua chủ trương thành lập công ty con Công ty TNHH Tasco Land với tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ. Định hướng của Tasco Land sẽ là tập trung phát triển mảng bất động sản cao cấp.

Tiếp nữa, thông qua Tasco Land, "trùm BOT" có kế hoạch rót vốn vào Công ty Cổ phần Du lịch Bất động sản Ninh Vân Bay (NVT) để tạo nền tảng thương hiệu, vận hành và triết lý phát triển sản phẩm bất động sản cao cấp.

Theo kế hoạch, Tasco Land sẽ nghiên cứu tiếp nối các quan điểm phát triển bất động sản cao cấp, gắn với thiên nhiên, lịch sử, điều kiện đặc thù của Việt Nam, các nguyên tắc bảo tồn để phát triển bền vững, ứng dụng cho không chỉ khu vực nghỉ dưỡng mà mở rộng tới bất động sản đô thị cao cấp của Tasco Land trên quỹ đất của Tasco và Savico.

Diễn biến cùng lúc với các chiến lược phát triển mới ở Tasco, ấy là những chuyển biến lớn về cấu trúc thượng tầng. Nhìn lại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 diễn ra hồi tháng 6/2021, đại hội đã thông qua việc tăng số lượng và cơ cấu thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2017 - 2022 từ 5 lên 7 thành viên. Đồng thời, đại hội cũng bầu bổ sung các ông Nguyễn Danh Hiếu và Nguyễn Huy Tuấn vào Hội đồng quản trị.

Ít tháng sau, đại hội cổ đông bất thường năm 2021 cũng bầu thêm ông Hồ Việt Hà vào Hội đồng quản trị Tasco. Đồng thuận với biến động của Hội đồng quản trị, ban kiểm soát của Tasco được thay mới, với sự tham gia của bà Trần Minh Trang và tương tự, ban điều hành cũng xuất hiện các nhân sự mới như Phó tổng giám đốc Nguyễn Thế Minh, Phó tổng giám đốc Phan Thị Thu Thảo, Kế toán trưởng Nguyễn Hoàng Oanh...

Được biết, các nhân sự này đều có liên quan đến hệ sinh thái Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai (HNX: DNP) của doanh nhân Nguyễn Đình Độ.

Cùng chuyên mục
Tin khác