Dòng tiền nào cho 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025?

Đinh Tịnh - 14/09/2021 10:06 (GMT+7)

(VNF) - Theo dự kiến, trong 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 thì có 9 dự án thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với tổng số vốn lên tới 118.600 tỷ đồng. Trong bối cảnh ngân hàng thắt chặt vốn tín dụng, vậy tìm đâu dòng tiền cho cao tốc Bắc - Nam?

VNF

Chi 61.628 tỷ "vốn mồi" cho 12 dự án cao tốc Bắc - Nam 

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, để nối thông toàn bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông Vận tải vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xây dựng thêm 729 km cao tốc (chia thành 12 dự án thành phần, với tổng mức đầu tư khoảng 118.672 tỷ đồng).

Trong đó có, 9 dự án thành phần (khoảng 552 km) gồm các đoạn: Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Vũng Áng (Hà Tĩnh); Cam Lộ (Quảng Trị) - Nha Trang (Khánh Hòa); Cần Thơ - Cà Mau dài khoảng 552 km sẽ được đầu tư theo phương thức PPP.

Tổng mức đầu tư dự kiến của 9 dự án nói trên vào khoảng 114.088 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia khoảng 57.044 tỷ đồng (50%), phần còn lại sẽ do nhà đầu tư huy động.

3 dự án thành phần còn lại từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị) có chiều dài khoảng 177 km sẽ sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước với chi phí khoảng 4.584 tỷ đồng.

Đối với 9 dự án PPP thành phần, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất nhà nước sẽ góp khoảng 50% vốn đầu tư (khoảng 61.628 tỷ đồng), mức giá dịch vụ khởi điểm là 1.700 đồng/xe tiêu chuẩn/km và cứ sau 3 năm thì tăng thêm 300 đồng/xe tiêu chuẩn/km.

Thời gian thu phí hoàn vốn của 9 dự án từ 17 - 32 năm. Đáng chú ý, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của luật PPP.

Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân hàng thắt chặt vốn tín dụng và Luật PPP mới ra đời hạn chế "chia sẻ rủi ro doanh thu thu phí" thì nỗi lo khó huy động vốn cho 12 dự án này dần hiện hữu.

Trái phiếu doanh nghiệp có phải "phao cứu sinh"?

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trên thực tế, ngay cả 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2021 là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt dù đã tìm được nhà đầu tư PPP nhưng quá trình triển khai đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu vốn.

Vừa qua, 2 dự án PPP cao tốc là Nha Trang - Cam Lâm, Diễn Châu - Bãi Vọt dù đã ký hợp đồng PPP nhưng lạị bị phía Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tạm ngưng cấp vốn, dẫn đến nguy cơ "vỡ" tín dụng tại 2 dự án này.

Đặc biệt, phía BIDV nhận định: việc các dự án BOT giao thông không đảm bảo phương án tài chính, doanh thu không đạt theo dự kiến tại hợp đồng, gặp khó khăn trong việc trả nợ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Nhiều BOT đã được ngân hàng coi là nợ xấu, vì thế phía ngân hàng tạm dừng cấp vốn.

Chính vì không huy động được vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng nên doanh nghiệp (chủ đầu tư dự án) đang tính đến việc phát hành trái phiếu để huy động vốn.

Luật PPP đã cho phép doanh nghiệp dự án chủ động huy động vốn từ các nguồn hợp pháp để triển khai dự án cao tốc. Luật PPP, Nghị định số 28 quy định rõ: "Doanh nghiệp dự án được chào bán trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền riêng lẻ tại thị trường trong nước và phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền tại thị trường quốc tế".

"Như vậy, các nhà đầu tư các dự án PPP hiện đã có đủ căn cứ pháp lý để huy động vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và có khả năng huy động vốn trên thị trường trái phiếu trong nước để đáp ứng một phần nhu cầu vốn huy động triển khai dự án", Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, tại dự án thành phần PPP đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, sau khi ký kết hợp đồng, Tập đoàn Đèo Cả đã đàm phán huy động vốn từ các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai đầu tư mà không huy động từ các ngân hàng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chưa thể khẳng định việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và huy động từ các nguồn vốn khác sẽ thành công ở dự án.

Đặc biệt sẽ rất khó khăn đối với các doanh nghiệp chỉ đáp ứng đủ yêu cầu về vốn chủ sở hữu nhưng tiềm lực tài chính không phải là thế mạnh.

Trao đổi với VietnamFinance, các chuyên gia kinh tế cho biết: "Trong khi nhà nước yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền riêng lẻ tại thị trường trong nước và quốc tế thì phía doanh nghiệp (ví dụ như Tập đoàn Đèo Cả) lại không muốn 'bó hẹp' ở quy định này. Ví dụ như Đèo Cả, họ muốn phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng, thậm chí phát hành trái phiếu quốc tế. Đó là điểm mấu chốt cần tháo gỡ mới mong huy động được vốn cho các cao tốc PPP. Qua đó, cũng nhận thấy, trái phiếu doanh nghiệp không hẳn là 'phao cứu sinh' cho các dự án cao tốc Bắc - Nam".

>>>> https://vietnamfinance.vn/he-lo-moc-thoi-gian-ve-dich-du-an-duong-sat-cat-linh-ha-dong-20180504224258609.htm

Cùng chuyên mục
Tin khác