Đồng yên tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm: BOJ đã chi 22 tỷ USD can thiệp?
(VNF) - Vào tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận lần can thiệp tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2022 với khoản chi 62 tỷ USD. Với sự biến động giá mạnh mẽ trong ngày 12/7, nghi vấn Ngân hàng Nhật Bản (BOJ) đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để vực dậy tỷ giá đồng nội tệ lại được đưa ra.
Đồng yên bất ngờ tăng so với USD
Ngày 11/5, tin tức đồng yên bất ngờ tăng mạnh so với đồng USD đã khiến nhiều người bất ngờ. Trong khoảng hơn 1 tuần trước đó, đồng tiền của Nhật Bản liên tục được giao dịch ở ngưỡng 161/1 USD - tức mức thấp nhất trong vòng 38 năm.
Tới ngày 11/7, khi giá đồng USD giảm sau dữ liệu lạm phát tại Mỹ, đồng yên được giao dịch ở mức 157 yên/USD. Cụ thể hơn, đồng yên tăng ngay sau khi dữ liệu CPI được công bố cho thấy giá tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 6 đã giảm, làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9.
Tuy nhiên, mức tăng khoảng 3% của đồng yên so với USD, được coi là mức tăng mạnh nhất trong hơn 2 năm trở lại đây, cũng làm dấy lên nghi ngờ về việc Ngân hàng Nhật Bản đã lặng lẽ can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Chi hơn 3.500 tỷ yên để can thiệp?
Dữ liệu hoạt động hàng ngày từ BOJ vào ngày 12/7 cho thấy ngân hàng trung ương này đã chi từ 3.370 - 3.570 tỷ yên (21,1 - 22 tỷ USD) để mua đồng yên, chưa đầy 3 tháng sau lần can thiệp vào thị trường gần nhất.
Ông James Malcolm, giám đốc chiến lược FX tại UBS ở London, cho biết động thái ngày 12/7 có thể là kết quả của một sự can thiệp hoặc kiểm tra tỷ giá.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Nhật Bản đã xác nhận lần can thiệp tiền tệ đầu tiên kể từ năm 2022 với khoản chi tiêu 62 tỷ USD. Bộ Tài chính tuyên bố vào thời điểm đó rằng Nhật Bản đã can thiệp tiền tệ từ ngày 26/4 đến ngày 29/5.
Dòng thời gian này trùng với sự phục hồi mạnh mẽ của đồng tiền Nhật Bản so với đồng USD trong những tuần trước đó. Đồng yên đã giảm xuống mức thấp nhất trong 34 năm là 160,03 so với đồng USD vào ngày 29/4. Sau đó, nó đã phục hồi lên mức 156, làm dấy lên suy đoán về sự can thiệp của chính quyền Nhật Bản trước khi được xác nhận.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki trước đây đã ủng hộ việc cần phải can thiệp nếu những biến động tiền tệ mạnh bắt đầu tác động đến các hộ gia đình và công ty.
Đồng Yên suy yếu, chứng khoán Nhật Bản 'leo' cao kỷ lục
- Chứng khoán Nhật liên tiếp phá kỷ lục, thị trường châu Á khởi sắc 11/07/2024 03:44
- Đồng yên thấp nhất 38 năm, Nhật Bản lưu hành tiền mới 03/07/2024 11:57
- Đồng yên xuống mức thấp nhất từ năm 1986, chứng khoán châu Á trượt dốc 27/06/2024 11:16
Vùng đất từng được quy hoạch nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận hiện ra sao?
Chính quyền tỉnh Ninh Thuận đầu tư xây dựng hạ tầng để người dân tại 2 vùng từng được quy hoạch Nhà điện hạt nhân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.