Tài chính

DSC tiết lộ 4 nhóm ngành ‘có sóng’ dịp cuối năm

(VNF) - Công ty Cổ phần Chứng khoán DSC (UPCoM: DSC) đánh giá 4 nhóm ngành có thể “có sóng” do có xúc tác cuối năm là ngân hàng, chứng khoán, thép và nhóm đầu tư công.

DSC tiết lộ 4 nhóm ngành ‘có sóng’ dịp cuối năm

(Ảnh minh hoạ)

4 ngành "có sóng" dịp cuối năm

Theo báo cáo chiến lược tháng 12, Chứng khoán DSC cho rằng việc thị trường phục hồi mạnh trong tháng 11 chủ yếu đến từ dòng tiền khối ngoại bắt đáy. Bối cảnh thị trường hiện tại theo đánh giá của DSC là tương đối ổn trong ngắn hạn, ủng hộ xu hướng có thể tiếp tục hồi phục của thị trường.

DSC cho rằng nếu cuộc họp của FED trong tháng 12 có những tín hiệu tốt, khả năng nhà đầu tư trong nước cũng sẽ tự tin và quyết liệt hơn.

“Khi đó có thể có nhịp tăng mới trong ngắn hạn giai đoạn kết thúc năm cũ và đầu năm mới”, báo cáo nêu rõ.

DSC dự báo nửa sau của tháng 12 thị trường có thể chứng kiến sự quyết liệt hơn của bên mua. Trong kịch bản tiêu cực, vùng 980 – 1.000 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ rất mạnh do là điểm mà khối ngoại mua vào rất quyết liệt.

DSC cho rằng trong hai nhịp sóng hồi trong tháng 11, mức độ tham gia của nhà đầu tư cá nhân là rất hạn chế. Ở nhịp điều chỉnh, tích luỹ này, DSC cho rằng có thể sẽ là cơ hội cho các nhà đầu tư cá nhân còn lỡ sóng. Theo đó, để đón được đợt sóng tiếp theo một cách tốt nhất, DSC cho rằng cần đoán được khẩu vị của nhóm nhà đầu tư cá nhân. Sau Covid-19, nhóm nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường có xu hướng “đánh” theo quán tính.

DSC đánh giá 4 nhóm ngành có thể “có sóng” do có xúc tác cuối năm. Một là nhóm ngân hàng. Theo đó, nhóm này vừa được cấp thêm room tín dụng cuối năm và sắp tới sẽ được mở room khi bước qua năm mới.

Nhóm ngân hàng thường tạo đỉnh/đáy trước thị trường chung. DSC chú ý nhà đầu tư về chất lượng tài sản của các ngân hàng khi tham gia đầu tư cổ phiếu.

Hai là nhóm chứng khoán. Đây là nhóm ngành luôn được nhà đầu tư cá nhân ưa thích khi thanh khoản sôi động trở lại và thị trường diễn biến tích cực.

Ba là nhóm thép. DSC kỳ vọng giá thép thế giới sẽ phục hồi trở lại sau khi Trung Quốc giải cứu thị trường bất động sản. Còn trong nước, công ty chứng khoán này kỳ vọng việc giải ngân gói đầu tư công sẽ là yếu tố hỗ trợ cho nhóm thép.

Cuối cùng là nhóm đầu tư công, với kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công đi vào thực tiễn trong thời gian tới.

3 ngành hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa

Theo đánh giá của DSC, thị trường Trung Quốc có thể hoàn toàn mở cửa trở lại trong 6-9 tháng nữa. Khi đó, DSC kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ hàng Việt Nam từ Trung Quốc gia tăng, giá bán một số mặt hàng như nguyên vật liệu sẽ được cải thiện và nguồn cung sản phẩm dồi dào hơn, cải thiện tình trạng lạm phát trên thế giới.

Công ty chứng khoán này đánh giá 2 ngành có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc Trung Quốc mở cửa là ngành sản xuất nguyên vật liệu, ngành vận tải dầu khí, và ngành cảng biển.

Theo đó, với ngành cảng biển, DSC đánh giá nhu cầu tiêu thụ năng lượng của quốc gia này sẽ tăng vọt, từ đó lại tăng nhu cầu vận tải dầu về Trung Quốc, tạo thêm áp lực tới giá cước vận tải hiện đã sẵn cao. Ngành vận tải dầu dự kiến được hưởng lợi rất lớn trong giai đoạn 1 năm tới.

Ở ngành sản xuất nguyên vật liệu, việc tái khởi động bộ máy sản xuất đã bị đình trệ trong 3 năm Covid-Zero sẽ đẩy mạnh nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu của Trung Quốc (phục vụ xây dựng nhà xưởng, máy móc, làm nguyên vật liệu đầu vào,…).

Kèm theo đó, Trung Quốc cũng đã có những tín hiệu muốn hỗ trợ thì trường bất động sản (thể hiện qua 16 chỉ đạo hỗ trợ thị trường bất động sản trong tháng 11), cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ nhu cầu nguyên vật liệu xây dựng trong 2023.

Với kỳ vọng 2 ngành sản xuất và bất động sản của Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, DSC đánh giá rằng các loại nguyên vật liệu, hiện đang có mức giá khá thấp, sẽ tăng giá mạnh kể từ sau quý II/2023, từ đó hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mảng này.

Ngoài ra, việc Trung Quốc mở cửa trở lại có thể hỗ trợ đẩy mạnh đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Nếu FDI tiếp tục tăng trưởng tích cực, nhóm ngành bất động sản khu công nghiệp sẽ trực tiếp hưởng lợi và có thể là lựa chọn tốt để nhà đầu tư xem xét đưa vào danh mục theo dõi.

Theo DSC, khi lựa chọn các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có bảng cân đối kế toán tốt, nợ thấp để đảm bảo khả năng vay nợ mở rộng nếu cần thiết. Ngoài ra, nhà đầu tư nên lựa chọn các doanh nghiệp có quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn để phần nào giảm thiểu được tác động tiêu cực từ chi phí đất và giải phóng mặt bằng tăng cao.

Tin mới lên