Dự án 'cứu cánh' của Nga có nguy cơ đổ bể
(VNF) - Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) được cho là dự án cứu cánh cho “ông lớn” năng lượng Gazprom của Nga khi sự phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc ngày càng tăng. Tuy nhiên một cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ cho biết dự án này có khả năng sẽ bị trì hoãn.
Nga đã thảo luận trong nhiều năm về việc xây dựng đường ống Power of Siberia 2, vận chuyển khí đốt tự nhiên từ khu vực Yamal ở miền bắc nước Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Tuy nhiên, kế hoạch phát triển quốc gia 2024-2028 của chính phủ Mông Cổ lại không đề cập đến dự án đầy tham vọng này, theo South China Morning Post (SCMP)
Ông Munkhnaran Bayarlkhagva, một cựu quan chức tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mông Cổ nói với SCMP rằng dự án đường ống này có khả năng sẽ bị trì hoãn trong thời gian dài, khi Moscow "không còn tin rằng họ có thể đạt được thỏa thuận mong muốn với Trung Quốc và có thể sẽ gác lại dự án này cho đến thời điểm tốt hơn".
Theo ông Munkhnaran, dường như có rạn nứt giữa Moscow và Bắc Kinh liên quan tới nhận định rằng tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga muốn "đơn phương" kiểm soát phần đường ống dự kiến xây dựng ở Mông Cổ.
"Điều này có nghĩa là tầm ảnh hưởng của Moscow sẽ gia tăng đột ngột và lâu dài, và điều này có thể gây bất lợi cho Bắc Kinh", ông Munkhnaran nhận định.
Nga đã đàm phán trong nhiều năm về việc xây dựng Power of Siberia 2 với mục tiêu cung cấp tới 50 tỷ m3 khí đốt qua lãnh thổ Mông Cổ tới Trung Quốc thông qua đường ống này, đồng thời cung cấp khí đốt cho một số khu vực của Nga. Con số này tương đương với công suất 55 tỷ m3 của đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sang Đức đã bị hư hỏng vào năm 2022.
Theo Moscow Times, đường ống này sẽ là đường ống đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.
Khoảng 1/3 dự án này được cho là sẽ được xây dựng tại Mông Cổ, nơi có chung đường biên giới với cả Trung Quốc và Nga.
Việc phê duyệt đường ống này được cho là sẽ thay đổi “vận mệnh” của Gazprom. Tuy nhiên, dự án này gần đây được cho là vấp phải nhiều trở ngại khi Bắc Kinh đang có lập trường khá cứng rắn đối với Power of Siberia 2.
Theo nguồn tin của Financial Times, dự án có thể bị đình trệ vì Trung Quốc yêu cầu thanh toán tiền khí đốt với giá gần bằng mức giá nội địa được trợ cấp mạnh mẽ của Nga, điều này sẽ làm suy yếu mọi hy vọng về lợi nhuận của Gazprom. Hơn nữa, Trung Quốc chỉ sẵn sàng mua một phần nhỏ trong công suất 50 tỷ m3 của đường ống, các nguồn tin cho biết thêm.
Trong khi đó, Gazprom, đang “xuất huyết” tiền mặt. Năm ngoái, công ty báo lỗ 6,9 tỷ USD, cũng là khoản lỗ hàng năm đầu tiên trong 20 năm.
Ngành công nghiệp năng lượng được coi là huyết mạch quan trọng đối với nền kinh tế của Nga, vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt của phương Tây. Xuất khẩu dầu mỏ và ngành công nghiệp năng lượng của Nga chiếm khoảng 30% doanh thu ngân sách của đất nước và đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Tuy nhiên, doanh số bán khí đốt của Nga đã giảm sút mạnh do ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, và Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ đó đã tìm cách mở rộng chỗ đứng của nước này tại Trung Quốc và các thị trường khác.
Năm 2023, lưu lượng khí đốt từ Nga sang Trung Quốc thông qua dự án đường ống Power of Siberia 1 đã tăng 7 tỷ m3 lên 23 tỷ m3, gấp 1,5 lần so với năm 2022. Tuy nhiên, theo Ngân hàng trung ương Nga, con số này chỉ "bù đắp một phần cho lượng khí đốt sụt giảm từ Nga qua đường ống tới châu Âu".
Vào tháng 12/2023, Gazprom cho biết sản lượng khí đốt trong nửa đầu năm đã giảm gần 1/4 xuống còn 179,45 tỷ m3 do "các quyết định có động cơ chính trị nhằm từ bỏ việc nhập khẩu khí đốt của Nga" của các quốc gia phương Tây.
Nga thanh trừng loạt quan chức quốc phòng do vấn nạn tham nhũng
- Châu Âu: Lá cờ đầu xây dựng hệ thống tài chính bền vững 20/08/2024 09:54
- Nvidia sẽ là tương lai của AI hay chỉ là bong bóng đang chờ vỡ? 19/08/2024 01:30
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.