Dự báo hướng chảy của dòng tiền tháng 7

Hạc Hiên - 29/06/2020 07:51 (GMT+7)

Tháng 7, dòng tiền đang cho thấy dấu hiệu dịch chuyển vào các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tăng trưởng thay vì chảy đồng loạt vào nhiều loại cổ phiếu như trước đây.

VNF
Dự báo hướng chảy của dòng tiền tháng 7

Làn sóng lây nhiễm thứ 2 lớn dần

Sau giai đoạn TTCK hồi phục nhờ kỳ vọng nền kinh tế mở cửa trở lại trên diện rộng, giới đầu tư bắt đầu nhận ra sự không chắc chắn trong triển vọng kinh tế toàn cầu thay vì các kịch bản hồi phục hình chữ “V” như dự đoán.

Bước vào giai đoạn cuối tháng 6, đầu tháng 7, TTCK và nền kinh tế đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khi các số liệu báo cáo gần đây về số ca nhiễm mới liên tục gia tăng.

Hãng tin CNBC cho biết, tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất liên tục công bố các ca nhiễm mới tại nhiều thành phố lớn.

Brazil vùng dịch lớn thứ 2 thế giới cũng liên tục báo cáo ca nhiễm mới đáng báo động. Tại Nga, vùng dịch lớn thứ 3, tại Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ 4 và nhiều quốc gia khác như Singapore, Indonesia, Arab Saudi, Đức, Italy, Anh, Tây Ban Nha, Chile, Peru… dịch bệnh tiếp tục xuất hiện.

Trên thị trường tài chính, việc bơm tiền lãi suất thấp của các ngân hàng trung ương toàn cầu có kỳ vọng dòng tiền sẽ chảy mạnh vào sản xuất, nhưng thực tế không như kỳ vọng.

Theo báo cáo của Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), các ngân hàng Mỹ có thêm lượng tiền gửi tiết kiệm lên tới 2.000 tỷ USD kể từ tháng 1/2020. Lượng tiền gửi chảy nhanh vào hệ thống ngân hàng với mức chưa từng có trong lịch sử.

Chỉ riêng trong tháng 4, lượng tiền gửi đã tăng 865 tỷ USD. Tại Việt Nam, trong báo cáo quý I/2020 của hệ thống ngân hàng thương mại, lượng tiền gửi cũng tăng mạnh trong giai đoạn này.

Liên quan đến diễn biến TTCK toàn cầu, giá cổ phiếu tăng đều và mạnh trên nhiều thị trường bắt đầu từ tháng 4/2020, chủ yếu do kỳ vọng các nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ nhanh chóng khôi phục được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang phủ nỗi lo lên các quốc gia mở cửa quá sớm như Mỹ, châu Âu, các quốc gia lớn khác như Ấn Độ, Đức, Italy, Brazil….

Ngay cả những quốc gia khống chế tốt dịch như Hàn Quốc, Trung Quốc cũng xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ 2, dù có sự thận trọng trong việc mở cửa với bên ngoài.

Dịch bệnh đến với thế giới một cách bất ngờ theo cách cả trăm năm mới một lần xuất hiện và chưa rõ thời điểm kết thúc.

Thực tế này khiến việc dự đoán tăng trưởng và khả năng hồi phục của các nền kinh tế, các doanh nghiệp trở nên thiếu căn cứ và không chắc chắn đối với giới đầu tư.

Khi niềm tin trở nên mong manh, dòng tiền chắc chắn sẽ phản ứng theo cách thận trọng. Việc chọn lựa đầu tư có thể sẽ không dễ dãi và ào ạt như những tháng vừa qua.

Bấp bênh hiệu quả của doanh nghiệp

Mỹ là quốc gia phong toả nền kinh tế để kiểm soát dịch kéo dài, tuy nhiên khi dịch chưa kiểm soát được thì đã mở cửa trở lại và ngay lập tức làn sóng lây nhiễm thứ 2 tăng lên ở nhiều bang lớn.

Định giá của TTCK Việt Nam so với một số thị trường quốc tế

Chuyên gia kinh tế Bloomberg dự báo, đây sẽ là rủi ro đối với kết quả hoạt động quý II/2020 của các doanh nghiệp trong nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Trung Quốc, các thị trường tài chính toàn cầu có phản ứng ngày càng… giống nhau, với sắc màu xanh, đỏ bị chi phối nhiều bởi một số TTCK lớn.

TTCK Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chính vì vậy, nếu báo cáo quý II tại Mỹ và một số nền kinh tế lớn tại châu Âu quá xấu dẫn đến TTCK suy giảm, cũng có thể tạo áp lực phản ứng tương tự tại TTCK Việt Nam.

Tại TTCK Việt Nam, quan sát nhiều doanh nghiệp niêm yết cho thấy, sau thời gian giãn cách xã hội nhờ vào việc kiểm soát tốt dịch trong nước, nhiều hoạt động kinh doanh tại doanh nghiệp có dấu hiệu hồi phục. Thể hiện rõ nét là ở khối doanh nghiệp bán lẻ nội địa.
Tại CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), sau tháng 4 lỗ 89 tỷ đồng do đại dịch làm ngưng trệ hoạt động bán hàng, báo cáo tháng 5 của PNJ ghi nhận lợi nhuận 47 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm trước.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới di động (MWG), doanh thu tháng 4/2020 giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng sang tháng 5, doanh thu đạt 10.305 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ và tăng 32% so với tháng 4/2020. Trong 5 tháng đầu năm, MWG tăng trưởng mạnh đến từ chuỗi Bách Hoá Xanh 149,5% so với cùng kỳ, chuỗi Điện Máy Xanh tăng 8,3% so với cùng kỳ và chuỗi Thế giới Di động giảm 14,2% so với cùng kỳ.

Mặc dù sức tiêu thụ hàng hóa tại hai doanh nghiệp bán lẻ này không đại diện cho câu chuyện của nền kinh tế, nhưng đây là tín hiệu cho thấy sự hồi phục đối với các doanh nghiệp bám chắc thị trường nội địa. Cùng với đó là tín hiệu hoạt động sản xuất, tiêu thụ trong nước dần khôi phục từ tháng 5/2020.

Một khối doanh nghiệp sẽ ghi nhận hiệu quả kinh doanh khởi sắc là các công ty chứng khoán. Việc giãn cách xã hội cũng như cách chính sách hạ lãi suất để kích thích kinh tế, đã khiến dòng tiền nhàn rỗi bơm mạnh vào TTCK, giúp thị trường cải thiện cả về thanh khoản và điểm số.

Các công ty chứng khoán đã chốt số liệu tự doanh vào ngày 31/03/2020, ngay đáy thị trường, nên khả năng quý II, ghi nhận hiệu quả tích cực từ khối tự doanh là chắc chắn.

Trên sàn HOSE, thống kê giao dịch liên tục cho biết, kể từ ngày 1/4/2020 đến 25/06/2020 có tổng 285,1 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 3.887,2 tỷ đồng. So với quý I/2020, thanh khoản khớp liên tục lần lượt tăng 25% về số lượng cổ phiếu chuyển nhượng và 51,7% về giá trị.

Nếu so với quý II/2019, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng liên tục và giá trị lần lượt tăng trưởng 133% và 43,8%. Các giao dịch loại này mang lại nguồn thu phí môi giới đáng kể cho khối CTCK.
Với sự tăng lên về thanh khoản, khối CTCK dự kiến sẽ có hiệu quả cải thiện trong quý II. Tuy nhiên, câu chuyện TTCK tăng trưởng tách rời bức tranh thực của nền kinh tế tạo nên sự mong manh trong đà hồi phục sắp tới.

Tức là, nhóm doanh nghiệp này có kết quả quý II tích cực, nhưng quý III có thể sẽ gặp thách thức lớn.

Hai khối doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất trên sàn niêm yết Việt Nam là  bất động sản và ngân hàng vẫn đang bí đầu ra, khi một bên chưa tiêu thụ được hàng hóa, một bên cho vay ra vẫn rất chậm.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất nhằm kích cầu, nhưng dòng tiền vẫn có dấu hiệu dịch chuyển vào tiết kiệm thay vì đầu tư.

Một khối doanh nghiệp quan trọng khác là xuất khẩu cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Với việc làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang và sẽ còn tiếp diễn ở các thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ, châu Âu, con đường xuất khẩu hàng từ Việt Nam ra quốc tế sẽ chưa thể liền lại.

Nhà đầu tư từng kỳ vọng nhiều doanh nghiệp được hưởng lợi sau khi Chính phủ thông qua Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy nhiên, đây là câu chuyện của dài và hiệu quả sẽ chỉ đến khi các biện pháp phong toả nền kinh tế được loại bỏ và mọi hoạt động giao thương trở lại bình thường.

Trước mắt khi nhu cầu tiêu thụ thấp, làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang diễn ra ở khu vực châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục là rào cản đà hồi phục của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Dòng tiền hướng đến nhóm doanh nghiệp sản xuất

Trong giai đoạn nhiều cổ phiếu trụ gặp khó, thiếu dòng tiền dẫn sóng, nhóm cổ phiếu sản xuất có hiệu quả kinh doanh khả quan đang có dấu hiệu tăng sức hút dòng tiền.

Biểu đồ tương quan giữa VN-Index, DCM, DPM, HPG và HSG

Tổng công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí - CTCP (DPM) cho biết sản lượng tiêu thụ mặt hàng phân bón trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 550 nghìn tấn, tăng 29% so với cùng kỳ, tổng doanh thu ước tính 4.040 tỷ đồng, hoàn thành 44% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 425 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm và tăng 4,2 lần so với cùng kỳ năm trước.
CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) công bố, luỹ kế 8 tháng đầu năm doanh thu 17.068 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 584 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 61% và 146% kế hoạch năm.

CTCP Tập đoàn Hoà Phát (HPG) cho biết, lợi nhuận sau thuế quý II/2020 ước đạt 2.700 tỷ đồng, luỹ kế 6 tháng là 5.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 32% và 30% so với cùng kỳ năm 2019…

Đây là số ít các doanh nghiệp ngành sản xuất đang thu hút sự quan tâm của dòng tiền đầu tư chứng khoán trên TTCK Việt Nam (xem bảng).

Diễn biến giao dịch khối ngoại trên TTCK việt Nam

Xu hướng dòng tiền chọn đầu tư vào doanh nghiệp sản xuất, hoặc các doanh nghiệp có triển vọng hồi phục rõ ràng được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 7, thay vì dòng tiền trải dài vào các loại cổ phiếu như 3 tháng vừa qua.

Cách chọn lựa này có thể giúp nhà đầu tư bớt rủi ro hơn khi thế giới lại nổi lên những biến động dịch bệnh và khả năng dòng tiền rẻ tràn ra từ các ngân hàng trung ương như cách đối phó với đợt dịch đầu tiên, sẽ khó xảy ra.

Nhà đầu tư cần quan sát thêm trước khi đưa ra quyết định mua vào trong tháng 7

Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn theo tôi còn nhiều biến động khó lường và rủi ro. Tháng 7 sẽ có nhiều thông tin từ vĩ mô tới kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp được công bố. Mặc dù nước ta đã kiểm soát dịch rất tốt, nhưng nhiều ngành vẫn chưa thể khôi phục, kết nối lại chuỗi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn phức tạp. Các ngành như hàng không, xuất khẩu, du lịch… còn bị ảnh hưởng nặng nề. Do vậy, nhà đầu tư cần thận trọng và quan sát thêm trước khi đưa ra quyết định mua vào trong tháng 7.

Về xu hướng dòng tiền, sau khi TTCK hồi phục mạnh mẽ sẽ đến giai đoạn điều chỉnh và phân hóa. Hiện tại còn quá sớm để khẳng định ngành nào sẽ tăng trưởng và hồi phục mạnh cuối năm, nhưng tôi kỳ vọng doanh nghiệp trong một số ngành có thể có mức tăng trưởng tốt nếu dịch bệnh được đẩy lùi. Đó là ngành bất động sản khu công nghiệp, với việc có thêm nhiều hơn các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng về Việt Nam.

Ngành công nghệ, viễn thông với nhu cầu chuyển đổi số và xu hướng bigdata ngày càng tăng hay ngành thủy sản, dệt may khi nhu cầu tiêu thụ của các nước hồi phục cũng như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) bắt đầu được thực thi.

Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó tổng giám đốc CTCK Agribank

 

Tôi lựa chọn chiến lược mua và nắm giữ những cổ phiếu có lợi thế

Trong tháng 7, VN-Index đã qua giai đoạn tạo đỉnh ngắn nên khó hình thành một xu hướng cụ thể. Biến động chỉ số vẫn sẽ phụ thuộc vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Với nhà đầu tư, thay vì quan tâm đến biến động chỉ số, việc thiết thực hơn là quan tâm đến nhóm cổ phiếu và chọn lựa phương án ít rủi ro hơn.
Ở góc độ vĩ mô, tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam dự báo tiếp tục thấp. Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn trong giai đoạn gồng mình vượt qua khó khăn. 

Với TTCK, tôi cho rằng, xu hướng phân hóa tiếp tục diễn ra mạnh hơn giữa các nhóm cổ phiếu, khi các doanh nghiệp lần lượt công bố kết quả kinh doanh quý II ra thị trường.

Nhìn một cách tổng quan, những doanh nghiệp có hoạt động thương mại quốc tế sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, khi mà tình hình dịch bệnh trên thế giới chưa được kiểm soát và đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Trong khi đó, cổ phiếu của một số doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ, hàng tiêu dùng thiết yếu, thương mại điện tử tìm được cách tồn tại trong khó khăn, sẽ có triển vọng tăng trưởng.

Với xu hướng dòng tiền, thực tế phần lớn dòng tiền trên thị trường sẽ luôn tìm đến những cổ phiếu tốt, có kết quả kinh doanh khả quan với mục tiêu dài hạn.

Song song với đó, cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh bán niên kém khả quan có thể sẽ chịu đà bán mạnh. Do đó, tôi lựa chọn chiến lược mua và nắm giữ những cổ phiếu có lợi thế.

Đáng lưu ý là, sóng “đầu tư công” sẽ tiếp diễn nếu các dự án đầu tư công quan trọng sớm đi vào triển khai.

Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ được hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp vào hoạt động kinh doanh như nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp thượng nguồn trong khối xây lắp, vật liệu xây dựng…

Chuyển động trong hoạt động của các doanh nghiệp này sẽ sớm được phản ánh vào kết quả kinh doanh trong các quý tới.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) 

 

IMF nhận diện điểm yếu của thị trường tài chính

So với dự báo triển vọng kinh tế thế giới tháng 4/2020, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đang dự phóng kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái sâu hơn trong năm 2020 và phục hồi chậm hơn trong năm 2021.

Sản lượng toàn cầu được dự báo giảm 4,9% trong năm 2020 - thấp hơn 1,9% so với dự báo tháng 4, sau đó sẽ phục hồi một phần với tốc độ tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2021. Những dự báo này hàm ý tổn thất tích lũy của nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm (2020 - 2021) sẽ lên tới hơn 12 nghìn tỷ USD từ cuộc khủng hoảng này.

Việc IMF cắt giảm dự báo so với tháng 4 phản ánh những kết quả xấu hơn so với kỳ vọng trong nửa đầu năm nay và nếu những biện pháp giãn cách xã hội tiếp tục được duy trì trong nửa cuối năm, sẽ gây thiệt hại tới nguồn cung tiềm năng.

Ngoài ra, các điều kiện tài chính nếu bị thắt chặt quá nhanh cũng sẽ gây ra khủng hoảng nợ và các căng thẳng thương mại, địa chính trị có thể làm tổn hại đến những mối quan hệ toàn cầu mong manh hiện nay trong bối cảnh giá trị thương mại thế giới được dự báo sẽ giảm khoảng 12% trong năm nay.

Điểm tích cực cho kỳ vọng phục hồi là những chính sách ngoại lệ, đặc biệt là tại các nền kinh tế phát triển.

Hỗ trợ tài khóa toàn cầu hiện đã vượt 10.000 tỷ USD và chính sách tiền tệ đã nới lỏng mạnh mẽ thông qua cắt giảm lãi suất, bơm thanh khoản và các chương trình mua tài khoản.

Tại nhiều quốc gia, những biện pháp này đã thành công trong việc hỗ trợ đời sống của người dân và ngăn chặn làn sóng phá sản trên quy mô lớn.

Sự hỗ trợ đặc biệt bởi các ngân hàng trung ương lớn cũng là động lực thúc đẩy sự phục hồi của các thị trường tài chính, bất chấp những kết quả kinh tế thực tế đầy bi quan.

Giá cổ phiếu đã bật tăng, chênh lệch lợi suất tín dụng thu hẹp, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển đã ổn định trở lại và các đồng tiền bị mất giá sâu dần mạnh lên.

Bằng cách ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính, hỗ trợ chính sách đã giúp đẩy lùi những hậu quả thực tế tồi tệ hơn. Tuy nhiên, sự mất kết nối giữa thực tế và các thị trường tài chính đang dấy lên những quan ngại về việc chấp nhận rủi ro quá mức và là một điểm yếu lớn của thị trường hiện nay.

Theo MBS 

Theo ĐTCK
Cùng chuyên mục
Tin khác