Đức ngăn Mỹ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2

Thanh Tú - 29/11/2021 16:08 (GMT+7)

(VNF) - Đức đã kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Mỹ không thông qua các biện pháp trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vì cho rằng điều này sẽ làm "suy yếu uy tín" và “gây tổn hại” tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

VNF
Đức ngăn Mỹ trừng phạt Dòng chảy phương Bắc 2 (Ảnh minh họa).

Trong thông báo phát ra ngày 28/11, Bộ Ngoại giao Đức cho biết nước này sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong việc thực hiện thỏa thuận liên quan tới dự án đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

"Chúng tôi về cơ bản bác bỏ các lệnh trừng phạt giữa các đồng minh với nhau", Bộ Ngoại giao Đức cho biết thêm khi đề cập tới việc Mỹ mới công bố các lệnh trừng phạt liên quan tới dự án này.

Trước đó, hãng tin Axios dẫn một văn bản ngày 19/11 được cho là của Đại sứ quán Đức ở Washington (Mỹ) gửi tới Quốc hội Mỹ liên quan tới việc các Nghị sĩ nước này thúc ép chính quyền Tổng thống Joe Biden trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Trong đó, Đức đã kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ không trừng phạt dự án này vì cho rằng hành động này sẽ làm "suy yếu uy tín" của Mỹ cũng như "tổn hại nghiêm trọng" tới sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương.

Cũng trong văn bản, phía Đức khẳng định dự án Dòng chảy phương Bắc “không đe doạ tới Ukraine chừng nào nước này vẫn đảm bảo duy trì trung chuyển khí đốt hợp lý”.

Theo Bộ Ngoại giao Đức, nước này sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền Mỹ để thực hiện tuyên bố chung về thoả thuận hồi tháng 7. Khi đó, Mỹ và Đức đã đạt được thỏa thuận sơ bộ, cho phép dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được hoàn thiện.

Theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chấm dứt sự phản đối lâu nay của Washington đối với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Đây được coi là sự thay đổi lập trường của Mỹ sau nhiều năm tranh cãi về số phận của dự án này.

Trong khi đó, Đức sẽ đồng ý hỗ trợ Ukraine trong ngoại giao năng lượng và các dự án trong lĩnh vực này. Các nguồn tin cho hay, Đức đồng ý đóng góp 1 tỷ USD để giúp Ukraine chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn cũng như cải thiện an ninh năng lượng.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 22/11 cho biết, nước này vừa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2.

Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ trình lên Quốc hội, các lệnh trừng phạt mới được áp dụng đối với một công ty vận tải biển có tên Transadria Ltd, cùng 2 tàu của công ty này, trong đó tàu Marlin bị đưa vào diện tài sản bị phong toả và một tàu khác chưa được tiết lộ.

“Quyết định này phù hợp với quan điểm của Mỹ tiếp tục phản đối Dòng chảy phương Bắc 2, đồng thời cho thấy Mỹ luôn tuân thủ Đạo luật Bảo vệ An ninh Năng lượng của Châu Âu (PEESA) năm 2019. Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2 đối với tổng cộng 8 cá nhân và 17 tàu liên quan theo PEESA", ông Blinken nhấn mạnh.

Cũng theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington sẽ tiếp tục làm việc với Đức cùng các đồng minh và đối tác khác nhằm giảm thiểu rủi ro do dự án Dòng chảy phương Bắc gây ra đối với Ukraine và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm “đẩy lùi những hoạt động nguy hiểm của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng”.

Trong tuyên bố phát ra ngày 22/11, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov nói động thái này của Mỹ là biểu hiện của hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD. Việc xây dựng đường ống này đã được hoàn thành ngày 10/9.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận cho Nord Stream 2 AG đang được tiến hành. Điều đó sẽ diễn ra trong hai giai đoạn. Trước tiên, cơ quan quản lý của Đức sẽ xây dựng dự thảo quyết định, sau đó Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra đánh giá của mình. Toàn bộ quá trình, theo yêu cầu pháp lý, có thể mất vài tháng.

Xem thêm >> ‘Siêu biến chủng’ Omicron lan rộng toàn cầu

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác