Tài chính quốc tế

Được lệnh bắt ông Putin, Nam Phi phản ứng ra sao?

(VNF) - Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho rằng việc bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sẽ đồng nghĩa tuyên chiến với Nga, trong khi phe đối lập yêu cầu phải bắt giữ nhà lãnh đạo Nga ngay khi ông đặt chân tới Nam Phi.

Được lệnh bắt ông Putin, Nam Phi phản ứng ra sao?

Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nam Phi dự kiến tổ chức hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, tại Johannesburg từ ngày 22-24/8. Theo nguyên tắc, nguyên thủ các nước sẽ tham dự hội nghị này.

Dù việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thượng đỉnh của nhóm BRICS chưa được chính thức xác nhận, nhưng điều này gây ra tình thế khó xử cho chính phủ của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bởi nước này là một thành viên của Toà án Hình sự quốc tế (ICC), cơ quan vào tháng 3 ra lệnh bắt giữ ông Putin vì những cáo buộc liên quan tới xung đột Ukraine.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan càng được đẩy lên cao trào sau khi đảng Liên minh Dân chủ (DA) đối lập mới đây đã gửi đơn lên Tòa Thượng thẩm Gauteng yêu cầu chính phủ nước này phải thực thi lệnh bắt giữ của ICC nếu Tổng thống Putin đặt chân đến Nam Phi.

Trong một văn bản phản hồi gửi lên tòa án được công bố ngày 18/7, Tổng thống Nam Phi Ramaphosa cho rằng đòi hỏi của DA là “vô trách nhiệm” và có thể đe doạn tới an ninh quốc gia.

"Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của họ sẽ bị coi là tuyên chiến. Sẽ không phù hợp với Hiến pháp của chúng ta nếu mạo hiểm tiến đến chiến tranh với Nga”, ông Ramaphosa cho hay.

Nhà lãnh đạo Nam phi cũng cho biết thêm rằng việc bắt giữ ông Putin sẽ đi ngược lại nghĩa vụ bảo vệ đất nước, làm suy yếu sứ mệnh do Nam Phi đi đầu nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine và sẽ “khép lại bất kỳ giải pháp hòa bình nào”.

Cũng theo ông Ramaphos, Nam Phi đang tìm cách miễn trừ theo các quy tắc của ICC dựa trên thực tế là việc ban hành lệnh bắt có thể đe dọa “an ninh hòa bình và trật tự của quốc gia”.

Hiệp ước ICC quy định rằng một quốc gia thành viên nên tham vấn tòa khi phát hiện những vấn đề có thể cản trở việc thực hiện phán quyết, và tòa án có thể không yêu cầu bắt giữ nếu điều này khiến quốc gia đó vi phạm các quy tắc quốc tế về quyền miễn trừ ngoại giao.

Phản hồi lại tuyên bố của Tổng thống Ramaphosa, lãnh đạo DA John Steenhuisen cho rằng lập luận của ông Ramaphosa về nguy cơ Nam Phi gây chiến với Nga là "lố bịch" và "nông cạn".

“Khi các quyết định về chính sách đối ngoại có khả năng hủy hoại danh tiếng quốc tế của Nam Phi… và hủy hoại nền kinh tế của chúng ta, điều quan trọng là chính phủ phải duy trì nghĩa vụ công khai và minh bạch của mình”, ông Steenhuisen tuyên bố.

Trước đó, các quan chức Nam Phi đã tính đến nhiều phương án để giải quyết bài toán này, trong đó có tổ chức hội nghị BRICS theo phương thức trực tuyến, chuyển địa điểm tổ chức hội nghị BRICS sang Trung Quốc, thậm chí thuyết phục ông Putin không tham dự hội nghị mà thay bằng một lãnh đạo khác của Nga.

Tuy nhiên, tất cả các phương án này đều vấp phải sự phản đối của các nước thành viên, trong đó có Nga. Điều này khiến Nam Phi tiếp tục rơi vào tình thế khó xử, khi chỉ hơn một tháng nữa là hội nghị BRICS sẽ diễn ra.

Một quan chức Nam Phi cho biết chính phủ nước này rất cảnh giác với tình huống bắt nguyên thủ quốc gia đương nhiệm, điều này chưa từng xảy ra. Tuy nhiên, nếu không thực thi lệnh bắt của ICC, Nam Phi đối mặt nguy cơ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ với Mỹ và các đối tác ngoại giao, thương mại quan trọng ở phương Tây, thậm chí là hứng chịu lệnh trừng phạt.

Xem thêm >> Rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc, Nga cảnh báo tàu thuyền không còn an toàn ở Biển Đen

Tin mới lên