'Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dùng công nghệ Trung Quốc nhưng tiêu chuẩn như châu Âu'

Trần My - 29/11/2019 17:47 (GMT+7)

(VNF) - Theo Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường, tư vấn thẩm định của Pháp đánh giá tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu.

VNF
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019

Trao đổi tại hội nghị an toàn giao thông năm 2019 do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức ngày 29/11, ông Vũ Hồng Trường cho biết tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đang được Công ty tư tư vấn ACT của Pháp (tư vấn độc lập) đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.

"Theo đánh giá của tư vấn thẩm định của Pháp, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ Trung Quốc nhưng có tiêu chuẩn kỹ thuật tương thích với tiêu chuẩn của châu Âu", ông Trường nói.

Lãnh đạo Metro Hà Nội cũng cho biết việc quản lý vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông theo đúng tiêu chuẩn thế giới đảm bảo tuyến vận hành an toàn ở mức độ rất cao do các tiêu chuẩn này đã được kiểm nghiệm rất lâu dài tại các nước có hệ thống đường sắt phát triển, chứng minh tính chính xác của tiêu chuẩn.

Cũng theo vị này, đường sắt Cát Linh - Hà Đông dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại từ cuối năm 2019, sau khi Bộ GTVT nghiệm thu sẽ bàn giao cho Metro Hà Nội vận hành khai thác. Trước khi đưa vào khai thác, việc đảm bảo an toàn trong mọi khâu vận hành cần được khẳng định.

Được biết, sau thời gian vận hành thử toàn hệ thống, về cơ bản nhân sự Việt Nam đã đáp ứng các công việc được giao, trực tiếp vận hành 11 chuyên ngành, các chuyên gia nước ngoài chỉ giám sát. Tuy vậy, lãnh đạo Metro Hà Nội cũng thừa nhận đây là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam vận hành nên kinh nghiệm quản lý còn hạn chế, không tránh khỏi các tình huống khó khăn trong thực tế.

"Để đảm bảo an toàn, Việt Nam đã thuê chuyên gia nước ngoài giám sát vận hành và chuyển giao công nghệ trong 1 năm đầu khai thác", Tổng giám đốc Metro Hà Nội nói.

Trước đó, để chuẩn bị trước cho việc vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Metro Hà Nội đã đào tạo gần 1.000 nhân viên và lái tàu nhưng do dự án này vận hành chậm nên trong 1 năm vừa qua có tới 28% công nhân bỏ việc.

Dù vậy, số lao động bỏ việc chủ yếu là lao động phổ thông, làm những công việc đơn giản nên khi số này bỏ đi, Metro Hà Nội đã tuyển người mới vào đào tạo. Số lao động trình độ kỹ thuật được cử đi đào tạo trở về vẫn làm việc và tiếp cận công việc vận hành dự án bình thường.

Liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, như VietnamFinance đã thông tin, Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét đưa vào sử dụng nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với những sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Xem thêm >>> Thủ tướng 'lệnh' xử lý nghiêm sai phạm tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Cùng chuyên mục
Tin khác