Tài chính

Đường về đỉnh lợi nhuận của CTCK: Cần thêm lực đẩy

(VNF) - Đa số các công ty chứng khoán (CTCK) cần một lực đẩy lớn từ thị trường chứng khoán để có thể vượt đỉnh lợi nhuận.

Đường về đỉnh lợi nhuận của CTCK: Cần thêm lực đẩy

Đường về đỉnh lợi nhuận của CTCK: Cần thêm lực đẩy

Như thường lệ, các công ty chứng khoán đã mở màn cho mùa báo cáo tài chính quý IV/2023. Nhìn chung, quý cuối năm cũng như cả năm 2023 là quãng thời gian tương đối thuận lợi cho ngành chứng khoán.

Thống kê 17 công ty chứng khoán tiêu biểu (bao gồm: TCBS, SSI, VNDIRECT, VPBankS, VIX, HSC, VPS, MASVN, MBS, SHS, VCBS, KIS, Vietcap, BSC, ACBS, VDSC, DNSE) cho thấy, chỉ có 5 công ty “thụt lùi” về lợi nhuận trước thuế trong năm 2023 so với năm 2022. 

Điểm đáng chú ý là cả 5 cái tên này đều là những công ty có truyền thống và vị thế trong ngành, đó là “quán quân lợi nhuận” TCBS giảm 1%, “quán quân thị phần môi giới” VPS giảm 18%, HSC giảm 21%, MASVN giảm 22% và Vietcap giảm 46%. Điều này một mặt là do ảnh hưởng từ mức nền so sánh thấp (năm 2022) của nhiều công ty chứng khoán nhưng mặt khác cũng phần nào cho thấy sự trỗi dậy của các công ty chứng khoán vốn trước đây được coi là “chiếu dưới”.

Một điểm đáng lưu tâm khác là trong số 17 công ty chứng khoán tiêu biểu trên, ngoại trừ VPBankS và DNSE có thể coi là 2 “tân binh”, có 2 công ty chứng khoán đã ghi nhận lợi nhuận vượt đỉnh lịch sử năm 2021 bất chấp năm 2023 dù có sự thuận lợi nhất định nhưng không thể so với năm 2021 cực kỳ thăng hoa của ngành chứng khoán (VN-Index năm 2021 tăng 36%, gấp 3 lần mức tăng của năm 2023). 2 cái tên đó là VIX (lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 32% so với năm 2021) và BSC (lợi nhuận tăng 17%). Đây có lẽ cũng là lý do giá cổ phiếu BSI của BSC đã vượt đỉnh lịch sử trong tháng 1/2024.

Dẫu vậy, đa số các công ty chứng khoán vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2023 giảm hai chữ số so với năm 2021, cho thấy đường về đỉnh lợi nhuận của các công ty chứng khoán này còn khá xa.

Trong 17 công ty chứng khoán tiêu biểu, Vietcap là cái tên còn cách xa đỉnh lịch sử nhất. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của công ty chứng khoán này giảm tới 69% so với năm 2021. Như đã đề cập, ngay cả so với năm 2022 thì lợi nhuận năm 2023 của Vietcap cũng giảm 46%. Từ chỗ đứng thứ 4 về lợi nhuận trong năm 2021, sang năm 2023, Vietcap đã rơi xuống vị trí thứ 13 trong 17 công ty chứng khoán trong diện thống kê. Đây là những tín hiệu khá tiêu cực về tình hình kinh doanh của công ty chứng khoán vốn được mệnh danh là “vua” mảng ngân hàng đầu tư (IB).

SHS cũng là cái tên còn cách xa đỉnh lợi nhuận. So với năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2023 của SHS giảm tới 61%. 

Một cái tên khác khá tương đồng với trường hợp của Vietcap là HSC. Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của HSC giảm 41% so với năm 2021 và cũng suy giảm 21% so với năm 2020. Từ vị trí thứ 6 về lợi nhuận trong năm 2021 đã xuống vị trí thứ 15 về lợi nhuận trong năm 2023. 

Với mức suy giảm lợi nhuận (2023 so với 2021) khoảng từ 20% đến 30%, nhiều công ty chứng khoán có lẽ còn phải đợi một thời gian tương đối dài để trở lại “đỉnh vinh quang” nếu thị trường chứng khoán không có lực đẩy đột biến, chẳng hạn như ACBS (lợi nhuận giảm 27%), MASVN (giảm 24%), VDSC (giảm 23%), TCBS (giảm 21%).

SSI, VNDIRECT và VCBS là 3 công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận năm 2023 suy giảm từ 10% đến 20%, cụ thể là lần lượt giảm 15%, 17% và 17% so với năm 2021, “sáng cửa” hơn trong hành trình trở lại đỉnh lợi nhuận.

Riêng MBS khả năng cao sẽ sớm vượt đỉnh lợi nhuận, bởi năm 2023, lãi trước thuế của công ty chứng khoán này chỉ giảm 3% so với năm 2021.

Cần thêm lực đẩy để lợi nhuận các công ty chứng khoán vượt đỉnh

Tựu trung, đa số các công ty chứng khoán cần một lực đẩy lớn từ thị trường chứng khoán để có thể vượt đỉnh lợi nhuận. Trong bối cảnh hiện nay, có 2 động lực lớn có khả năng kích hoạt mạnh mẽ thị trường chứng khoán.

Động lực thứ nhất là hệ thống KRX đi vào hoạt động và thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng. Điều này được kỳ vọng sẽ khiến thanh khoản thị trường tăng mạnh, từ đó đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Động lực thứ hai là lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng rõ rệt qua từng quý. Hiện nay, mặc dù lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức rất thấp nhưng “dòng tiền lớn” vẫn chưa chảy vào thị trường chứng khoán, lý do quan trọng là nhà đầu tư chưa có niềm tin vào việc lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết sẽ sớm phục hồi và quay trở lại mức tăng trưởng tốt, sau khi “vỡ mộng” với kết quả kinh doanh quý III/2023.

Cả hai động lực này đều cần quan sát, thay vì đặt kỳ vọng quá lớn bởi tính chắc chắn không cao. Nhưng có như vậy mới tạo ra dư địa cho các bên “đặt cược” và đây luôn là điều thú vị của thị trường chứng khoán.

Tin mới lên