Eastern Power Group dự chi 16 triệu USD thâu tóm dự án phong điện Gia Lai

Tân Mai - 10/10/2020 07:07 (GMT+7)

(VNF) - HĐQT Eastern Power Group, tập đoàn năng lượng đến từ Thái Lan, vừa thông qua nghị quyết về việc mua lại cổ phần của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai.

VNF
Eastern Power Group dự chi 16 triệu USD thâu tóm dự án phong điện Gia Lai

Theo đó, Eastern Power Group chấp thuận cho công ty con là EPVN W2 (HK) Company Limited (đăng ký trụ sở chính tại Hồng Kông) mua lại 2.500.000 cổ phần của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai (viết tắt là Điện gió Gia Lai), tương đương 100% vốn với giá 8,75 triệu USD (xấp xỉ 200 tỷ đồng).

Nhóm cổ đông chuyển nhượng cổ phần Điện gió Gia Lai là Nguyễn Thị Sen, Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, Lê Thị Giang Hà và Nguyễn Hồng Minh.

Tương tự, Eastern Power Group cũng thông qua công ty con EPVN W2 (HK) Company Limited mua lại 2.250.000 cổ phần, tương đương 90% vốn Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai (viết tắt là Năng lượng gió Gia Lai) với giá 7,8 triệu USD (khoảng 180 tỷ đồng).

Bên chuyển nhượng cổ phần là Nguyễn Thị Sen, Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên, Nguyễn Thị Phương Mai và Nguyễn Thị Ngọc Minh.

Được biết, Điện gió Gia Lai và Năng lượng gió Gia Lai là chủ đầu tư của 2 dự án năng lượng thuộc xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai là Nhà máy điện gió phát triển miền núi và Nhà máy điện gió chế biến Tây Nguyên.

Cả 2 dự án có cùng công suất 50 MW với tổng mức đầu tư trên 3.600 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ đầu tư chiếm 20%, còn lại 80% vốn vay từ ngân hàng; có thời gian hoạt động 50 năm kể từ ngày cấp quyết định chủ trương đầu tư (ngày 21/7/2020), dự kiến thi công hạ tầng cơ sở từ tháng 8/2020 và tháng 11/2021 sẽ được nghiệm thu vận hành thương mại.

Theo kế hoạch, sau khi đi vào hoạt động, 2 dự án sẽ có tổng sản lượng gần 320 triệu kW/năm, doanh thu hơn 627 tỷ đồng/năm, đồng thời nộp ngân sách nhà nước hơn 125 tỷ đồng/năm.

HĐQT Eastern Power Group cho biết, kế hoạch mua cổ phần tại Năng lượng Gió Gia Lai và Điện gió Gia Lai sẽ được tiến hành qua 5 giai đoạn, từ trung tuần tháng 8/2020 đến cuối tháng 10/2021 theo tiến độ của 2 dự án năng lượng.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh cho thấy, giai đoạn đầu đã được Eastern Power Group thực hiện, khi EPVN W2 (HK) Company Limited trở thành cổ đông mới sở hữu 9% cổ phần của Năng lượng Gió Gia Lai và 10% cổ phần của Điện gió Gia Lai từ ngày 18/9.

Ngoài ra, ông Yuth Chinsupakul, Chủ tịch Eastern Power Group cũng được bổ sung vào HĐQT các công ty dự án.

Mặc dù vẫn chưa có thông báo chính thức từ bên chuyển nhượng dự án, song có thể thấy lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam đang thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài và mở ra một cơ hội thu hút vốn FDI mới, đầy tiềm năng.

Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai và Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai cùng được thành lập hồi tháng 4/2020 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Cả 2 đều có trụ sở chính tại 18 Hùng Vương, phường Ia Kring, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Cổ đông sáng lập Điện gió Gia Lai bao gồm: Nguyễn Thị Sen (nắm giữ 80% vốn), Lê Thị Giang Hà (nắm giữ 10%), Nguyễn Hồng Minh (nắm giữ 10%). Còn Năng lượng gió Gia Lai gồm 4 cổ đông là Nguyễn Thị Phương Mai (nắm giữ 45%), Phạm Ngọc Khánh (nắm giữ 20%), Nguyễn Thị Sen (nắm giữ 20%) và Nguyễn Thị Ngọc Minh (nắm giữ 15%).

Ngày 16/6/2020, tại Điện gió Gia Lai, cổ đông Nguyễn Thị Sen chuyển nhượng 55% tỷ lệ sở hữu cho Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, một đơn vị có vốn điều lệ 21 tỷ đồng được bà Sen nắm giữ 94,4% vốn.

Song song, tại Năng lượng gió Gia Lai xuất hiện thêm một cổ đông pháp nhân là Công ty TNHH Kinh doanh và Chế biến Tây Nguyên với tỷ lệ sở hữu 55% vốn, các cổ đông Nguyễn Thị Phương Mai, Nguyễn Thị Sen và Nguyễn Thị Ngọc Minh giảm mức nắm giữ xuống còn 20%, 15% và 10%.

Được biết, cổ đông Nguyễn Thị Sen sinh năm 1956 tại Quảng Ngãi, ngoài Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Miền núi Gia Lai, bà Sen còn là cổ đông lớn tại Công ty Cổ phần Chè Bàu Cạn, Công ty Cổ phần Phát triển năng lượng gió Miền núi, Công ty TNHH Phát triển Môi trường xanh Tây Nguyên và Công ty TNHH Quang Anh Gia Lai.

 
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.