Tài chính quốc tế

EU đã tìm ra cách dùng tài sản của Nga để tái thiết Ukraine

(VNF) - Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ kế hoạch dành hàng tỷ euro lợi nhuận phát sinh từ việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga trong bước đầu tiên hướng tới khả năng sử dụng số tiền này cho việc tái thiết Ukraine.

EU đã tìm ra cách dùng tài sản của Nga để tái thiết Ukraine

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ủng hộ kế hoạch dành hàng tỷ euro lợi nhuận phát sinh từ việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga để tái thiết Ukraine.

Quyết định được các thành viên EU nhất trí vào ngày 29/1, vẫn chưa được chính thức hóa trong những tuần tới, là một phần trong sự thể hiện ủng hộ của khối đối với Kiev trước ngày tròn 2 năm Nga đưa quân tới Ukraine.

Nó cũng được đưa ra trước thềm hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 1/2 tới đây. Tại đó, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ ký duyệt khoản hỗ trợ tài chính trị giá 50 tỷ euro cho Ukraine.

Trong số 260 tỷ euro dự trữ ngoại hối của Nga bị đóng băng vào năm 2022 nhằm lên án việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, 191 tỷ euro đang nằm ở Euroclear của Bỉ, một trung tâm lưu ký chứng khoán, và đang tạo ra hàng tỷ euro lợi nhuận khi đến hạn chia cổ tức và được tái đầu tư.

Theo thỏa thuận được ký kết đầu tuần qua, lợi nhuận do Euroclear tạo ra sẽ được ghi riêng và không được chia cổ tức cho các cổ đông cho đến khi các nước EU nhất trí quyết định thành lập “khoản đóng góp tài chính cho ngân sách EU sẽ được huy động từ những khoản lợi nhuận ròng này” để hỗ trợ Ukraine”, theo một văn bản dự thảo mà Financial Times tiếp cận được.

Văn bản cho biết thêm, khoản thuế đó sẽ “phù hợp với các nghĩa vụ hợp đồng hiện hành và phù hợp với luật pháp EU và quốc tế”.

Các quốc gia thành viên cũng sẽ xác định số tiền mà các cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương có thể giữ lại, ngoài số tiền cần thiết để trang trải chi phí pháp lý và quản lý.

Ở động thái liên quan, một nỗ lực riêng biệt do Mỹ dẫn đầu và được Anh, Nhật Bản và Canada hậu thuẫn nhằm tịch thu toàn bộ tài sản của Nga, thay vì chỉ thu lợi nhuận, đang vấp phải sự phản đối từ các thành viên G7 châu Âu, đặc biệt là Đức, Ý và Pháp.

Hồi giữa tháng 1, một ủy ban của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn “Đạo luật Xây dựng lại thịnh vượng và cơ hội kinh tế (REPO) cho người Ukraine”. Nếu được cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua, cũng như được Tổng thống Biden ký thành Luật, đạo luật này sẽ mở đường cho việc Washington lần đầu tiên tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương từ một quốc gia mà nước này không trực tiếp có chiến tranh.

Hãng tin Reuters mới đây dẫn lời một quan chức cấp cao EU cho biết khối này sẽ khó có thể tham gia cùng Mỹ trong việc tịch thu các quỹ của Nga vì không có thỏa thuận nào về bước đi như vậy giữa các quốc gia thành viên của khối.

Cho tới nay Mỹ đã cung cấp cho Ukraine khoảng 111 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, dòng tiền đã giảm đáng kể trong những tháng gần đây khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa tiếp tục chống lại nỗ lực của Nhà Trắng nhằm hỗ trợ thêm 60 tỷ USD cho Kiev.

Hồi đầu tháng 1, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả trước khả năng bị phương Tây tịch thu tài sản của mình, dẫn đến các biện pháp ăn miếng trả miếng.

Trước đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng việc tịch thu các quỹ của Nga sẽ là hành vi “trộm cắp trắng trợn” của phương Tây. Ông nói với các phóng viên rằng nó sẽ làm suy yếu niềm tin vào hệ thống tài chính của Mỹ và EU trên toàn cầu.

​Xem thêm >> Lo bị EU giáng đòn, Hungary 'quay xe' thỏa hiệp viện trợ cho Ukraine

Tin mới lên