EU sắp ra phán quyết xe điện, Trung Quốc gửi thư ‘cảnh báo’
(VNF) - Trung Quốc đã gửi thư cảnh báo Liên minh châu Âu (EU) rằng họ sẽ nhắm tới các lĩnh vực hàng không và nông nghiệp của khối này trừ khi EU chấm dứt việc thúc đẩy một cuộc chiến thương mại tiềm tàng.
Trước việc Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ giáng đòn thuế quan lên xe điện của Trung Quốc trong những ngày tới, Bộ Thương mại Trung Quốc đã gửi một bức thư dài 5 trang tới Giám đốc Thương mại EU Valdis Dombrovskis kêu gọi các cuộc đàm phán rộng rãi và những ý tưởng mới để tìm ra giải pháp cho các tranh chấp thương mại, hãng tin Politico dẫn nguồn thạo tin cho hay.
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu ngày 31/5 cũng xác nhận với Politico rằng ông Dombrovskis đã nhận được bức thư từ Trung Quốc. “Chúng tôi đang nghiên cứu câu trả lời", người phát ngôn nói thêm.
Theo những nguồn thạo tin, bức thư nói rõ rằng Bắc Kinh khó chịu với tần suất điều tra thương mại ngày càng gia tăng do nhà điều hành EU đưa ra trong những tháng gần đây và kêu gọi "đình chiến" để tránh leo thang thêm.
Tuy nhiên, Trung Quốc không chỉ đơn giản kêu gọi chấm dứt căng thẳng mà còn đưa ra cảnh báo trả đũa. Theo một người nắm rõ cách tiếp cận của Bắc Kinh, việc này sẽ "bắt đầu" với ngành hàng không và nông nghiệp.
Cử tri sẽ bầu ra Nghị viện châu Âu mới vào ngày 6-9/6 và Ủy ban có thể sẽ hoãn công bố kết quả cuộc điều tra kéo dài 9 tháng về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện của họ cho đến khi có kết quả bầu Nghị viện.
Vẫn chưa rõ mức thuế nhập khẩu mà Brussels sẽ áp đặt, nhưng các nhà phân tích cho rằng mức thuế này sẽ cần tăng lên tới 50% từ mức 10% hiện tại để san bằng lợi thế về chi phí mà các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, dẫn đầu là BYD, được hưởng.
Theo Rhodium Group, nhập khẩu xe điện từ Trung Quốc của EU đã tăng từ mức 1,6 tỷ USD vào năm 2020 lên 11,5 tỷ USD vào năm 2023, chiếm 37% tổng lượng xe điện nhập khẩu.
Giải pháp thương lượng
Trong bức thư gửi ông Dombrovskis, Bắc Kinh đã kêu gọi một giải pháp đàm phán rộng rãi. Động thái được đưa ra trong bối cảnh sự leo thang căng thẳng thương mại giữa Brussels và Bắc Kinh ảnh hưởng đến loạt ngành công nghiệp, từ máy quét an ninh sân bay đến thiết bị y tế.
Trung Quốc có thể nhắm vào nông nghiệp, giáng một đòn đáng kể vào một lĩnh vực nhạy cảm của EU, trong đó Trung Quốc là điểm đến thứ ba cho xuất khẩu nông sản của khối và chiếm 6,4% tổng thương mại nông sản của EU.
Đòn giáng hàng không nghiêm trọng nhất có thể sẽ nhắm vào Airbus, nhà sản xuất máy bay châu Âu và là nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Trung Quốc.
Bắc Kinh đã từng đe dọa sẽ không mua máy bay của Airbus nếu châu Âu áp đặt kế hoạch khống chế khí thải carbon.
Để đối phó với cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc, Bắc Kinh vào tháng 1 đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các nhà sản xuất rượu châu Âu, đặc biệt là Pháp.
Các nhà sản xuất rượu cognac của Pháp lo ngại rằng họ sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo của Bắc Kinh một khi cơ quan điều hành EU chính thức công bố mức thuế đối với xe điện.
Hồi đầu tháng 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong các cuộc đàm phán ba bên ở Paris.
Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về khả năng mở rộng hợp tác và giải quyết những rào cản thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu. Tổng thống Pháp Macron nhận định, tương lai của châu Âu phụ thuộc vào khả năng phát triển quan hệ một cách cân bằng với Trung Quốc, đồng thời nhấn mạnh, hai bên đang ở giao điểm lịch sử và cần phải tạo ra một “sân chơi bình đẳng” cho các doanh nghiệp.
Mới tuần trước, Trung Quốc đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với gã khổng lồ hàng không vũ trụ Boeing của Mỹ, với lý do hãng này đang bán vũ khí cho Đài Loan.
Đồng minh mới của Mỹ lấy đi ‘miếng bánh kinh tế’ của Trung Quốc
Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.