'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Tiếp tục thua lỗ
Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), tổng doanh thu công ty mẹ 19 tập đoàn, tổng công ty do CMSC quản lý đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023 và bằng 96,57% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 53.256 tỷ đồng nếu không tính EVN, bằng 166% kế hoạch đặt ra năm 2023 và bằng 110,92% so với cùng kỳ năm 2022. Nhưng nếu tính cả EVN, lợi nhuận trước thuế chỉ còn đạt 28.661 tỉ đồng, bằng 89,39% kế hoạch năm 2023.
EVN vẫn chưa thể có lãi trở lại trong năm 2023. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng giám đốc EVN thừa nhận năm 2023 là một năm khó khăn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
“Trong những tháng đầu năm, nắng nóng diện rộng kéo dài ảnh hưởng đến tình hình cung ứng điện cho miền Bắc, đặc biệt là những tháng mùa khô. Ngoài ra, giá các loại nhiên liệu sử dụng cho sản xuất điện tuy có giảm so với năm 2022 nhưng vẫn cao so với giai đoạn 2020 – 2021, từ đó kéo theo chi phí sản xuất điện tăng cao. Công tác đầu tư xây dựng của EVN vẫn còn gặp nhiều vướng mắc, đơn cử như thu xếp vốn, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi sử dụng mục đích đất rừng,…”.
Doanh thu bán điện toàn EVN năm 2023 ước đạt 492.590 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022. Tuy tập đoàn đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, tối ưu dòng tiền, tài chính, tăng giá bán lẻ điện 2 lần (tăng 3% từ ngày 4/5 và tăng 4,5% từ ngày 9/11), nhưng vẫn không bù đắp chi phí mua điện tăng cao, ông Tuấn cho biết.
Kết quả là công ty mẹ EVN vẫn dự kiến lỗ khoảng 24.499 tỷ đồng (tương đương hơn 1 tỷ USD) trong năm 2023 và tình hình tài chính vẫn tiếp tục gặp khó khăn.
Tổng giá trị tài sản lớn nhất của EVN ước tính đến năm 2023 là 622 nghìn tỷ đồng, bằng 93,4% so với năm 2022. Trong đó, vốn chủ sở hữu là 206 nghìn tỷ, bằng 91,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Rõ ràng, sau khoản lỗ lịch sử vào năm 2022, hoạt động kinh doanh điện của EVN vẫn chưa khởi sắc trong năm 2023.
Một năm bê bối của nhiều lãnh đạo EVN
Không chỉ phải đối mặt với nhiều thách thức trong hoạt động kinh doanh, năm 2023 còn là một năm đầy biến động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhất là khi sai phạm của nhiều cá nhân và tổ chức thuộc EVN bị phanh phui.
Trong năm nay, tình trạng gián đoạn cung ứng điện diễn ra trên diện rộng, đặc biệt ở khu vực miền Bắc đã gây bức xúc trong dư luận. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của người dân mà còn gây thiệt hại cho nền kinh tế.
Theo kết quả thanh kiểm tra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã để xảy ra những sai phạm như chậm đầu tư nguồn điện, bị động trong điều tiết hồ chứa thủy điện, để xảy ra tình trạng thiếu than cục bộ, cung ứng điện mùa khô có nhiều bất cập, để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng.
Tại Kỳ họp thứ 34, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận ông Dương Quang Thành, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Trần Đình Nhân, nguyên Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; ông Nguyễn Danh Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Giám đốc Công ty Mua bán điện.
Trước đó, ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành Kết kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và điều hành cung cấp điện của EVN và các đơn vị có liên quan đến cung cấp điện, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức kiểm điểm tại 24 đơn vị trong toàn Tập đoàn EVN, 85 tập thể, 161 cá nhân có liên quan.
Vào 9/11, ông Nguyễn Danh Sơn, Giám đốc Công ty mua bán điện bị khởi tố và bắt với cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn trong vụ án tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công Thương. Cùng với đó cả loạt cán bộ thuộc Tập đoàn EVN và Bộ Công Thương cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
Mới đây, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội giữ chức vụ Tổng Giám đốc EVN.
Ông Nguyễn Anh Tuấn thay thế ông Trần Đình Nhân giữ chức vụ Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam kể từ ngày 1/12/2023.
Việc thay Tổng giám đốc EVN, kiện toàn Ban lãnh đạo tập đoàn này được đưa ra theo yêu cầu của Thường trực Chính phủ, trong bối cảnh một số vị trí lãnh đạo trước đây bị kỷ luật khiển trách do chịu trách nhiệm trong cung ứng điện, để xảy ra thiếu điện tại miền Bắc vào tháng 5 và 6/2023.
Bên cạnh đó, việc tách Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) ra khỏi EVN vẫn đang còn vướng mắc nhiều vấn đề phức tạp, nhất là những vấn đề liên quan đến thanh toán tiền mua điện, đầu tư trang thiết bị hay cơ chế, đãi ngộ giúp giữ chân người lao động tại A0.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam hiện đang chuẩn bị kịch bản cho 3 tháng cuối mùa khô, và nỗ lực không để xảy ra tình trạng thiếu điện. Mục tiêu lớn trong năm 2024 là đầu tư cho xây dựng, tổng khối lượng đầu tư năm tới là 102 nghìn tỷ, tăng thêm hơn 10 nghìn tỷ so với năm 2023; 300 công trình phải khởi công và đóng điện trong năm tới.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.