Forbes: Việt Nam có thể trở thành ‘con hổ kinh tế’ của châu Á

Lê Anh - 16/01/2018 12:19 (GMT+7)

(VNF) - Tốc độ biến đổi ở châu Á là một điều thần kỳ và Việt Nam đang ngày càng kiểm soát được tốc độ đó, Salvatore Babones, giáo sư xã hội học thuộc Đại học Sydney, nhận định trên Forbes.

VNF
Ông Salvatore Babones nhận định Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành con hổ thứ năm của châu Á.

Tháng 4/2016, ông Lê Minh Hưng được bổ nhiệm vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở tuổi 46, trở thành Thống đốc trẻ nhất ngành từ trước đến nay.

Ông Lê Minh Hưng từng học ngành tài chính tiền tệ, tham dự khóa học về kinh tế thị trường và phân tích tài chính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và học thạc sỹ về kinh tế tại trường Đại học Tổng hợp Saitama, Nhật Bản. Thời kỳ giữ chức vụ Phó Thống đốc NHNN, ông Hưng được giao phụ trách lĩnh vực ngoại hối và hợp tác quốc tế.

Ngồi vào ghế Thống đốc khi dự trữ ngoại tệ ở mức 40 tỷ USD, gần hai năm sau ông Hưng đã xây dựng cho NHNN kho dự trữ ngoại tệ lên tới 54,5 tỷ USD (tính đến ngày 12/1/2018).

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng.

Tăng cường dự trữ ngoại hối là hướng đi đúng cho một nền kinh tế định hướng xuất khấu như Việt Nam. Nhật Bản và 4 con hổ châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Singapore) đã theo đuổi chiến lược tương tự trong các giai đoạn tăng trưởng vượt trội của họ. Và sau đó có thêm Trung Quốc.

Trung Quốc đã để thả nổi tiền tệ trong 15 năm đầu kỷ nguyên cải cách, khi mà tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nhưng cũng nhiều biến động.

Đầu năm 1994, Trung Quốc chính thức công bố điều chỉnh mạnh tỷ giá Nhân dân tệ (NDT) từ 5,8 NDT/USD xuống 8,7 NDT/USD, tỷ lệ điều chỉnh (thực chất là phá giá NDT) lên tới 50%.

Để chính sách điều chỉnh tỷ giá giữ được ổn định, không bị giới đầu cơ thao túng, Trung Quốc đã thực hiện chính sách thắt chặt quản lý ngoại hối, nhằm mục đích tập trung ngoại tệ về Nhà nước, đảm bảo cung cầu ngoại tệ thông suốt.

Việc phá giá đồng NDT với quy mô 50% dẫn tới kết quả tức thì khi cán cân thương mại từ chỗ thâm hụt 12,2 tỷ USD năm 1993 chuyển thành cán cân thặng dư 5,4 tỷ USD năm 1994. Kể từ đó cho đến khi Trung Quốc gia nhập WTO (2001), xu hướng này luôn được giữ vững với mức thặng dư thương mại cao ổn định.

Trong vòng 20 năm sau, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã để cho đồng nội tệ tăng giá một cách từ từ và đều đặn, cũng là khoảng thời gian dự trữ ngoại hối của nước này đạt 4.000 tỷ USD trong quý I/2014, mức cao nhất từ trước đến nay trên thế giới.

Ông Salvatore Babones cũng cho rằng một đồng tiền ổn định và luôn được định giá thấp còn có một tác dụng khác khi nó đóng vai trò như một thuế thu nhập lũy tiến có lợi cho người nghèo. Hiện tượng này đánh vào người giàu, những người vốn dành nhiều tiền cho việc mua hàng hóa nhập khẩu, trong khi người nghèo được lợi do họ thường chỉ mua các sản phẩm sản xuất trong nước như thực phẩm.

Trong năm 2017, NHNN Việt Nam tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm; trong điều kiện nguồn cung ngoại tệ dồi dào, điều chỉnh linh hoạt tỷ giá mua ngoại tệ phù hợp với diễn biến thị trường để mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước. Đồng thời, thực hiện linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) để duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD ở mức hợp lý, điều hành thanh khoản tiền đồng để vừa hỗ trợ ổn định tỷ giá khi cần thiết, vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất trên thị trường.

Tuy nhiên, ngân hàng ANZ khuyến nghị NHNN nên tăng dự trữ ngoại hối và tăng số tháng nhập khẩu cho nền kinh tế. Cụ thể, theo công bố của NHNN, dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến tháng 10/2017 đạt con số kỷ lục 46 tỷ USD. Nhưng nhìn vào số tháng nhập khẩu chỉ là 2,7 tháng.

Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị dự trữ ngoại hối quy đổi sang số tháng nhập khẩu phải duy trì tối thiểu 2 - 3 tháng, tức Việt Nam mới chỉ ở mức tối thiểu. Trong khi đó, so sánh dự trữ ngoại hối với các quốc gia trong khu vực, như Philippines là 80 tỷ USD, tương đương với 10 tháng nhập khẩu.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến ngày 11/2 đạt 54,5 tỷ USD.

Theo đánh giá mới đây của Bloomberg, đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất châu Á. Thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) mua ròng ngoại tệ từ tổ chức, cá nhân với khối lượng lớn, từ đó có điều kiện bán lại cho NHNN để bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Trong khi dòng vốn nước ngoài rút ra khỏi các nước Indonesia, Malaysia, Thái Lan sụt giảm khá mạnh thì Việt Nam lại không phải chịu hiện tượng rút vốn ồ ạt của nước ngoài.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Qua hết 9 tháng đầu năm 2017, riêng đầu tư vào mua cổ phần và cổ phiếu đã lên tới 4,2 tỷ USD, cao gấp 3 lần năm 2016. Đây cũng là nhờ vào chính sách tỷ giá hối đoái của Việt Nam rất ổn định.

Sự ổn định tỷ giá sẽ chiếm được lòng tin của các nhà đầu tư, họ sẽ cảm thấy yên tâm khi hoạt động lâu dài tại Việt Nam. Đồng thời điều này cũng thuyết phục được các nhà đầu tư địa phương giữ tiền trong nước thay vì gửi ra nước ngoài.

Nếu Thống đốc Lê Minh Hưng và Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục theo đuổi chính sách duy trì tiền VND được định giá thấp nhưng tăng giá từ từ trong vòng 20 hay 30 năm nữa, Việt Nam có thể bắt lấy cơ hội trở thành con hổ thứ 5 của châu Á, ông Salvatore Babones khẳng định.

>> TTCK 2018: Kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế và cổ phần hóa, thoái vốn DNNN

Theo Forbes
Cùng chuyên mục
Tin khác