Tài chính quốc tế

'Gã khổng lồ' tài chính Nhật Bản muốn hỗ trợ phát hành stablecoin toàn cầu

(VNF) - Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản Mitsubishi UFJ (MUFG) đang đàm phán với các công ty đứng sau các loại tiền ổn định (stablecoin) phổ biến toàn cầu cũng như các công ty khác về việc phát hành các mã stablecoin thông qua nền tảng chuỗi khối của ngân hàng này.

'Gã khổng lồ' tài chính Nhật Bản muốn hỗ trợ phát hành stablecoin toàn cầu

MUFG tiến tới phát hành stablecoin.

Theo luật quản lý stablecoin của Nhật Bản, bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/6 vừa qua, chỉ các ngân hàng được cấp phép, các đại lý chuyển tiền đã đăng ký và các công ty ủy thác mới có thể phát hành stablecoin.

Dựa trên luật này, tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ (MUFG) đang thảo luận với nhiều bên về việc sử dụng nền tảng blockchain của mình, còn được gọi là Progmat, để đúc các loại stablecoin gắn với ngoại tệ, bao gồm cả USD, để sử dụng trên toàn cầu, Phó Chủ tịch Sản phẩm của ngân hàng Tatsuya Saito cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

MUFG dự tính sử dụng Progmat để phát hành mã stablecoin bảo mật cho bên thứ ba và hiện tại không có kế hoạch tự phát hành stablecoin của riêng mình, ông Saito nói. Ông nói thêm rằng ngân hàng đang thảo luận về các dự án stablecoin với các công ty giải trí, các doanh nghiệp phi tài chính khác và một nhóm các tổ chức tài chính Nhật Bản. 

Ông Saito cho biết: “Các tổ chức phát hành và người dùng có thể cảm thấy an toàn khi sử dụng stablecoin”. Mặc dù vậy, ông Saito từ chối tiết lộ các đơn vị stablecoin mà MUFG đang thảo luận cùng.

Stablecoin là một phần quan trọng của lĩnh vực tiền điện tử, được gắn liền với các tài sản hoặc tiền mặt cố định, ví dụ như USD. Như cái tên của mình ("stable" trong tiếng Anh có nghĩa là ổn định), stablecoin được coi là loại tài sản hướng tới sự ổn định, tránh được biến động bất ngờ như những loại tiền điện tử bình thường khác. Theo dữ liệu của CoinGecko, khoảng 130 tỷ USD stablecoin đang được lưu hành.

Mặc dù gắn liền với sự ổn định, nhưng stablecoin cũng từng khiến thị trường "chao đảo" vì mất giá. Điển hình là tháng 5/2022, khi mã TerraUSD gắn với tiền ảo Luna sụp đổ, xóa sổ ít nhất 40 tỷ USD trên thị trường và khiến cho Do Kwon - "cha đẻ" Luna bị Interpol truy nã.

Do đó, các cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát các stablecoin. Tại Nhật Bản, luật pháp nước này khuyến khích các mã stablecoin được gắn liền với một loại tiền tệ ổn định. 

Đồng stablecoin hàng đầu trên thị trường hiện nay là Tether, chiếm hơn 60% giá trị thị trường của ngành, theo sau là đồng xu USD của Circle Internet Financial. Để có thể phát hành stablecoin của mình tại Nhật Bản, các tổ chức quốc tế sẽ cần tuân thủ luật pháp của Nhật Bản.

Chương trình nghị sự của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm phục hồi nền kinh tế Nhật Bản theo tiêu chí “Chủ nghĩa tư bản mới” bao gồm hỗ trợ cho sự phát triển của các công ty Web3. 

Thuật ngữ “Web3” đề cập đến tầm nhìn về một mạng internet phi tập trung được xây dựng xung quanh các chuỗi khối, công nghệ cơ bản của tiền điện tử.

Nhật Bản cũng đã tiến tới nới lỏng một số quy tắc về tiền điện tử, chẳng hạn như niêm yết mã tiền ảo và đánh thuế, nhưng nhìn chung vẫn được coi là có các quy định nghiêm ngặt.  

Xem thêm >> Đằng sau tiền ảo là nhu cầu minh bạch

Tin mới lên