Gần nửa thế kỷ trên thương trường của ông Đặng Văn Thành
(VNF) - Với hơn 45 năm trên thương trường, doanh nhân Đặng Văn Thành đã khẳng định dấu ấn đậm nét và vai trò nổi bật tại các “đế chế” hàng đầu đất nước như: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Tập đoàn TTC.
Dấu ấn nhà sáng lập Sacombank
Ông Đặng Văn Thành sinh năm 1960, được biết đến rộng rãi là người có công lớn trong việc đưa Sacombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần uy tín tại Việt Nam. Từ vai trò chủ nhiệm Hợp tác xã tín dụng Thành Công năm 1989, ông Thành tham gia sáng lập Sacombank vào năm 1991. Giai đoạn tiếp theo, từ năm 1993 đến năm 1994, ông là ủy viên HĐQT Sacombank. Từ năm 1994 đến năm 2012, ông được bầu giữ chức chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Có thể nói, doanh nhân Đặng Văn Thành đã in đậm dấu ấn của mình trong hành trình phát triển của Sacombank. Nổi bật là năm 2006, sau 12 năm nắm quyền lãnh đạo tối cao, ông đã giúp Sacombank nâng vốn điều lệ lên 2.089 tỷ đồng, đồng thời lên sàn chứng khoán, trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên niêm yết tại HoSE. Ngoài ra, Sacombank cũng là ngân hàng đầu tiên lập công ty quản lý quỹ và công ty cho thuê tài chính.
Năm 2012 ông Đặng Văn Thành thôi chức chủ tịch HĐQT Sacombank. Khi ông chuyển giao, Sacombank đã có 417 chi nhánh ở Việt Nam, Lào, Campuchia và 9 công ty con, vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hàng năm 4.000 tỷ đồng, là một trong những ngân hàng tư nhân tốt nhất Việt Nam.
Nâng tầm Tập đoàn TTC
Rời Sacombank, ông Đặng Văn Thành về tập trung phát triển TTC. Từ một cơ sở sản xuất cồn CO2 với vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên, TTC đã phát triển thành một tập đoàn quy mô lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, năng lượng, bất động sản đô thị, bất động sản công nghiệp, du lịch, giáo dục với quy mô 120 đơn vị trực thuộc tại nhiều tỉnh thành trong nước cũng như hiện diện tại nước ngoài.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, TTC sở hữu thương hiệu Đường Biên Hòa có lịch sử 55 năm, dẫn đầu ngành mía đường Việt Nam với 46% thị phần nội địa, trên 50 thị trường xuất khẩu quốc tế, hơn 71.000ha diện tích vùng nguyên liệu tại 4 nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Úc. Theo định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành nông nghiệp của TTC đặt mục tiêu doanh thu 60.000 tỷ đồng vào năm 2030 và tăng cường sự hiện diện tại thị trường F&B toàn cầu đầy tiềm năng.
Trong khi đó, ngành năng lượng của TTC luôn là điểm đến của dòng vốn xanh từ các định chế tài chính và đích đến của các nhà đầu tư như: JERA, DEG, Symbiotics Investments… Mục tiêu của TTC trong lĩnh vực này là tăng danh mục dự án với công suất phát triển lên hơn 1.700 MW giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Với bất động sản dân dụng, TTC sở hữu bề dày 20 năm hoạt động. Những dòng sản phẩm của tập đoàn gồm: Charmington, Jamona, Carillon, TTC Plaza đã góp phần gia tăng nguồn cung cũng như sự lựa chọn cho khách hàng, nhà đầu tư.
Đối với ngành bất động sản công nghiệp, TTC hiện sở hữu nhiều khu, cụm công nghiệp và hệ thống kho bãi, nhà xưởng rộng khắp tại các khu vực có vị trí đắc địa, cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Còn trong mảng du lịch, TTC hoạt động trong 4 lĩnh vực khép kín gồm: lưu trú, trung tâm hội nghị - nhà hàng, vui chơi giải trí, lữ hành; sở hữu gần 20 điểm đến tại các tỉnh, thành du lịch trọng điểm cả nước, như: Huế, Hội An, Nha Trang, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phan Thiết, Đà Lạt, TP. HCM, Bến Tre, Cần Thơ và Siem Reap (Campuchia) với hơn 1.500 phòng cùng chuỗi tiện ích đa dạng, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng và giải trí cho du khách.
Đối với giáo dục, đây là một trong các lĩnh vực trọng tâm của Tập đoàn TTC trong quá trình phát triển bền vững. Mục tiêu của doanh nhân Đặng Văn Thành không chỉ đơn thuần là đầu tư mà hướng đến việc tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương, đồng thời qua đó góp phần đáp ứng nhân lực cho chính Tập đoàn TTC trong chiến lược phát triển dài hạn. Bên cạnh Trường Đại học Yersin Đà Lạt, Trường THPT Yersin Đà Lạt, Viện Nghiên cứu và Đào tạo Quốc tế TTC (Viện IRT), trong tương lai TTC sẽ mở rộng hệ thống trường học tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Trên hành trình phát triển tiếp theo, mặc dù đứng trước nhiều thách thức mang tính khách quan, nhưng theo ông Thành, TTC vẫn luôn kiên định với danh mục đầu tư là những ngành cốt lõi của nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt, Tập đoàn ưu tiên chú trọng phát triển quy mô và danh mục theo hướng bền vững, phù hợp với với xu hướng chung của toàn cầu, tập trung vào các giá trị cốt lõi của một “trái đất xanh”, xuất phát từ những “nội tại xanh”. Trách nhiệm vận hành tập đoàn đa dạng lĩnh vực hoạt động, phát triển bền vững trên một hệ giá trị chung “quản trị minh bạch - kiểm soát trách nhiệm - điều hành chuyên nghiệp” đã phản ánh năng lực quản trị của vị doanh nhân này.
M&A là con đường nhanh nhất để mở rộng quy mô
Một trong những điểm nhấn trong hành trình kinh doanh của ông Đặng Văn Thành là nghệ thuật mua bán – sáp nhập (M&A). Còn nhớ cách đây khoảng 20 năm, khi có người đặt câu hỏi, với nền kinh tế thị trường, xu hướng mua bán - sáp nhập sẽ thế nào, ông Thành đã khẳng định đó là quy luật tất yếu. Theo ông, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), nếu cảm thấy chưa thực sự tự tin thì nên tìm một đơn vị khác cùng quy mô hoặc lớn hơn để hợp nhất, có như vậy mới có thể cùng nhau tồn tại. Ngược lại, ở góc độ người mua, nếu có điều kiện thì M&A chính là cơ hội để phát triển.
TTC được biết đến là doanh nghiệp Việt Nam chuyên thực hiện M&A để mở rộng phạm vi hoạt động và/hoặc tổ chức lại cấu trúc tập đoàn. Chẳng hạn như năm 2017, Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa và Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh đã hợp nhất với nhau thành Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS), qua đó hoàn thiện mô hình tổng công ty, giúp TTC quản lý tập trung tất cả các đơn vị kinh doanh ngành đường.
Không chỉ thực hiện thành công các thương vụ M&A, TTC còn tỏ ra có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề hậu kỳ M&A, nhất là về chính sách và quy trình tiếp nhận.
Theo chia sẻ của ông Đặng Văn Thành, với nền tảng đang có, chiến lược mở rộng của tập đoàn thời gian tới vẫn sẽ đi theo “con đường tắt” là M&A.
“Điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”
Ở khía cạnh quản trị, ông Đặng Văn Thành có quan niệm đáng chú ý: “Quản trị doanh nghiệp không bao giờ là bí mật phải che giấu”. Ông cho rằng càng có nhiều lãnh đạo doanh nghiệp giỏi thì càng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển và ông mong muốn đóng góp khả năng của mình vào sự phát triển chung ấy. Không ít lần, ông trực tiếp chia sẻ kiến thức cho các doanh nhân, đại diện ngân hàng, đối tác, khách hàng, thành viên của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các nhà khởi nghiệp trẻ, những người quan tâm đến quản trị - kinh doanh, thế hệ sinh viên trẻ… Theo ông, nếu không cạnh tranh thì không bao giờ phát triển, không có thi đua thì không bao giờ tiến bộ và không có hướng dẫn thì không bao giờ làm tốt được.
Đặc biệt, ông cho rằng người quản lý phải biết “điều hành bằng trí óc, dẫn dắt bằng con tim”. Có 5 giá trị cốt lõi mà một doanh nhân, doanh nghiệp phải làm tốt đó là phải tạo giá trị gia tăng cho xã hội, cho khách hàng, cán bộ nhân viên, nhà đầu tư và ngân sách. “Chúng ta có thể ngưỡng mộ nhưng không được tự ti” là câu mà ông thường dùng để động viên các doanh nhân trẻ, đội ngũ cán bộ nhân viên từ thế hệ này qua thế hệ khác. Với vị doanh nhân này, không có việc lớn hay việc nhỏ, chỉ có làm tốt hay không tốt.
Nhìn nhận về giai đoạn hiện nay, ông Đặng Văn Thành cho rằng 2024 vẫn là một năm nhiều thách thức với cộng đồng doanh nhân Việt Nam. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh “trong nguy có cơ”. Nếu nhìn ở góc độ này, các doanh nghiệp sẽ tìm thấy các cơ hội để phát triển, tăng trưởng, nhất là với các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực thiết yếu.
Hiện nay, phát triển và tăng trưởng xanh đang là vấn đề quan trọng được thị trường và mọi người quan tâm. Ông Đặng Văn Thành chia sẻ góc nhìn rộng hơn với “xanh” ở hai góc độ: xanh hữu hình là môi trường xanh, cảnh quan xanh, giảm phát thải ròng, còn xanh vô hình chính là đạo đức và trách nhiệm. Làm sao để đi từ “nội tại xanh” đến tín dụng xanh, tài chính xanh, xã hội xanh và trái đất xanh. “Tất cả đều là do đạo đức và trách nhiệm mà ra, muốn thay đổi tích cực, thì phải xuất phát từ nội tại của chính mình, sau đó mới đến bề ngoài’, ông cho hay.
Đặc san Toàn cảnh kinh tế tư nhân 2024 có độ dày 300 trang, in khổ 21x28cm trên giấy couche 4 màu. Giá bán: 198.000 đồng/cuốn. Liên hệ đặt mua: Chị Thu Trang, điện thoại: 0989631133. Email: [email protected].
Doanh nhân tuổi Tý: Ông Đặng Văn Thành, bước đường thăng trầm và duyên nghiệp nhà băng
- Để kinh tế tư nhân thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế 09/10/2024 05:00
- Kinh tế tư nhân Việt Nam: Thách thức và triển vọng trong bối cảnh mới 09/10/2024 12:30
- 'Đất nước có nhiều nhiệm vụ lớn, DN tư nhân có mạnh dạn nhận không?' 21/09/2024 11:00
Toàn cảnh Sân vận động Chi Lăng đang thế chấp ngân hàng vay nghìn tỷ
(VNF) - Đà Nẵng sẽ điều chỉnh sân vận động Chi Lăng từ đất thể thao thành đất thương mại dịch vụ và đấu giá toàn bộ dự án để thi hành án.