Giá thịt lợn neo cao, Dabaco báo lãi năm 2020 tăng gấp 4 lần lên 1.400 tỷ

Việt Anh - 20/01/2021 11:48 (GMT+7)

(VNF) - Doanh thu năm 2020 của đại gia "thịt lợn" chỉ tăng 39%, tuy nhiên lợi nhuận tăng cao gấp hơn 4 lần năm trước.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, với doanh thu thuần tăng 38% so với cùng kỳ, lên mức 2.867 tỷ đồng.

Khấu trừ giá vốn là 2.278 tỷ đồng, công ty lãi gộp 588 tỷ đồng, tăng 20%. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 23,5% xuống 20,5%.

Trong khi chi phí lãi vay giảm 18% còn 62 tỷ đồng, thì chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lên 54% và 23%, lần lượt ở mức 111 tỷ đồng và 101 tỷ đồng.

Chốt quý, Dabaco báo lãi sau thuế 263 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) lại giảm từ 2.946 đồng xuống còn 2.515 đồng.

Lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Dabaco tăng 39% lên mức 10.021 tỷ đồng, theo đó công ty báo lãi sau thuế 1.400 tỷ đồng, tăng hơn 4 lần so với năm trước. Nhờ kết quả kinh doanh tích cực, EPS tăng mạnh từ 3.482 đồng lên 13.370 đồng, gấp 4 lần.

Với kế hoạch kinh doanh đặt ra trước đó, công ty đã vượt 206% mục tiêu lợi nhuận năm.

Phía Dabaco cho biết, năm vừa qua mảng chăn nuôi lợn đóng góp nhiều nhất vào doanh thu của toàn tập đoàn. Kết quả này một phần nhờ các trại nuôi mới được đưa vào hoạt động đúng thời điểm giá lợn hồi phục và duy trì mức cao.

Thêm vào đó, sự tăng trưởng đột biến trong quý II/2020 đến từ đà phục hồi của ngành chăn nuôi nói chung. Nền so sánh cùng kỳ năm ngoái cũng thấp do chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Mặt khác, một số dự án của Dabaco đã và đang đi vào hoạt động có hiệu quả khác như nhà máy dầu thực vật Dabaco, nhà máy chế biến trứng ăn liền DeVi, khu chăn nuôi lợn công nghệ cao Dabaco Tuyên Quang...

Năm 2021, công ty đưa ra mục tiêu doanh thu thuần là 15.439 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế gần 830 tỷ đồng, bằng 60% thực hiện năm vừa qua.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Dabaco tăng 5,3% so với đầu kỳ, lên mức 10.101 tỷ đồng. Trong đó hàng tồn kho chiếm 33%, tương đương 3.345 tỷ đồng; tiền nhàn rỗi là 244 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn là 525 tỷ đồng...

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả giảm 10% xuống còn 5.894 tỷ đồng; trong đó nợ vay ngắn và dài hạn chiếm 3400 tỷ đồng, tương đương 58%. Vốn chủ sở hữu ở mức 4.206 tỷ đồng, tăng gần 40% nhờ khoản lợi nhuận tăng đột biến trong năm.

Cùng chuyên mục
Tin khác