Thế giới tuần qua

Giá vàng lập đỉnh mới, Tesla hưởng lợi lớn sau báo cáo tài chính

Linh Anh - 27/10/2024 12:34 (GMT+7)

(VNF) - Tuần vừa qua, vụ việc hamburger của McDonald's nhiễm khuẩn E. Coli đã gây xôn xao dư luận khi số ca liên quan đã lên tới 75 người. Trong khi đó, Tesla lại có một tuần khá tốt đẹp khi cổ phiếu công ty đạt mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm sau báo cáo tài chính.

Hambuger của McDonald's nhiễm khuẩn E. Coli

Một đợt bùng phát E. coli nghiêm trọng, liên quan đến món bánh Quarter Pounder của McDonald's, đã lan rộng khiến ít nhất 75 người mắc bệnh tại 13 bang của Mỹ, tính tới sáng 27/10.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong số những người mắc bệnh, 22 người phải nhập viện, 2 người đang đối mặt với biến chứng nguy hiểm về thận và một trường hợp tử vong tại Colorado.

Hiện các quan chức y tế vẫn đang tích cực điều tra nguồn gốc chính xác của vụ bùng phát này. Dữ liệu ban đầu chỉ ra rằng có khả năng vi khuẩn lây lan từ hành tây thái mỏng chưa qua chế biến được sử dụng trong món Quarter Pounder.

Số hành này được cung cấp bởi Taylor Farms, một công ty sản xuất nông sản tại California. Ngay sau khi phát hiện nguy cơ, McDonald's đã ngừng sử dụng hành từ cơ sở này, trong khi Taylor Farms chủ động thu hồi toàn bộ hành tây vàng đã phân phối.

Để đề phòng, McDonald's đã quyết định tạm ngưng phục vụ món Quarter Pounder tại một số bang thuộc khu vực Trung Tây và miền núi phía Tây. Ngày 25/10, McDonald's cho biết số hành từ cơ sở tại Colorado đã được vận chuyển đến khoảng 900 nhà hàng và các trung tâm lớn, bao gồm một số sân bay chính.

Vài người đã đệ đơn kiện McDonald's vì sự cố này. Các vụ kiện yêu cầu McDonald's phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của khách hàng khi sử dụng thực phẩm từ nguồn cung cấp không đảm bảo.

Đợt bùng phát E. coli lần này không chỉ ảnh hưởng đến McDonald's mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc và chất lượng thực phẩm trong các chuỗi nhà hàng.

Vụ bùng phát lần này liên quan đến chủng E. coli O157, một loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn nghiêm trọng với các triệu chứng như sốt, nôn mửa, tiêu chảy và mất nước.

Nhiễm trùng có thể phát triển nhanh chỉ trong một hoặc hai ngày sau khi ăn thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Đặc biệt, trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu dễ bị ảnh hưởng nặng hơn.

Cổ phiếu Tesla tăng mạnh nhất trong vòng 11 năm

Tối 24/10, công ty xe điện Tesla của tỷ phú Elon Musk đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý mới nhất vượt qua ước tính của Phố Wall, nhờ biên lợi nhuận tăng vọt trở lại mức 17,1%, vượt xa ước tính của Phố Wall là 15,1% và hiện có vẻ đang trên đà quay trở lại mức 20% trong nửa cuối năm 2025.

Tesla báo cáo doanh thu là 25,18 tỷ USD, chỉ thấp hơn một chút so với kỳ vọng của các nhà phân tích là 25,37 tỷ USD, nhưng tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Tesla báo cáo thu nhập trên mỗi cổ phiếu đã điều chỉnh là 72 xu, vượt qua ước tính trung bình của các nhà phân tích là 58 xu.

Bên cạnh đó, điểm nhấn của báo cáo là mức tăng trưởng giao hàng của Tesla trong năm 2025 dự kiến đạt 20-30%, vượt xa "con số đồn đoán của Phố Wall là 10-12%.

Sau BCTC đáng chú ý, cổ phiếu Tesla đã tăng gần 22% trong phiên 24/10, đạt mức tăng mạnh nhất trong vòng 11 năm (kể từ tháng 5/1013) và là mức tăng trưởng tốt thứ hai kể từ khi công ty IPO vào năm 2010.

Mức tăng này cũng giúp giá trị thị trường của Tesla tăng gần 154,1 tỷ USD chỉ trong 1 đêm và giúp khối tài sản của tỷ phú Musk tăng 33,5 tỷ USD lên 270,3 tỷ USD, củng cố vị trí người giàu nhất thế giới.

Không dừng lại ở đó, cổ phiếu Tesla tiếp tục tăng 3,4% vào phiên 25/10 lên 269,23 USD, đạt mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 9/2023.

Với hai ngày tăng giá, cổ phiếu này đã xóa bỏ mức lỗ trong năm và hiện tăng 8,4% trong năm 2024.

Giá vàng tiếp tục "lên tầm cao mới"

Giá vàng tiếp tục đạt mức cao kỷ lục khác trong tuần này, lên mức 2.758,33 USD/ounce, khi cuộc bầu cử Mỹ đang đến gần và xung đột ở Trung Đông đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn.

Theo đó, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tiến rất gần và những lo ngại đang diễn ra rằng xung đột ở Trung Đông có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh rộng hơn đã thúc đẩy các nhà giao dịch đổ xô vào thị trường vàng.

Trước đó, hoạt động mua vào mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương và kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ cũng đã hỗ trợ giá vàng tăng vọt trong năm nay.

Ngân hàng ING cho biết: “Vàng là một trong những mặt hàng có diễn biến tốt nhất trong năm nay, tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay, nhờ kỳ vọng cắt giảm lãi suất, lực mua mạnh của ngân hàng trung ương và nhu cầu mạnh mẽ ở châu Á. Rủi ro địa chính trị gia tăng và sự không chắc chắn trước cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 cũng đã hỗ trợ mức tăng kỷ lục của vàng”.

Các nhà quản lý quỹ đã tăng vị thế mua ròng vàng, trong khi các nhà đầu tư cũng bổ sung thêm lượng nắm giữ vào các quỹ giao dịch trao đổi vàng. Các nhà phân tích của Citigroup đã nâng dự báo giá vàng trong ba tháng lên 3,7% lên 2.800 USD/ounce, dự đoán thị trường lao động tại Mỹ sẽ tiếp tục suy thoái để thúc đẩy nhu cầu.

Và mặc dù kết quả cuộc bầu cử Mỹ vẫn chưa được ấn định, Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo, cho biết vàng và bạc đang ngày càng trở thành vật "đặt cược" vào chiến thắng trong cuộc bầu cử của Đảng Cộng hòa.

IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu ​​ở mức 3,2% trong năm nay

Trong báo cáo dự báo tăng trưởng mới nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu là 3,2% vào năm 2024, không thay đổi so với dự báo tháng 7 và 3,2% vào năm 2025, giảm so với dự báo 3,3% được đưa ra vào tháng 7. Quỹ cho biết mức tăng trưởng này ”ổn định nhưng không mấy ấn tượng”.

Cơ quan này cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu phải đối mặt với rủi ro suy giảm và hạ triển vọng cho năm 2025.

Mỹ được dự báo sẽ chứng kiến ​​tăng trưởng nhanh hơn và khả năng mở rộng mạnh mẽ cũng có thể xảy ra ở các nền kinh tế mới nổi của châu Á do các khoản đầu tư mạnh mẽ liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Cụ thể, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2024 là 2,8%, cao hơn mức 2,6% của tháng 7; tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2025 là 2,2%, cao hơn mức 1,9% của tháng 7.

Nhưng IMF đã hạ triển vọng đối với các nền kinh tế tiên tiến khác — đáng chú ý là các quốc gia lớn nhất châu Âu — cũng như một số thị trường mới nổi, do các cuộc xung đột toàn cầu gia tăng và rủi ro tiếp theo đối với giá hàng hóa.

IMF cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản năm 2024 xuống 0,3%, giảm so với mức dự báo 0,7% hồi tháng 7. Sau khi Ngân hàng Nhật Bản dự kiến ​​sẽ tăng dần lãi suất trong trung hạn, lên khoảng 1,5% tiêu dùng; được thúc đẩy bởi mức lương thực tế tăng, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng 1,1% vào năm 2025.

IMF cũng cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống 3,1% trong 5 năm tới, thấp hơn xu hướng trước đại dịch.

Báo cáo của IMF cũng đưa ra dự đoán lạm phát toàn cầu sẽ giảm xuống còn 3,5% hàng năm vào cuối năm 2025, từ mức trung bình 5,8% vào năm 2024.

IMF tuyên bố rằng “Cuộc chiến toàn cầu chống lạm phát gần như đã thắng lợi”, ngay cả khi báo cáo này kêu gọi “chính sách xoay trục ba chiều” để giải quyết lãi suất, chi tiêu của chính phủ, cải cách và đầu tư nhằm thúc đẩy năng suất.

Warren Buffett bày tỏ quan điểm về cuộc bầu cử Mỹ

Tỷ phú Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Berkshire Hathaway, gần đây đã đưa ra tuyên bố hiếm hoi rằng ông sẽ không ủng hộ bất kỳ ứng cử viên chính trị nào.

Berkshire Hathaway cho biết trong một tuyên bố trên trang web của mình: “Với việc sử dụng mạng xã hội ngày càng tăng, những tuyên bố sai lệch về sự chứng thực của ông Buffett đối với các sản phẩm đầu tư và sự ủng hộ của ông dành cho các ứng cử viên chính trị tiếp tục xuất hiện”.

Tuyên bố nhấn mạnh: “Ông Buffett không và trong tương lai sẽ không xác nhận các sản phẩm đầu tư hoặc ủng hộ các ứng cử viên chính trị”.

"Nhà tiên tri xứ Omaha" giải thích với giới truyền thông: "Tôi lo lắng về việc ai đó mạo danh tôi, đó là lý do tại sao chúng tôi đăng tuyên bố này trên trang web của công ty. Không ai nên tin bất cứ ai nói rằng tôi nói với họ cách đầu tư hoặc cách bỏ phiếu".

Warren Buffett, 94 tuổi, là đảng viên Đảng Dân chủ và là người ủng hộ các ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ như ông Obama và bà Hillary Clinton. Nhưng cho đến nay, ông vẫn chưa công khai tuyên bố ủng hộ ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử Mỹ này.

Trong cuộc phỏng vấn, Buffett từ chối cho biết lý do tại sao ông quyết định không ủng hộ các ứng cử viên chính trị.

Hành động của nhà đầu tư tỷ phú này trái ngược với điều một số tỷ phú giàu nhất thế giới gần đây đang làm.

Trong khi tỷ phú Elon Musk công khai trở thành người ủng hộ ứng viên Donald Trump, một số phương tiện truyền thông gần đây cũng đưa tin tỷ phú Bill Gates đã quyên góp riêng khoảng 50 triệu USD cho một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ ứng viên Kamala Harris sau nhiều năm đứng ngoài chính trường.

Bầu cử Tổng thống:  Kinh tế Mỹ trước hai ngã rẽ

Bầu cử Tổng thống: Kinh tế Mỹ trước hai ngã rẽ

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ không chỉ tác động đến chính trị mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế. Kết quả bầu cử có thể thay đổi các chính sách về thuế, thương mại và đầu tư, từ đó tác động trực tiếp đến thị trường tài chính, việc làm và tốc độ tăng trưởng kinh tế của không chỉ nước Mỹ mà trên toàn thế giới.
Cùng chuyên mục
Tin khác