Giá vật liệu xây dựng 'lên đồng', HBC tăng doanh thu nhưng giảm lợi nhuận
Vân Oanh -
27/07/2022 14:31 (GMT+7)
(VNF) - Mặc dù HBC chưa có giải trình chính thức về sự suy giảm của lợi nhuận trong quý II, nhưng thực tế thời gian qua, ngành xây dựng nói chung vẫn tiếp tục gặp áp lực trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng (thép và xi măng) tăng cao, khiến biên lợi nhuận gộp ngày một "co hẹp".
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với các chỉ tiêu kinh doanh tương phản. Theo đó, doanh thu thuần của HBC đạt 4.080 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận gộp chỉ đạt 134 tỷ đồng, thấp hơn 31% so với quý cũ trong tình trạng chi phí giá vốn có mức tăng cao hơn doanh thu thuần. Tương ứng, biên lãi gộp giảm từ 6,1% xuống còn 3,3%.
Doanh thu tài chính của HBC trong quý đạt 183 tỷ đồng, tăng mạnh 2,8 lần so với cùng kỳ; chi phí tài chính cũng tăng lên 142 tỷ đồng, tức 78% so với quý II/2021. Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 26% lên 130 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của HBC giảm 14% so với cùng kỳ xuống 50 tỷ đồng. Mặc dù HBC chưa có giải trình chính thức về sự suy giảm của lợi nhuận trong quý II, nhưng thực tế thời gian qua, ngành xây dựng nói chung vẫn tiếp tục gặp áp lực trong bối cảnh giá vật liệu xây dựng (thép và xi măng) tăng cao, khiến biên lợi nhuận gộp ngày một "co hẹp".
Chưa kể, sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp hiện hữu và doanh nghiệp mới trong lĩnh vực xây dựng của Việt Nam, cũng như tiến độ xây dựng bị trì hoãn là yếu tố kéo lùi tăng trưởng của nhiều "trùm" xây dựng khác như HBC.
Tiến độ giải ngân đầu tư công cũng chưa đạt kỳ vọng của Chính phủ, chỉ ở mức thông thường so với các năm trước. Thị trường bất động sản nhà ở thì trầm lắng trong suốt thời gian dài, cộng với nguồn cung sơ cấp hạn chế khiến thị trường xây dựng càng trở nên khó khăn...
Nhưng đó chỉ là các ảnh hưởng ngắn hạn. Về dài hạn, ngành xây dựng vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Như báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) đã chỉ rõ, nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng và bất động sản dân cư tại Việt Nam là rất lớn. Khi tiến độ đầu tư công đạt kế hoạch và các nút thắt của thị trường bất động sản được tháo gỡ, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xây dựng sẽ được rộng mở.
Trở lại với HBC, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận 7.063 tỷ đồng doanh thu thuần và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với cùng giai đoạn 2021.
Trong năm 2022, HBC đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu 17.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 17,4% kế hoạch lợi nhuận năm.
Hết quý II, tổng tài sản của HBC tăng 10% so với đầu năm lên 18.255 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn chiếm tỷ trọng khá lớn với 12.965 tỷ đồng, tăng 12,5% và tương ứng 71% tài sản.
Tổng nợ vay của HBC tăng 28% sau 6 tháng lên 6.535 tỷ đồng, chiếm 36% nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu giảm nhẹ về 3.823 tỷ đồng, trong đó 872 tỷ đồng là lợi nhuận chưa phân phối.
Trên thị trường, sau chuỗi giảm sâu liên tiếp diễn ra từ đầu tháng 6, Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải đã đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu giai đoạn 23/6 đến 22/7 nhằm đầu tư và cũng để bình ổn giá. Tuy nhiên, kết thúc thời gian nói trên, ông Hải chỉ mua được 3,3 cổ phiếu, tương đương 33,7% lượng đăng ký với lý do diễn biến thị trường chưa thuận lợi.
Để hoàn tất đợt mua vào cổ phiếu trên, ông Hải vừa tiếp tục đăng ký gom thêm 6,6 triệu cổ phiếu HBC, mục tiêu nâng sở hữu từ 17,21% lên 19,91% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 27/7 đến ngày 25/8.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone