Tài chính

Giám đốc PYN Elite Fund hé lộ lý do rút vốn khỏi MWG, ưu tiên CTG, VEA, VHM

(VNF) - Ông Petri Deryng đưa ra nhiều lý giải đáng chú ý về danh mục cổ phiếu hiện tại của PYN Elite Fund.

Giám đốc PYN Elite Fund hé lộ lý do rút vốn khỏi MWG, ưu tiên CTG, VEA, VHM

Giám đốc PYN Elite Fund hé lộ lý do rút vốn khỏi MWG, ưu tiên CTG, VEA, VHM

Trong báo cáo công bố mới đây, Giám đốc PYN Elite Fund Petri Deryng cho hay danh mục đầu tư của PYN Elite Fund đã được phân bổ lại vào các doanh nghiệp lớn hơn trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong năm 2020, nhằm tận dụng những cơ hội bất ngờ trên thị trường chứng khoán.

Lãnh đạo PYN Elite Fund cho biết quỹ đã bán lượng lớn cổ phiếu nắm giữ tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) sau khi giá cổ phiếu này tăng mạnh.

Cùng với đó, quỹ cũng thoái vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG).

"Trong khoảng thời gian 6 năm, chúng tôi đã tạo ra lợi nhuận chưa thực hiện lên đến hơn 500% đối với khoản đầu tư vào MWG, đây cũng đồng thời là cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong danh mục đầu tư của chúng tôi với 18%", Giám đốc PYN Elite Fund cho biết.

Người đứng đầu quỹ cho hay MWG đã giao dịch ở 2 mức giá khác nhau trong thời gian dài do giới hạn sở hữu nước ngoài ("room" ngoại) đã kịch trần. Do nhu cầu cao, mức giá mà các nhà đầu tư nước ngoài phải trả cho các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ cổ phiếu MWG cao hơn tới 40-50% thị giá (mức chênh này gọi là "premium"). Đây cũng là lý do PYN Elite Fund bán cổ phiếu MWG để kiếm được khoản chênh lệch lớn.

Phía quỹ cho biết quyết định bán cổ phần tại MWG không phải do thay đổi quan điểm về sự thành công của công ty. Quyết định này được thúc đẩy bởi nguy cơ Việt Nam sẽ có kế hoạch khả thi nhằm khắc phục vấn đề giới hạn sở hữu nước ngoài, điều đó có thể làm giảm đi mức premium mà các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng trả.

Danh mục đầu tư mới nhất của PYN Elite Fund

Lý giải về khoản đầu tư lớn nhất của PYN Elite Fund vào CTG, ông Petri Deryng đặt kỳ vọng lớn vào thỏa thuận phân phối độc quyền bảo hiểm nhân thọ giữa Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và Tập đoàn Manulife, với mức phí trả trước dự kiến 400 triệu USD.

Người đứng đầu quỹ cũng đặt niềm tin vào ngành ngân hàng Việt Nam với tăng trưởng thu nhập giai đoạn 2020 - 2023 có thể đạt 18%/năm, với động lực đến từ mảng cho vay và phí dịch vụ.

Liên quan đến khoản đầu tư vào Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: VEA), ông Petri Deryng cho biết VEA là công ty mẹ sở hữu cổ phần thiểu số đáng kể trong Honda Việt Nam (30%), Toyota Việt Nam (20%) và Ford Việt Nam (25%). Thông qua ba công ty này, VEA đã tham gia tại thị trường xe máy Việt Nam - lớn thứ tư trên thế giới - và thị trường ô tô đang phát triển.

Năm nay, chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ sản xuất một số mẫu ô tô, điều có thể làm ảnh hưởng đến các nhà máy ô tô mà VEA đang gián tiếp sở hữu một phần. Cùng với đó, dịch bệnh cũng khiến nhu cầu trên thị trường xe máy yếu đi.

"Tuy nhiên, cuối mùa thu này, Toyota đã tung ra mẫu xe Toyota Cross, mẫu xe rất hứa hẹn về doanh số bán hàng và chúng tôi cũng kỳ vọng thị trường xe máy sẽ phục hồi trong năm tới. Bảng cân đối kế toán của VEA nổi bật với lượng tiền mặt ròng lớn và tỷ suất cổ tức cao. Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng VEA sẽ mang lại mức tăng trưởng doanh số vượt bậc trong dài hạn nhưng giá cổ phiếu hiện đang
được định giá thấp hơn so với một bảng cân đối kế toán tuyệt vời, khả năng chi trả cổ tức cao và lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh", phía PYN Elite nêu quan điểm đầu tư.

Đối với khoản đầu tư vào Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), quỹ khẳng định cổ phiếu ACV thực sự là một "bluechip" và đã mua vào lượng lớn khi thị trường chứng khoán sụt giảm vào mùa xuân năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

PYN Elite Fund kỳ vọng việc đi lại bằng đường hàng không sẽ trở lại bình thường vào mùa thu năm nay, tuy nhiên điều này đã không xảy ra, dù vậy giá cổ phiếu đã tăng 50% kể từ khi quỹ mua vào.

Các chuyến bay quốc tế vẫn bị ngưng trệ, tuy nhiên các chuyến bay nội địa đang dần phục hồi. Quỹ này tin rằng tiềm năng của ACV được thúc đẩy bởi một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là việc ACV được giao nhiều dự án sân bay mới. Cùng với đó, thu nhập từ nguồn phi hàng không hiện nay của ACV quá thấp và có thể sẽ sớm được cải thiện trong tương lai nhờ xây dựng bổ sung và hiện đại hóa các nhà hàng và không gian bán lẻ, từ đó tăng thu nhập từ cho thuê đi theo cùng sự gia tăng lượng hàng khách.

Đặc biệt, ACV hiện đang giao dịch với mức định giá bằng 1/5 công ty tương tự ở Thái Lan, trong khi lượng hành khách hàng không tại Việt Nam tăng nhanh hơn Thái Lan. Mức định giá được PYN Elite kỳ vọng sẽ cải thiện lên mức bằng 1/2 công ty của Thái Lan.

Với khoản đầu tư vào Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (HoSE: POW), mặc dù hiện tại, sức hấp dẫn của ngành điện vẫn bị hạn chế bởi tăng trưởng phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư lớn, nhưng việc POW xây dựng được vị thế giá thấp, cùng với đó là triển vọng tăng sản lượng điện nhờ sự thuận lợi trong nguồn cung khí đốt, là những thông tin hỗ trợ cổ phiếu POW.

Về việc bổ sung cổ phiếu VHM của công ty Cổ phần Vinhomes vào danh mục đầu tư, Giám đốc PYN Elite Fund Petri Deryng nhấn mạnh Vinhomes là nhà phát triển nhà ở lớn nhất Việt Nam với 22% thị phần. Công ty này có quỹ đất rất lớn, đảm bảo cho các dự án trong tương lai, cùng với đó là tỷ lệ vay nợ vừa phải.

Giá cổ phiếu VHM đã giảm xuống mức vừa phải trong vài năm qua do quy trình cấp phép các dự án mới bị trì trệ, tuy nhiên điều này có thể được cải thiện trong hai năm tới.

Từ khoá: PYN Elite Fund, MWG, CTG, VEA, VHM, ACV, POW,
Tin mới lên