Tài chính

Gỡ nghẽn dòng tiền cho thị trường tài chính

(VNF) - Dù đã có những tín hiệu phục hồi tích cực nhưng dường như những chân kiềng chính của thị trường vốn vẫn chưa bật dậy mạnh mẽ, trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp.

Gỡ nghẽn dòng tiền cho thị trường tài chính

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu, dù đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn chưa thể trở thành kênh dẫn vốn an toàn cho doanh nghiệp. Chính sự teo tóp về thị phần của 2 kênh dẫn vốn quan trọng này đã khiến dòng vốn trung và dài hạn cung ứng cho doanh nghiệp bị ách tắc, các dự án đầu tư bị ngưng trệ, doanh nghiệp lâm nguy và gặp khó trong kế hoạch trả nợ. Nhu cầu vốn lại tập trung về tín dụng ngân hàng như 10 năm trước.

Các kênh dẫn vốn chưa hết “nghẽn”

Kết quả khảo sát vừa được Hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM thực hiện cho thấy bức tranh ảm đạm về tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hầu hết các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đang phải giảm giờ làm để duy trì và giữ chân người lao động. Hầu như các doanh nghiệp đang chủ động tái cấu trúc, tiết kiệm, tinh giảm các nguồn lực, cắt giảm chi tiêu. Khó khăn phổ biến là thiếu hụt dòng tiền. Với các doanh nghiệp dệt may, từ giữa năm 2022 đến nay, thậm chí có xu hướng “bán mình”. Dự báo các tháng sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn chồng chất đối với các doanh nghiệp dệt may.

Tương tự, theo hiệp hội doanh nghiệp TP. HCM, doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác như ngành cơ khí bất động sản, vật liệu xây dựng thực phẩm, xây dựng công nghiệp, mỹ nghệ và chế biến gỗ, du lịch... cũng đối mặt với đầy rẫy khó khăn, trong đó đặc biệt là khó khăn về dòng vốn.

Lý giải về sự thiếu hụt dòng tiền trong nền kinh tế, trao đổi cùng Tạp chí Đầu tư Tài chính, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ, cho rằng nguyên nhân chính khiến dòng tiền tắc nghẽn là do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa hồi phục, quy mô phát hành còn khiêm tốn; trong khi đó, kênh cổ phiếu dù đã bước đầu phục hồi nhưng nhà đầu tư còn thận trọng; bên cạnh đó, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng, các gói hỗ trợ tài khóa giải ngân quá chậm...

Cùng với đó, theo ông Thành, do đặc thù của hệ thống tài chính Việt Nam, sự thiếu hụt dòng tiền thường bắt nguồn từ việc tăng trưởng tín dụng luôn cao hơn tăng trưởng huy động khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất để huy động vào, cho thấy nguồn tín dụng không dồi dào. Song song với đó, nguồn tín dụng đa phần là huy động ngắn hạn nhưng lại cho vay trung và dài hạn đối với lĩnh vực bất động sản, dẫn đến thu hồi vốn chậm và khó cho vay khoản mới.

Ngoài ra, lãi cho vay vẫn còn cao càng làm doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng hơn.

Tìm điểm cân bằng

Ở bình diện chung, đánh giá về quy mô thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV, chỉ rõ thị trường tài chính rất phức tạp, quy mô rất lớn, phát triển nhanh nhưng ngày càng tinh vi.

Đến cuối năm 2020, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), quy mô hệ thống tài chính Việt Nam, bao gồm tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng, vốn hóa thị trường cổ phiếu, dư nợ thị trường trái phiếu và doanh thu phí bảo hiểm tương đương khoảng 300% GDP.

Xét về tốc độ tăng trưởng, trong khoảng 10 năm qua, các kênh chủ lực trong thị trường vốn đều tăng trưởng rõ nét, khi vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 23%/năm, bảo hiểm tăng khá tốt (gần 20%/năm) và dư nợ thị trường trái phiếu tăng khoảng 13%/năm. Đối trọng với thị trường vốn, tổng tài sản của tổ chức tín dụng cũng tăng 12,3%/năm, với tốc độ tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức 14-15% trong 10 năm vừa qua.

Theo ông Lực, vào thời điểm tháng 9/2022, tổng tài sản hệ thống ngân hàng trong cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam vẫn chiếm một tỷ trọng khá lớn, lên tới 67%. “Rõ ràng, thị trường vốn, cả cổ phiếu và trái phiếu đều có vấn đề, dẫn đến thị phần của hệ thống ngân hàng tăng lên rõ rệt, từ mức 60% tăng lên 67%”, ông Lực nêu quan điểm.

Thị trường trái phiếu do bị suy giảm, từ tỷ trọng khoảng 17-18% tổng quy mô của hệ thống tài chính thời gian trước, năm vừa qua chỉ còn khoảng 12,5%; thị trường cổ phiếu sụt giảm từ 24-25% xuống khoảng 22%. Còn doanh thu phí bảo hiểm thông thường chỉ chiếm khoảng 1% quy mô thị trường tài chính Việt Nam.

Để giải được bài toán dòng tiền hiện nay, TS. Võ Trí Thành cho rằng, phải tìm được điểm cân bằng để xử lý hài hoà nhiều nhiệm vụ cùng lúc là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán), giữ an toàn hệ thống tài chính, tạo động lực giúp doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi, phát triển.

“Đó là cái giỏi, cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Tập trung “giải cứu” trái phiếu

Bên cạnh việc phải tìm ra điểm cân bằng, các chuyên gia nhấn mạnh để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, phải gỡ khó cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Về vấn đề này, ông Võ Trí Thành thông tin, hiện nay tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường đã xấp xỉ với giá trị trái phiếu Chính phủ, trước đây khoảng 1,5 triệu tỷ đồng bây giờ còn khoảng 1,3 - 1,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, dẫn đầu về phát hành là ngân hàng thương mại, sau đó là ngành bất động sản chiếm gần 1/3, tiếp đó là năng lượng và lĩnh vực khác.

Đáng nói, bất động sản và nhóm ngành nghề liên quan đang đóng góp khoảng 12% GDP, sự khó khăn của nhóm này tác động lớn đến toàn bộ nền kinh tế. Đặc biệt, cũng theo ông Thành, tuy bối cảnh Việt Nam có nhiều điểm không tương đồng với thế giới nhưng chúng ta rất nên xem xét, tham khảo gói giải cứu thị trường bất động sản mà Trung Quốc vừa công bố.

Theo vị chuyên gia này, gói giải cứu trên có 16 điểm chính nhưng có thể tóm gọn ở ba chủ đề. Một là nới điều kiện cho vay đối với bất động sản, hai là nới tín dụng cấp cho người đi mua nhà ở, ba là tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận hành.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng cần có quỹ bình ổn để “giải cứu” thị trường trái phiếu. Về đề xuất này, TS. Võ Trí Thành cho rằng không phải ý tưởng mới, nó có nét tương đồng với việc trước đây VAMC xử lý nợ xấu ngân hàng.

Tuy nhiên, ông Thành nói rằng, để áp dụng được giải pháp này thì cần phải được Quốc hội cho phép sử dụng tiền ngân sách và khi áp dụng phải có cơ chế để xử lý những vấn đề phát sinh, rút kinh nghiệm Nghị quyết 43 về xử lý nợ xấu, khi chưa tháo gỡ được điểm nghẽn này thì lại phát sinh điểm nghẽn mới.  

Tin mới lên