Góc nhìn chứng khoán: Mua lại tối đa 122 triệu cổ phiếu quỹ có 'cứu' được giá VPB?

Song Tử - 27/04/2020 16:49 (GMT+7)

(VNF) - Cổ phiếu blue-chips nói chung và nhóm cổ phiếu ngân hàng nói riêng hôm nay bị bán ra ồ ạt và giảm giá hàng loạt. Điểm sáng duy nhất là VPB tăng ngược dòng 2,44% nhờ kế hoạch khủng mua tối đa 122 triệu cổ phiếu quỹ.

VNF
VPB (đường màu xanh) đã có giai đoạn tháng 2/2020 đi ngược VN-Index (đường màu đen)

Chỉ số VN30-Index đại diện nhóm blue-chips lớn nhất sàn HSX đóng cửa hôm nay giảm 0,74% và có tới 24 mã giảm giá, chỉ 4 mã tăng giá. Đặc biệt nhóm ngân hàng đồng loạt giảm cực mạnh: VCB giảm 3,05%, CTG giảm 1,82%, BID giảm 2,5%, EIB giảm 1,31%, HDB giảm 0,49%, MBB giảm 2,18%, STB giảm 1,21%, TCB giảm 0,29%.

Thậm chí các cổ phiếu ngân hàng trên khắp 3 sàn cũng đồng loạt giảm, chỉ có VPB tăng 2,44%, KLB tăng 3,88%. KLB tăng giá không đáng chú ý vì cổ phiếu này giao dịch đúng 100 cổ duy nhất. VPB trái lại, tăng khá thuyết phục khi thanh khoản lên tới hơn 8,9 triệu cổ tương đương giá trị 192,76 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản kỷ lục của VPB kể từ tháng 10 năm ngoái.

VPB tăng ngược dòng cả nhóm ngân hàng là do có thông tin lấy ý kiến cổ đông mua lại tối đa 5% lượng lưu hành làm cổ phiếu quỹ, tương đương gần 122 triệu cổ phiếu. Khối lượng mua này là lớn so với thanh khoản bình thường của VPB – bình quân 20 phiên gần nhất của VPB khoảng 4,6 triệu cổ/ngày.

Mục đích mua lượng lớn cổ phiếu quỹ của VPB là “hỗ trợ giao dịch, gia tăng giá trị cổ đông”. Phản ứng với tin này, Ngay khi mở cửa hôm nay VPB đã tăng kịch trần lên mức 21.900 đồng. Tuy nhiên mức giá này vẫn chưa bằng đỉnh cao nhất của VPB cách đây 8 phiên, ở mức 22.600 đồng. VPB bị bán ra rất nhiều và giá suy yếu dần, đến cuối phiên chỉ còn 21.000 đồng, thấp hơn đỉnh trên 4%, nghĩa là những nhà đầu tư nào quá hào hứng đua giá đã lỗ ngay lập tức.

VPBDiễn biến giá VPB trong phiên hôm nay thể hiện phản ứng sớm với thông tin mua cổ phiếu quỹ nhưng sau đó nhà đầu tư đã xả hàng mạnh mẽ.

Việc mua cổ phiếu quỹ khối lượng lớn trên lý thuyết là có khả năng đỡ giá cổ phiếu. Tuy nhiên với VPB còn một yếu tố nữa ít được chú ý, là ngân hàng này cũng xin ý kiến cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 22,77% xuống 15%. 

Nếu VPB giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống 15% tức là chỉ còn tương đương 368,5 triệu cổ phiếu. Như vậy sẽ có hơn 186,7 triệu cổ phiếu phải được bán đi.

Đến đây có thể thấy việc mua vào 122 triệu cổ phiếu quỹ xuất hiện đúng thời điểm và rất có thể là sự chuẩn bị cho đợt bán ra của nhà đầu tư nước ngoài. Thế nhưng khối lượng cần bán của khối ngoại lớn hơn nhiều khả năng mua cổ phiếu quỹ. Trước đó con trai của Tổng giám đốc VPB cũng đã đăng ký mua 12 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 15/4 đến 14/5/2020. Theo số liệu cuối tháng 2/2020 thì VPB chỉ có cổ đông lớn duy nhất là Quỹ đầu tư Composite Capital Master Fund LP sở hữu 125,4 triệu cổ phiếu VPB, tương đương 5,15%.

Hôm nay VPB bị khối ngoại xả ra 3,85 triệu cổ trong khi chỉ mua vào 4.040 cổ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung cũng bị bán ròng cực mạnh như STB (-4,14 triệu cổ), VCB (-1,58 triệu cổ), HDB (-640.130 cổ), CTG (-620.810 cổ), BID (-446.180 cổ).

Nếu so với các cổ phiếu ngân hàng khác, VPB cũng không sụt giảm quá lố. Thậm chí mức giá 21.000 đồng hôm nay còn tương đương với giá thời điểm giữa tháng 1/2020, tức là lúc chưa có dịch Covid-19 tàn phá thị trường. Trong khi đó nhiều cổ ngân hàng khác đã giảm đáng kể so với thời điểm giữa tháng 1/2020, như VCB thấp hơn khoảng 25%, BID thấp hơn 35%, CTG khoảng 24%, TCB xấp xỉ 27%, MBB xấp xỉ 29%... Như vậy nếu trong điều kiện bình thường VPB không nhất thiết phải “hỗ trợ giá” cổ phiếu. Việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài có khả năng là mấu chốt.

Cũng phải lưu ý rằng VPB là cổ phiếu ngân hàng có nhịp tăng giá tốt nhất nhóm trong 3 tháng đầu năm, thậm chí đi ngược thị trường chung khi đó bị ảnh hưởng mạnh từ dịch bệnh. Sau khi thị trường mở cửa trở lại ngày 30/1/2020 và sụt giảm mạnh, VPB vẫn có nhịp tăng gần 27% lên đỉnh ngày 21/2 mới bắt đầu điều chỉnh. Thị trường chung cũng như VPB giảm nhiều nhất là trong tháng 3 và hiện thị trường lẫn VPB đều đã tạo đáy. VPB đã tăng so với đáy đến hôm nay cỡ 23,9%, là diễn biến rất tích cực. Các công ty niêm yết hay cổ đông nội bộ hầu hết đều thông báo giao dịch mua vào hỗ trợ giá trong tháng 3 hoặc sớm hơn, ở thời điểm thị trường khó khăn nhất.

Cùng chuyên mục
Tin khác