Diễn đàn VNF

Góc nhìn: Giải cứu bé gái rơi từ tầng 13 và nhu cầu hoàn thiện lưới an sinh xã hội

(VNF) - Tuần qua, công luận rất phấn khởi về sự việc em bé ngã từ tầng 13 xuống nhưng may mắn được anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu sống. Nhiều bạn gọi đây là điều kỳ diệu, điều huyền diệu, phép màu nhiệm.

Góc nhìn: Giải cứu bé gái rơi từ tầng 13 và nhu cầu hoàn thiện lưới an sinh xã hội

Nhiều bạn bè có chuyên môn khoa học đã tính được các con số chính xác về lực tiềm ẩn trong em bé 13 kg rơi tự do từ độ cao gần 40 mét xuống. Con số cụ thể không quan trọng bằng việc là em bé lúc đó giống như một quả bom bay. Một vật thể rơi như thế chẳng may trúng ai thì người đó chết chắc.

Bình thường mà thấy vật thể rơi như thế thì chúng ta đều tránh cho xa. Sự khác biệt ở đây là vật thể rơi đó là một sinh thể, cụ thể là một con người. Và điều này thúc giục anh Nguyễn Ngọc Mạnh vượt qua nỗi sợ để gắng sức cứu nguy.

Có thể nói đây là một vụ ứng cứu hoàn hảo bởi vì ngay cả những việc tưởng chừng sơ xảy như anh Mạnh bị trượt chân phải đưa tay đỡ em bé ở tư thế quỳ cuối cùng dường như cũng là yếu tố có tác dụng giảm lực tác động.

Việc anh Mạnh nhảy qua tường, trèo lên mái tôn, tính đúng điểm rơi của em bé để có tác động dù nhỏ nhưng quyết định; việc hai chú cháu gặp nhau trên mái tôn bên dưới có giàn đỡ không kiên cố. Tất cả những gì xảy ra đã xảy ra theo cách có lẽ tốt nhất có thể được.

Phép màu có thể được định nghĩa như một việc tốt đẹp có khả năng xảy ra thấp hoặc không có nhưng lại xảy ra, đi ngược lại mọi kỳ vọng, giải thích của người ta. Sự việc này phù hợp với định nghĩa đó. Lý do chúng ta vui với sự việc này là vì phép màu luôn động vào tâm can chúng ta, đánh thức cảm nhận tâm linh, cảm quan tôn giáo.

Phép màu cung cấp bằng chứng khẳng định vào một thế giới nào đó vô hình, quan sát chúng ta, thưởng phạt nghiêm minh và cứu giúp. Phép màu dù nhỏ hay to cũng hay có tác dụng tốt lên con người và xã hội, nói không ngoa là sẽ khiến nhiều người sống tốt hơn lên về sau.

Mình không lạm bàn về khía cạnh tâm linh mà điều mình muốn nói là vấn đề về lưới an sinh xã hội.

Lưới an sinh xã hội có tác dụng đỡ người ta khi người ta rơi xuống. Trong xã hội truyền thống, mỗi người tự lo sắp xếp lưới an toàn cho bản thân và gia đình mình. Xã hội phát triển hơn, người ta có các lưới an sinh dạng tương hỗ: khi gặp nguy khốn trong đời, người ta trông cậy vào gia đình, bè bạn để đỡ người ta không rơi xuống chỗ chết.

Trong xã hội truyền thống, gia đình nhiều con cũng được xem xét như cách cha mẹ tự bảo hiểm cho tuổi già. Trong xã hội hiện đại, rủi ro của mọi người được cho chung vào một chỗ mở đường cho các loại hình bảo hiểm y tế, sinh mạng... Xã hội có càng nhiều hình thức bảo hiểm thì cá nhân mỗi người càng đỡ bị phụ thuộc vào gia đình, bè bạn, người dưng để được cứu giúp khi gặp rủi ro.

Quan điểm của tôi là trình độ phát triển của một xã hội được phản ánh tốt nhất ở số các lưới an sinh xã hội mà ở đó mỗi người dân có được để bảo vệ mình. Xã hội trình độ phát triển thấp kém thì số người dân được bệnh viện trả về do không có tiền chữa trị là rất cao. Việc con người ta phải đầu hàng số phận lúc gặp rủi ro trở thành số phận.

Cái chết trở thành bình thường, tầm thường; thân phận con người trở nên rẻ rúng. Xã hội phát triển càng cao, chết càng lúc càng khó do các lưới an sinh safety nets đỡ người ta ở từng cung bậc. Xã hội sẵn sàng chi tiêu bao nhiêu để cứu mạng người ta đặt ra cái giá trị bằng tiền của sinh mạng - một thứ kế toán con người lạnh lùng nhưng có thể dùng để so sánh giữa các nơi với nhau.

Ở Mỹ chúng ta nhìn thấy một tình thế tương tự như ở Việt Nam ta khi họ cũng phải trả lời một câu hỏi là liệu xã hội nên duy trì và cung cấp thêm các lưới an sinh xã hội để đỡ người ta khi không may rơi xuống hay là thân ai nấy lo phận ai nấy chịu, ai lười biếng thì sống chết mặc bay, ai rơi thì người đó hay bố mẹ có lỗi, tại sao cả xã hội lại phải tạo điều kiện để đỡ? Tại sao lại lấy tiền thuế từ túi tôi để đi đỡ một đứa không liên quan trong khi trách nhiệm chính là của bố mẹ họ?...

Mỗi chúng ta trong đời vào mọi lúc đều có một xác suất chính chúng ta là em bé 3 tuổi đang sắp rơi từ tầng 13 xuống. Nhân lúc chúng ta đang đắm mình trong dư âm ngọt ngào tuyệt vời của phút giây màu nhiệm, tôi muốn đề nghị mỗi chúng ta mở rộng lòng của mỗi người để nghĩ về xã hội tương lai ở Việt Nam ta làm sao bớt đi những thứ suy nghĩ vị kỷ, chỉ sợ thiệt thòi.

Chúng ta cùng cố gạt bỏ những sự nghi ngờ, nghị kỵ về những chính sách xã hội hướng tới việc cung cấp thêm những lưới an sinh để đỡ người khác khỏi rơi xuống đáy vực. Giả sử việc đó có làm tổn hại chút ít tới thu nhập của mỗi chúng ta, giả sử có những việc lạm dụng, lười biếng, giả sử chúng ta có phải làm việc chăm hơn chút để cứu mạng người khác thì cũng đâu đã có làm sao?

Bởi vì mỗi chúng ta đều có thể có lúc là em bé ba tuổi mà mạng sống ở thế ngàn cân treo sợi tóc, mỗi chúng ta khi có thể nên là Nguyễn Ngọc Mạnh quên thân mình cứu giúp một sinh linh không có liên quan máu mủ gì. Hành động xả thân đó của anh Mạnh là ví dụ cho cách mà mỗi chúng ta nên hành xử theo. Những khoảnh khắc nhiệm màu như thế nên là những khoảnh khắc định nghĩa cuộc đời mỗi người, đáng để sống vì và chết vì. Chúng ta không thể sống hẹp hòi trong sự thiển cận và ích kỷ chỉ biết mỗi chúng ta được.

Tin mới lên