Gọi tên loạt cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ 'bốc hơi' hàng chục phần trăm thị giá trong tuần qua

Văn Kiên - 19/11/2022 11:27 (GMT+7)

(VNF) - Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận chuỗi giao dịch tương đối tích cực trong tuần qua khi chỉ số VN-Index tăng 1,55%. Tuy nhiên vẫn có một số cổ phiếu đi ngược lại với thj trường chung với mức giảm rất sâu, thậm chí "nằm sàn" cả tuần.

VNF
Gọi tên loạt cổ phiếu vốn hóa nghìn tỷ 'bốc hơi' hàng chục phần trăm thị giá trong tuần qua

Dù khởi đầu tương đối tiêu cực khi VN-Index sụt giảm liên tiếp hai phiên đầu tuần với mức giảm lần lượt là 13,49 điểm và 29,14 điểm, tuy nhiên, sự đảo chiều ấn tượng trong phiên thứ Tư (16/11/2022) đã giúp chỉ số lấy lại gần hết những điểm giảm trước đó. Chỉ số tiếp tục tăng tốt trong phiên kế tiếp và hiện sắc xanh tương đối tích cực trong phiên cuối tuần, dù phần lớn thời gian VN-Index giao dịch trong sắc đỏ.

Xét cho cả tuần, VN-Index tăng tổng cộng 14,8 điểm (tăng 1,55%), HNX-Index tăng 1,06 điểm (tăng 0,56%).

Tuy là một tuần tích cực với thị trường nhưng vẫn còn một số cổ phiếu có mức giảm sâu, thậm chí "nằm sàn" cả tuần.

HPX giảm 30,25%

Cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát đã giảm 30,25% trong tuần thứ ba của tháng 11 từ 20.000 đồng/cổ phiếu mở phiên 14/11/2022 xuống 13.950 đồng/cổ phiếu kết phiên 18/11/2022.

Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng - Du lịch Hải Phát được thành lập vào năm 2003. Hoạt động kinh doanh chủ yếu là Kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà các loại, xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng khác. Một số dự án Công ty đã thực hiện có thể kể đến: Dự án Khu đô thị Văn Phú - Hà Đông - Hà Nội, Dự án Khu đô thị Tân Tây Đô - Đan Phượng - Hà Nội, Dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ THE PRIDE - La Khê - Hà Đông - Hà Nội, Dự án khu nhà phố thương mại 24h Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội.

Quý III/2022 được coi là một quý kinh doanh thành công với Hải Phát Invest khi doanh thu đạt 725,7 tỷ đồng, tăng 2,8 lần so với cùng kỳ, đi kèm đó là lợi nhuận sau thuế ở mức 92,8 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ 2021.

Trong một động thái mới đây, Công ty Chứng khoán SmartInvest vừa thông báo bán giải chấp 1.710.682 cổ phiếu HPX của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest, từ ngày 17/11.

Trước đó, Công ty TNHH Chứng khoán Maybank cũng thông tin về việc bán giải chấp 2,3 triệu cổ phiếu HPX của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải từ ngày 16/11.

Như vậy cho đến thời điểm này, đã có ít nhất 2 công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp cổ phiếu HPX của Chủ tịch HĐQT Hải Phát Invest Đỗ Quý Hải.

Ở một diễn biến khác, Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) thông báo về việc loại bỏ mã cổ phiếu HPX của Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát ra khỏi danh mục chứng khoán được phép ký quỹ tại đơn vị này từ ngày 14/11/2022.

NVL giảm 30,1% 

Cổ phiếu NVL của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) đã giảm 30,1% trong tuần thứ ba của tháng 11 từ 41.850 đồng/cổ phiếu mở phiên 14/11/2022 xuống 29.250 đồng/cổ phiếu kết phiên 18/11/2022.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (Novaland) có tiền thân là Công ty TNHH Thương mại Thành Nhơn, được thành lập năm 1992. Hoạt động chính của Novaland là đầu tư, thi công xây dựng và kinh doanh bất động sản. Tập đoàn đã và đang triển khai hơn 40 dự án nhà ở và hơn 5 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các vị trí chiến lược của hầu hết các quận, huyện tại TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Luỹ kế 9 tháng, Novaland ghi nhận doanh thu giảm 23% đạt 7.894 tỷ đồng và lãi sau thuế 2.054 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ. Doanh thu từ bán hàng đạt hơn 6.445 tỷ đồng, ghi nhận từ việc bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, Aqua City, NovaWorld Ho Tram, NovaHills Mui Ne, Soho Residence và Victoria Village. Doanh thu từ cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.463 tỷ đồng.

Chốt phiên 18/11, cổ phiếu NVL ghi nhận phiên giảm sàn thứ 12 liên tiếp về mức 29.250 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 29 tháng.

Theo Novaland, giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân này được Novaland đưa ra lần thứ 2. Trước đó, khi cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp, Tập đoàn đã giải trình như vậy.

PDR giảm 29,96%

Cổ phiếu PDR của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đã giảm 29,96% trong tuần thứ ba của tháng 11 từ 26.200 đồng/cổ phiếu mở phiên 14/11/2022 xuống 18.350 đồng/cổ phiếu kết phiên 18/11/2022.

Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) có tiền thân là Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Phát Đạt được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản, nhà ở, kinh doanh dịch vụ khu du lịch, khách sạn, resort cao cấp.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Phát Đạt ghi nhận lãi trước thuế 1.790 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là kết quả 9 tháng đầu năm tốt nhất của công ty từ trước đến nay.

Theo PDR, giá cổ phiếu PDR giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế và bị tác động bởi các chính sách kinh kế vĩ mô liên quan đến ngành bất động sản.

Đồng thời, nhà đầu tư cổ phiếu PDR có vay ký quỹ bị ép bán chủ động từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn vay.

Được biết, trong ngày 10,14, 15/11, MBS đã bán giải chấp tổng cộng 1.519.000 cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT công ty.

Tương tự, Công ty Cổ phần chứng khoán Yuanta (YSVN) cũng thông báo bán giải chấp 1.041.237 cổ phiếu của Chủ tịch HĐQT PDR, từ ngày 10/11 cho đến khi đảm bảo tỷ lệ ký quỹ theo quy định của YSVN.

Trước đó, vào ngày 7/11, Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cũng thông báo về việc bán giải chấp 1.800.000 cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt, từ ngày 8/11/2022 và 1.900.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, từ ngày 8/11 và 720.000 cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings, từ ngày 7/11.

SJS giảm 25,05%

Cổ phiếu SJS của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà (Sudico) đã giảm 25,05% trong tuần thứ ba của tháng 11 từ 54.500 đồng/cổ phiếu mở phiên 14/11/2022 xuống 40.850 đồng/cổ phiếu kết phiên 18/11/2022.

Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (SJS) được thành lập năm 2003 thuộc Tổng Công ty Sông đà. Công ty cung cấp các dịch vụ tư vấn về đầu tư, phát triển, thiết kế kỹ thuật và kiến trúc của khu dân cư nhà ở, khu công nghiệp và các cấu trúc khác. Ngoài ra, công ty còn tham gia vào lĩnh vực bất động sản, kinh doanh máy móc, cũng như sản xuất và kinh doanh các loại vật liệu xây dựng và các sản phẩm nội thất. Thị trường chính của công ty bao gồm các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hòa Bình, Qảng Ninh, Đà Nẵng.

Sản phẩm, dịch vụ của công ty khá đa dạng, được thể hiện qua một số dự án lớn như: Dự án khu dân cư bắc đường Trần Hưng Đạo; Dự án khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì; Dự án khu đô thị mới Nam An Khánh; Dự án khách sạn Sông Đà-Hạ Long.

Quý III/2022, Sudico ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 2,84 tỷ đồng, giảm 85,6% so với cùng kỳ.

Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận giảm mạnh trong quý III, SJS cho biết phía Công ty cổ phần Sudico Hòa Bình không phát sinh doanh thu từ dự án mở rộng Khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sudico ghi nhận doanh thu đạt 368 tỷ đồng, giảm 30,1% so với cùng kỳ năm 2021, lợi nhuận trước thuế giảm 43,3% về 48,1 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 65,6% chỉ còn 22,85 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021. So với kế hoạch đề ra với doanh thu 1.181 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 264 tỷ đồng, kết thúc 9 tháng, SJS mới hoàn thành 31,1% kế hoạch doanh thu và 18,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

EIB giảm 19,67%

Cổ phiếu EIB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã giảm 19,67% trong tuần thứ ba của tháng 11 từ 24.150 đồng/cổ phiếu mở phiên 14/11/2022 xuống 19.400 đồng/cổ phiếu kết phiên 18/11/2022.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, lợi nhuận trước thuế của Eximbank đạt hơn 3.181 tỷ đồng, tăng 229% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt kế hoạch năm 2022 (2.500 tỷ đồng).

Cụ thể, hoạt động tín dụng mang về cho ngân hàng 4.154 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm trước. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối cũng tăng lần lượt 11,7% và 32,4% so với cùng kỳ.

Hoạt động chứng khoán đầu tư mang về cho ngân hàng khoản lãi 114 tỷ đồng sau 9 tháng, tăng gần 55% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh khác và thu nhập từ góp vốn mua cổ phần cũng tăng trưởng đột biến trong kỳ.

Riêng trong quý III, hầu hết mảng hoạt động kinh doanh của ngân hàng đều tăng tưởng khả quan, trong đó nguồn thu chính của ngân hàng tăng 102% so với cùng kỳ. Mặt khác, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư ghi nhận khoản lỗ 20 tỷ đồng, do ngân hàng đã giảm danh mục chứng khoán để dịch chuyển vốn sang các lĩnh vực đầu tư hiệu quả hơn.

Trong kỳ, ngân hàng hoàn nhập 296 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong khi cùng kỳ trích lập 61 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý III của Eximbank tăng đến 210%, đạt 1.278 tỷ đồng, cao hơn lợi nhuận của cả năm 2021.

Theo Eximbank, giá cổ phiếu EIB tăng giảm là do cung cầu của thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng. Eximbank cũng khẳng định hiện ngân hàng vẫn hoạt động bình thường, hiệu quả kinh doanh 9 tháng năm 2022 đạt kết quả khả quan với nhiều chỉ tiêu hoạt động đã vượt kế hoạch năm 2022.

“Ngân hàng chúng tôi khẳng định, hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong thời gian qua tăng trưởng tốt, an toàn và luôn tuân thủ đúng các quy trình của pháp luật và quy định của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, sự biến động của giá cổ phiếu không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng”, Eximbank nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác