Hà Tĩnh, Cao Bằng 'khát' sân bay: Cẩn trọng lãng phí đầu tư
Đinh Tịnh -
01/05/2020 09:27 (GMT+7)
(VNF) - "Trước đây đã có làn sóng địa phương đua nhau xây dựng cảng biển, sân golf, gần đây tôi thấy có tình trạng các địa phương đua nhau xin xây dựng sân bay, mới nhất là Hà Tĩnh và Cao Bằng. Điều này cần cân nhắc cẩn trọng nếu không sẽ bị lãng phí nguồn đầu tư", PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM nói.
"Khát" sân bay
Theo thống kê, hiện Việt Nam có 23 sân bay, trong đó có 22 cảng hàng không do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý và 1 dự án do tư nhân quản lý.
Trong 11 năm qua (từ 2008-2019), hàng không Việt Nam tăng trưởng 17,1% về hành khách và 13,8% về hàng hoá; đội tàu bay so với năm 2008 tăng 3,5 lần, mạng đường bay nội địa tăng 2,4 lần, đường bay quốc tế tăng 2,4 lần; vận chuyển của hãng hàng không so với năm 2008 tăng 5,2 lần về hành khách và 3,2 lần về hàng hoá.
Với một đất nước trải dài 1.750km và dân số 100 triệu dân và mức tăng trưởng mạnh mẽ trên hứa hẹn tiềm năng lớn cho ngành hàng không, du lịch và đầu tư. Đó cũng là lý do trong thời gian qua, liên tục những hãng hàng không mới đề xuất thành lập và rất nhiều địa phương muốn có sân bay. Mới đây nhất là hai tỉnh Hà Tĩnh và Cao Bằng đề nghị có sân bay riêng.
Hà Tĩnh và Cao Bằng cũng muốn có sân bay
Trao đổi với VietnamFinance, đại diện ACV cho biết: Hiện tại nhiều địa phương mong muốn có cảng hàng không riêng với nhiều lý do khác nhau cầu cân nhắc kỹ.
Nên nhớ, tới thời điểm hiện tại, số cảng hàng không có lãi chỉ đếm trên đầu ngón tay như sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... còn lại đều trong tình trạng hòa vốn hoặc thua lỗ, nhất là những sân bay ở các địa phương chưa thực sự phát triển về du lịch.
"Vì thế, nhiều địa phương vẫn “đắm đuối” với viễn cảnh có sân bay riêng, viện dẫn đủ loại lý do như: tỉnh vùng núi khó khăn; có nhiều di tích lịch sử, thậm chí là địa phương anh hùng trong thời kỳ kháng chiến... để kiến nghị, đề xuất cần phải cân nhắc cả lợi ích kinh tế", vị đại diện này cho biết.
Lãng phí đầu tư
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, lý do mà Cao Bằng muốn xây dựng sân bay vì tỉnh chỉ có duy nhất giao thông đường bộ. Các loại hình giao thông khác chưa phát triển. Vì thế, mong muốn có sân bay để thu hút đầu tư, du lịch và an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, trao đổi với VietnamFinance, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng: "Cao Bằng là tỉnh miền núi chỉ cách Hà Nội 260km, việc ưu tiên hàng đầu hiện nay là đường bộ cao tốc chứ không phải hàng không. Nếu có đường cao tốc thì từ Hà Nội lên Cao Bằng chỉ 3 tiếng, đường cao tốc lại phát triển kinh tế cả khu vực đó và các tỉnh lân cận. Vì thế, việc xây dựng sân bay là chưa hợp lý".
"Còn đối với kiến nghị xây dựng sân bay Hà Tĩnh, tôi cho rằng cũng không hiệu quả vì hiện đã có sân bay Vinh (Nghệ An), sân bay Đồng Hới (Quảng Bình) với khoảng cách 100km đổ lại. Nên nếu xây dựng thêm sân bay Hà Tĩnh sẽ rất tốn kém và lãng phí đầu tư", ông Tống nhận xét.
Người dân Hải Phòng và Tp. Quảng Ninh sẽ chọn sân bay Cát Bi chứ không chọn sân bay Vân Đồn
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, trước đó, việc xây dựng sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh cũng gây nhiều tranh cãi khi Hải Phòng đã có sân bay quốc tế Cát Bi. Người dân từ Tp. Hạ Long đương nhiên là sẽ đi 25km qua Hải Phòng để bay Cát Bi chứ không chọn đi 50km để đến sân bay Vân Đồn. Điều này cho thấy, nhà đầu tư sân bay là Tập đoàn Sungroup này sẽ khó hoàn vốn cho dự án này.
Tương tự, hiện có rất nhiều sân bay thiếu hiệu quả như Chu Lai (Quảng Nam) có công suất thiết kế 500.000 lượt khách/năm nhưng thực tế chỉ đạt trên 12%; sân bay Tuy Hòa, Liên Khương, Cà Mau, Rạch Giá, Điện Biên, Đồng Hới... công suất hoạt động cũng mới đạt 13 - 37%... Trong khi đó, theo quy hoạch, sẽ có thêm một loạt các sân bay ở nhiều địa phương nữa như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Kon Tum, An Giang…
Ông Mai Thế Vinh, Trung tâm Chính sách giao thông PPP thuộc Đại học George Mason (Hoa Kỳ) đánh giá: Việc đầu tư sân bay cần cẩn trọng và nghiên cứu kỹ lưỡng nếu không sẽ thành gánh nặng cho nhà đầu tư. Tại Việt Nam, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ sau gần 10 năm đầu tư hiện mới chỉ vận hành chưa tới 30% công suất là ví dụ điển hình về lãng phí đầu tư”.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone