Dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài: Khúc quanh mới
Anh Minh -
23/04/2020 16:09 (GMT+7)
Đã xuất hiện những tình huống khá bất ngờ trong quá trình thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư.
ACV có vượt rào?
Khá nhiều ý kiến bất ngờ đã được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đưa ra trong văn bản số 618/UBNQLV-CNHT vừa được gửi tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội liên quan đến việc thẩm định hồ sơ chủ trương đầu tư dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Dẫn chiếu Điều 43 và Điều 48, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, người đại diện vốn tại ACV có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến đơn vị đang đóng vai trò đại diện phần vốn nhà nước (chiếm tới 95,4% vốn điều lệ) trước khi tham gia biểu quyết về việc đầu tư dự án.
Tuy nhiên, trong văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đề nghị thực hiện dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ACV không giải thích nội dung này; không rõ việc đầu tư dự án đã được Đại hội cổ đông, HĐQT doanh nghiệp thông qua hay chưa?
“ACV chưa thực hiện thủ tục báo cáo Ủy ban, nhưng đã thực hiện các thủ tục đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội là không thực hiện đúng quy trình đầu tư theo quy định của Luật số 69”, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá.
Cần phải nói thêm, trong công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng đều nhắc cơ quan chủ trì thẩm định rằng, trong hồ sơ chủ trương đầu tư dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, sự chấp thuận của cơ quan đại diện phần vốn là điều bắt buộc đối với ACV.
Cụ thể, Bộ Tài chính cho rằng, Hồ sơ dự án chưa kèm theo các văn bản thể hiện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đồng ý phương án đề xuất của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) giao cho ACV làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, cũng như nội dung báo cáo, biểu quyết thông qua chủ trương/quyết định thực hiện dự án.
“Do đó, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội yêu cầu nhà đầu tư bổ sung làm rõ nội dung dự án đã được biểu quyết, thông qua tại ĐHCĐ của ACV hay chưa", ông Lê Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết.
Trước đó, đầu tháng 1/2020, trong vai trò là cơ quan đăng ký đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đã đề nghị các bộ GTVT, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... có đánh giá về dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài để đơn vị này tổng hợp, báo cáo UBND TP. Hà Nội xem xét, có ý kiến gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng giám đốc ACV cho biết, không thể nói ACV đã chủ ý “vượt rào”, bởi dự án mở rộng nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã nằm trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020 của ACV được chính Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt vào đầu năm 2020, bao gồm các chỉ tiêu kinh doanh và danh mục dự án, nguồn vốn huy động dự kiến.
Vướng mắc thẩm quyền phê duyệt
Một ý kiến khác của lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể làm thay đổi tiến trình triển khai Dự án liên quan đến quy trình, thủ tục mà ACV và Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội đang thực hiện.
Theo Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự án chỉ mở rộng nhà ga T2 là một hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (do không có kết cấu hạ tầng khu bay và trang thiết bị cần thiết khác được sử dụng cho tàu bay đi, đến và thực hiện vận chuyển hàng không), có vốn đầu tư không vượt quá 5.000 tỷ đồng. Do đó, dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31, Luật Đầu tư.
Bên cạnh đó, trong đề xuất dự án đầu tư, ACV cũng không đề nghị Nhà nước giao thêm đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mới; không sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Do đó, căn cứ Điều 32, Luật Đầu tư công, dự án không thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP. Hà Nội.
“Nếu chỉ đầu tư mở rộng Nhà ga hành khách T2 có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 4.051 tỷ đồng, không yêu cầu Nhà nước giao thêm đất, dự án sẽ không phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư”, bà Hà phân tích, đồng thời kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp làm rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án này.
Điều đáng nói là, quan điểm này đang có độ “vênh” rất lớn với cách nhìn nhận của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, Bộ Tài chính. Theo quan điểm của Bộ Tài chính, dự án thuộc lĩnh vực xây dựng và kinh doanh cảng hàng không, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Điều 31, Luật Đầu tư năm 2014. Hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 34, Luật Đầu tư năm 2014.
“Cụ thể, đối với dự án này, nhà đầu tư nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư nơi thực hiện dự án đầu tư. Do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội chịu trách nhiệm yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ hồ sơ theo quy định và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các báo cáo gửi kèm”, đại diện Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Theo đề xuất của ACV, đơn vị đang quản lý, khai thác Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ huy động 4.051 tỷ đồng vốn tự có để mở rộng, nâng công suất Nhà ga hành khách T2 trên ranh giới đất hiện có từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm. Thời gian triển khai công trình kéo dài khoảng 5 năm, bắt đầu từ năm 2020.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.