Hai công ty con sắp được Tập đoàn Hà Đô bán đứt: Vốn chục tỷ, doanh thu vài trăm tỷ
Việt Anh -
12/05/2021 10:58 (GMT+7)
(VNF) - Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hai công ty con Tập đoàn Hà Đô muốn bán tuy có vốn điều lệ khiêm tốn, nhưng lại mang về doanh thu khá ấn tượng trong những năm gần đây.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (HoSE: HDG) vừa có quyết nghị về việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại hai công ty con là Công ty Cổ phần Hà Đô 1 (Hà Đô 1) và Công ty Cổ phần Cơ điện Xây dựng - Thiết bị công nghiệp Hà Đô (Công nghiệp Hà Đô).
Cụ thể, tại Hà Đô 1, HDG muốn bán toàn bộ hơn 2,5 triệu cổ phần, tương ứng 51% vốn điều lệ và tại Công nghiệp Hà Đô, doanh nghiệp muốn sang tay hơn 1 triệu cổ phần, tương đương 51% vốn cho đối tác mới.
HĐQT HDG ủy quyền cho Phó chủ tịch, ông Nguyễn Trọng Minh quyết định các vấn đề về hình thức chuyển nhượng, giá, thời điểm chuyển nhượng... và các thủ tục liên quan với bên nhận chuyển nhượng.
Đáng chú ý, hai doanh nghiệp mà HDG muốn bán mặc dù có vốn điều lệ khiêm tốn, tuy nhiên lại mang về doanh thu khá ấn tượng trong những năm gần đây. Theo tài liệu mà VietnamFinance có được, trong giai đoạn 2016-2019, Hà Đô 1 ghi nhận doanh thu lần lượt là 351,4 tỷ đồng, 447,3 tỷ đồng, 372,2 tỷ đồng và 443,5 tỷ đồng.
Khấu trừ các chi phí, doanh nghiệp có lãi sau thuế 10,8 tỷ đồng, 20,9 tỷ đồng, 14,9 tỷ đồng và 13,8 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của Hà Đô 1 chỉ đạt 63,3 tỷ đồng, 79,3 tỷ đồng 79,8 tỷ đồng và 88,3 tỷ đồng ở giai đoạn này.
Dù vậy, cũng lưu ý rằng Hà Đô 1 sử dụng hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu khá cao, cuối năm 2019 đạt 2,8 lần. Trước đó, năm 2016, hệ số này là 4,5 lần.
Có nhiều nét tương đồng, Công nghiệp Hà Đô trong giai đoạn 2016-2019 cũng ghi nhận doanh thu khá lạc quan với 154,9 tỷ đồng, 133,6 tỷ đồng 209,1 tỷ đồng và 188,8 tỷ đồng, cao hơn cả chục lần so với vốn điều lệ.
Thế nhưng doanh nghiệp có lãi khá mỏng, đạt lần lượt 7,4 tỷ đồng, 6,4 tỷ đồng, 9,5 tỷ đồng và 6,3 tỷ. Đến cuối năm 2019, nhờ khoản lợi nhuận tích lũy, Công nghiệp Hà Đô có được vốn chủ sở hữu gần gấp đôi vốn điều lệ, đứng ở mức 36,3 tỷ đồng; nợ phải trả lúc này là 72,6 tỷ đồng.
Về HDG, mới đây doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I, với doanh thu đạt hơn 1.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 400 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 72% so với cùng kỳ năm 2020.
Năm nay, HDG đặt kế hoạch kinh doanh đi ngang so với thực hiện năm trước, với doanh thu hợp nhất kỳ vọng 4.863 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng 1.254 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I, HDG đã thực hiện 28% mục tiêu doanh thu và 32% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của HDG ở mức 14.053 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu kỳ. Trong đó, hàng tồn kho giảm 22% so với đầu năm về hơn 1.358 tỷ đồng, chủ yếu do giảm bất động sản đang xây dựng (từ 1.655 tỷ đồng về gần 1.008 tỷ đồng).
Ngoài ra, doanh nghiệp còn hơn 5.012 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tập trung chủ yếu tại hai dự án là Thủy Điện Dắc Mi (hơn 2.639 tỷ đồng), Thủy điện Sông Tranh 4 (hơn 1.284 tỷ đồng).
Nợ phải trả tính đến cuối kỳ giảm 202 tỷ đồng xuống còn 9.700 tỷ đồng (chiếm 70% tổng tài sản, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu). Trong đó, dư nợ vay chiếm 68%, ghi nhận hơn 6.881 tỷ đồng, riêng nợ dài hạn tăng từ gần 5.718 tỷ đồng đầu năm lên hơn 6.015 tỷ đồng.
Trên thị trường, kết phiên giao dịch 11/5, cổ phiếu HDG tăng 400 đồng lên mức 41.200 đồng/cổ phiếu.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone