Tiêu điểm

Hai tuyến đường sắt 17 tỷ USD, tốc độ 160km/h kết nối cảng biển Việt Nam

Theo Bộ GTVT, 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu cần nguồn vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD, phấn đấu khởi công trước năm 2030.

Sẽ sớm đầu tư 2 dự án đường sắt 17 tỷ USD

Mới đây, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội liên quan đến chi phí logistics và đầu tư 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển.

Theo đó liên quan đến chi phí logistics của Việt Nam, Bộ GTVT cho biết bảng xếp hạng thường niên của Agility năm 2023, Việt Nam lọt vào 10 thị trường logistics mới nổi trên thế giới và đứng thứ 4 Đông Nam Á. Tuy nhiên, chi phí logistics trung bình của Việt Nam hiện ở mức tương đương 16,8 - 17% GDP và vẫn còn ở mức khá cao so với mức bình quân chung của thế giới (hiện khoảng 10,6%).

"Trong thời gian tới, Bộ GTVT tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan tập trung phát triển cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, đầu tư phát triển các trung tâm logistics, cảng cạn để đẩy mạnh vận tải đa phương thức; tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách liên quan đến giá, phí vận tải (phí sử dụng đường bộ, hạ tầng cảng biển, lệ phí ra vào cảng biển…), phân cấp, phân quyền cho địa phương trong hoạt động đầu tư, khai thác hạ tầng nhằm tiếp tục kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics", văn bản của Bộ GTVT nêu.

Về việc đầu tư 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu), Bộ GTVT cho biết, theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt đã Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, 2 tuyến đường sắt này dự kiến khởi công trước 2030 để vận chuyển hành khách và hàng hóa.

Bộ GTVT tính toán sơ bộ, việc đầu tư 2 tuyến đường sắt cần 17 tỷ USD.
Do đó, Chính phủ định hướng kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ nay
tới năm 2025, phấn đấu khởi công xây dựng trước năm 2030. Ảnh minh hoạ/Tiền phong

Bộ GTVT thống nhất với ý kiến của Đại biểu cho rằng, 2 dự án đường sắt cần sớm triển khai đầu tư, nguồn vốn đầu tư công đóng vai trò chủ đạo, đầu tư hạ tầng khai thác cả hàng và khách. Do tổng mức đầu tư 2 tuyến đường sắt tương đối lớn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Danh mục quốc gia các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025 để huy động nguồn lực đầu tư, trong đó có tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu và Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

"Về lâu dài, Bộ GTVT xác định việc giảm thị phần vận tải đường bộ kết nối đến cảng biển là một trong những giải pháp quan trọng góp phần giảm chi phí logistics, trong đó 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (kết nối khu bến Lạch Huyện) và Biên Hòa - Vũng Tàu (kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải) cần sớm được đầu tư và phấn đấu khởi công trước năm 2030 theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Bộ GTVT cho biết.

Theo Bộ GTVT, để đầu tư 2 tuyến đường sắt kết nối cảng biển là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Biên Hòa - Vũng Tàu cần nguồn vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD.

Quy mô "khủng" của 2 tuyến đường sắt kết kết nối cảng biển

Tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, với chiều dài khoảng 128km, đường đôi, khổ đường 1.435mm, vận tải hành khách và hàng hóa, tổng mức đầu tư khoảng 6,2 tỷ USD.

Tuyến đường sắt này có điểm đầu tại ga Trảng Bom, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải. Số lượng ga và depot gồm 5 ga tuyến chính, 3 ga trong cảng, 1 ga trong Trung tâm Logistic và 3 depot.

Tuyến này đi qua địa phận các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu giúp tăng năng lực giao thông, thương mại và kích thích thị trường bất động sản khu vực. Dự án như một phần nối dài của tuyến đường sắt Bắc - Nam để vận chuyển hàng hóa từ các vùng, miền đến cảng Cái Mép - Thị Vải.

Tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khi hoàn thành
có thể vận chuyển gần 9 triệu lượt khách và hơn 12 triệu tấn hàng hoá/năm
với phí logistics rẻ nhất. Ảnh minh hoạ (Nguồn: Báo Lào Cai)

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng hiện đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết, chiều dài khoảng 380km, tổng mức đầu tư khoảng 10 - 11 tỷ USD.

Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối với một phần tuyến Hải Phòng - Hạ Long - Cái Lân của dự án đang xây dựng dở dang sẽ có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441km

Đây là tuyến đường sắt có vị trí quan trọng trong việc hình thành mạng lưới vận tải ở phía bắc sông Hồng, nối liền vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng và cảng biển Hải Phòng - một trong những trung tâm hàng hải lớn nhất Việt Nam.

Đường sắt này sẽ tách riêng tuyến hiện hành Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng; có khổ tiêu chuẩn 1.435 mm, khai thác tàu khách, tàu hàng với tốc độ thiết kế tối đa 160 km/h. Tuyến có đường nhánh đến cảng Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện, phục vụ vận chuyển hàng hóa.

Trên tuyến có khoảng 56 cầu lớn với chiều dài 47,5km đi qua các con sông lớn như sông Hồng, sông Lô, sông Bạch Đằng và các chạy qua các đoạn đường bộ cao tốc như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Quảng Ninh, qua các đường quốc lộ và một số đường tỉnh.

Cùng với đó, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ có 11 hầm với chiều dài khoảng 10km.

Tuyến đường sắt tương lai dự kiến được quy hoạch 41 ga, trong đó có 5 ga trung tâm để lập tàu, 10 ga trung gian kết hợp phục vụ khách và hàng, 5 ga cảng biển và 22 ga phụ tránh tàu.

Ga Lào Cai sẽ đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách, ga Cái Lân và ga Yên Thường chỉ lập tàu hàng.

10 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương.

5 ga trên cảng biển gồm: Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Sau khi hoàn thành, tàu dự kiến có thể vận chuyển gần 9 triệu lượt khách và hơn 12 triệu tấn hàng hoá/năm.

Tin mới lên