Tài chính

Hiện tượng 'mèo vẫn hoàn mèo' trong ngành chứng khoán

(VNF) - Biến động dư nợ cho vay margin trong quý IV/2023 cho thấy một hiện tượng thú vị: Một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng bứt tốc, trong khi dư nợ cho vay margin tại nhiều công ty chứng khoán độc lập có xu hướng chững lại.

Hiện tượng 'mèo vẫn hoàn mèo' trong ngành chứng khoán

Ảnh minh hoạ

Nguồn thu từ cho vay margin ngày càng trở nên quan trọng và các công ty chứng khoán ngày càng đóng vai trò giống như “ngân hàng” cỡ vừa và nhỏ, thay vì tập trung vào hoạt động môi giới như trước kia. Điều này từng được VietnamFinance đề cập đến trong bài viết "Nhìn nguồn thu margin, ngẫm về vai trò mới của công ty chứng khoán".

Biến động dư nợ margin trong quý IV/2023 cho thấy thêm một hiện tượng thú vị: Một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng bứt tốc, trong khi dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán độc lập có xu hướng chững lại.

Cụ thể, thống kê đối với 17 công ty chứng khoán tiêu biểu (bao gồm: TCBS, SSI, VNDIRECT, VIX, HSC, VPS, MBS, SHS, VCBS, KIS, Vietcap, BSC, ACBS, VDSC, DNSE, VPBankS, MASVN) cho thấy 3 công ty chứng khoán ghi nhận tăng trưởng dư nợ margin mạnh nhất đều là công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng, đó là: TCBS (tăng gần 3.800 tỷ đồng), MBS (tăng gần 2.700 tỷ đồng), VPBankS (tăng hơn 2.500 tỷ đồng).

Nếu xét theo giá trị tương đối, đo bằng tốc độ tăng trưởng dư nợ margin trong quý IV/2024 thì TCBS (tăng 30%), MBS (tăng 41%) và VPBankS (tăng 55%) cũng lọt top 4 tăng trưởng. Một đại diện "xen vào" bảng xếp hạng là Vietcap (tăng 38%).

Trong khi đó, các công ty chứng khoán độc lập có dư nợ margin lớn lại có xu hướng chững lại trong quý vừa qua. Chẳng hạn như "quán quân" dư nợ margin tính đến cuối quý III/2023 là MASVN suy giảm 651 tỷ đồng dư nợ margin trong quý IV/2023. Bên cạnh đó, dư nợ margin của SSI cũng giảm 135 tỷ đồng, VNDIRECT giảm 674 tỷ đồng trong cùng thời gian.

Dư nợ margin của HSC và VPS dù tăng nhưng mức tăng cũng chỉ khoảng 800 - 900 tỷ đồng, quy đổi ra thì tăng chưa tới 9%.

Những diễn biến trên khiến vị trí "quán quân" dư nợ margin có sự thay đổi. TCBS sau thời gian dài luôn ở "chiếu dưới" so với SSI hoặc MASVN thì đến cuối quý IV/2023 đã vươn lên vị trí số 1. Thị phần cho vay margin của các công ty chứng khoán như MBS hay VPBankS đều đạt mốc cao nhất trong thời gian thống kê (8 quý gần đây).

Việc một số công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng bứt tốc về thị phần dư nợ cho vay margin trong quý IV/2023 một mặt phản ánh lợi thế về nguồn vốn của các công ty này trong cuộc đua cho vay margin trên thị trường chứng khoán, nhưng mặt khác cũng cho thấy hiện tượng "mèo vẫn hoàn mèo", khi các công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng hoạt động như một "ngân hàng con".

Điều này không lạ bởi các ngân hàng vẫn luôn tìm kiếm những "miếng bánh" cho vay mới, chẳng hạn như trước đây là thành lập các công ty tài chính tiêu dùng để nhắm tới "miếng bánh" cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, trên thực tế, nhiều ngân hàng đã thành lập công ty chứng khoán từ rất sớm nhưng do quy mô thị trường chứng khoán (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu) thời kỳ trước còn nhỏ nên chưa được chú trọng phát triển. Tuy nhiên, với việc quy mô thị trường chứng khoán phình to trong vài năm gần đây, cộng hưởng thêm định hướng xây dựng hệ sinh thái tài chính đa năng (mô hình universal bank), nhiều ngân hàng ngày càng chú trọng đến việc phát triển các công ty chứng khoán, không chỉ nhằm tận dụng lợi thế từ các thành tố trong hệ sinh thái tài chính mà còn để linh hoạt hơn trong các hoạt động cho vay.

Tin mới lên