Học sinh lớp 10 tiếp cận sớm với toán tài chính, gọi vốn đầu tư như Shark Tank

Thuỳ Anh - 12/10/2023 17:31 (GMT+7)

(VNF) - Nhằm trang bị những nền tảng kiến thức toán liên quan đến tài chính một cách vững chắc, đồng thời thay đổi hình thức học tập và tiếp cận của học sinh, môn toán 10 đã được các thầy cô trường Phổ thông Dewey (Hà Nội) tổ chức thành dự án học tập theo mô hình Shark Tank về chủ đề “Tiết kiệm và đầu tư”.

VNF
Học sinh lớp 10 tiếp cận sớm với toán tài chính, gọi vốn đầu tư như Shark Tank

Khi toán học mang “hơi thở” cuộc sống 

Bắt kịp với cuộc sống hiện đại cùng một tương lai bất định, giáo dục ngày càng có sự thay đổi khi gắn những kiến thức sách vở vào cuộc sống thực tế để trang bị cho học sinh kiến thức nền tảng và tư duy giải quyết vấn đề linh hoạt.

Dự án toán của khối 10 Dewey không những giúp học sinh có được những kiến thức lý thuyết qua những giờ học trên lớp mà còn giúp ứng dụng các kiến thức đó vào dự án thông qua đề bài:  “Tiết kiệm và đầu tư như thế nào để sinh lời nhiều nhất khi có 500 triệu?”

Đề bài trên không những mang đến các kiến thức mới mẻ về xác suất thống kê, chênh lệch lỗ lãi mà còn là những khái niệm mới về toán tài chính như: lãi suất ngân hàng, lợi nhuận và rủi ro khi đầu tư, lạm phát… 

Trước đó, học sinh được tham gia một buổi hội thảo với chuyên gia phân tích tài chính để chia sẻ kiến thức thực tế về lĩnh vực này. Trong buổi hội thảo lần đầu tiên học sinh biết đến có đa dạng hình thức đầu tư như: đầu tư tiền ảo, chứng khoán, vàng, bất động sản… thế nào là đầu tư an toàn, hậu quả của lạm phát và hiểu được tại sao các bạn trẻ cần biết đến đầu tư tài chính sớm.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích tài chính công ty Nhất Việt, diễn giả của hội thảo chia sẻ: “Các bạn trẻ ngày nay nên trang bị sớm các kiến thức về tài chính, đặc biệt là các hoạt động đầu tư để kiểm soát được nguồn tiền của mình và “tập luyện” đầu tư vào vài lĩnh vực khác nếu có thể.

Tuy nhiên, để đầu tư tài chính bền vững, các bạn trẻ cần học để xây dựng hệ thống kiến thức nền tảng, hệ thống giao dịch thành công và giao dịch thực chiến. Tôi cũng khá bất ngờ khi các bạn học sinh Dewey chỉ mới lớp 10 nhưng đã có những kiến thức rất tốt về lĩnh vực này, nhiều câu hỏi các bạn đưa ra rất thú vị và sâu sắc”.

Thầy Vũ Việt Cường, tổ trưởng tổ toán THPT cho biết: “Toán học vẫn được cho là một bộ môn khó ‘nhằn’ với học sinh, những kiến thức khá khô khan, những công thức, định lý, đồ thị… Vì vậy chúng tôi muốn mang đến một hình thức học tập mới mẻ cho bộ môn này để các con có cơ hội được trải nghiệm thực tế.

Với dự án này, các con rất hào hứng khi được làm chủ một dự án, được tự do quyết định kiến thức, được chủ động dung nạp kiến thức mới. Trong quá trình làm dự án các con phải tìm kiếm rất nhiều kiến thức mới, chọn lọc, sắp xếp những kiến thức ấy để phục vụ cho dự án của mình. Ngoài ra, các con được rèn luyện rất nhiều về kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, tranh biện… và quan trọng những kiến thức các con có được trong dự án này sẽ đồng hành cùng các con đến mai sau”.

Những “thương vụ” không ngờ đến 

Với đề bài trên, trong buổi báo cáo dự án đầu tư, các nhóm học sinh đã có những cách thuyết trình đầy sáng tạo như diễn dịch tạo tình huống đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế với các số liệu phân tích, chỉ số tăng trưởng chứng khoán rất rõ ràng và khoa học.

Có nhóm thì biện dẫn bằng một câu nói của Warren Buffett: “Không nên bỏ trứng vào 1 giỏ mà chia ra nhiều giỏ khác nhau để tránh rủi ro”, từ đó nói về hoạt động đầu tư của nhóm vào các lĩnh vực như: chứng khoán, bất động sản, vàng…

Một góc nhìn khác là dự án đầu tư bền vững hướng tới cộng động khi lên kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư, gửi tiết kiệm để dùng các khoản ấy cho các hoạt động thiện nguyện, mở các lớp học kỹ năng cho học sinh nghèo, dạy tiếng Anh…

Đại diện các nhóm học sinh lý giải về câu trả lời của nhóm mình

Em Lê Phan Khánh An (lớp 10Budapest) chia sẻ: “Ban đầu, các thành viên rất lo lắng khi chưa biết bắt đầu từ đâu vì dự án khá đồ sộ. Sau đó được các thầy cô hướng dẫn dần dần, nhóm đã bắt kịp công việc khi biết phân chia công việc hợp lý”.

“Trong nhóm có người mạnh về kiến thức đầu tư nước ngoài, có người đầu tư trong nước vì vậy các thành viên chia nhau thực hiện cả 2 hoạt động này. Sau dự án, kỹ năng thuyết trình của nhóm đã được cải thiện nhiều và cũng có thêm những kiến thức bổ ích từ lĩnh vực đầu tư tài chính trong nước và quốc tế”, Khánh An phân tích.

Chị Phan Thị Bích Hạnh, phụ huynh học sinh tham gia buổi báo cáo chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi thấy những kiến thức toán học khô khan được đưa vào dự án một cách thú vị như vậy. Dự án đã khai thác được những điểm mạnh, khác biệt của các con giúp các con có những bước phát triển vượt bậc so với năm học trước.

Tôi cho rằng kỹ năng làm việc nhóm của các bạn phải rất tốt mới có thể tạo nên sự kết hợp nhuần nhuyễn nâng đỡ nhau để cùng đưa ra một bài báo cáo, nghiên cứu khác biệt mới mẻ. Ngoài ra, dự án còn kích thích các con phải đọc, phải nghiên cứu các vấn đề về kinh tế, chính trị, xã hội. Thêm nữa, đó là bài học về thực tế, hình thành tư duy về kinh tế, hình thành các kỹ năng cần thiết về tiết kiệm và đầu tư, một trong những lĩnh vực các bạn trẻ ngày nay rất cần”.

Cùng chuyên mục
Tin khác