Ngân hàng

Hút ròng tiền qua kênh tín phiếu, NHNN lên tiếng lý giải

(VNF) - Trong phiên 28/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút về 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trúng thầu cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Tổng cộng 6 phiên giao dịch gần đây, NHNN hút gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

Hút ròng tiền qua kênh tín phiếu, NHNN lên tiếng lý giải

Trong phiên 28/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút về 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, lãi suất trúng thầu cao nhất kể từ đầu đợt phát hành. Tổng cộng 6 phiên giao dịch gần đây, NHNN hút gần 90.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.

NHNN vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên hôm nay (28/9). Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 8/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 0,7%. Đây là mức cao nhất kể từ đầu đợt phát hành.

Trên kênh cầm cố giấy tờ có giá, tiếp tục không có nghiệp vụ mới phát sinh và lượng lưu hành vẫn duy trì ở mức 0. Tính chung, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 28/9. Với kỳ hạn 28 ngày, số tiền này sẽ được NHNN bơm trả lại hệ thống vào ngày 26/10/2023.

Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 6 liên tiếp của NHNN với tổng quy mô phát hành đạt gần 70.000 tỷ đồng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.



Đáng chú ý, sau 3 phiên thăm dò với khối lượng 10.000 tỷ đồng, ở phiên gần đây, nhà điều hành đã tăng khối lượng phát hành lên gấp đôi và lãi suất trúng thầu cũng có chiều hướng tăng.

Phiên 21/9 có 2 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,69%/năm; phiên 22/9 có 5 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,5%/năm; phiên 25/9 có 4 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng 10.000 tỷ đồng và lãi suất 0,49%/năm; phiên 26/9 có 9 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%; phiên 27/9 có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%; phiên 28/9 có 8/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là gần 20.000 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu 0,7%.

Lý giải về nguyên nhân hút tiền qua kênh tín phiếu, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, USD tăng giá mạnh thời gian gần đây, hiện NHNN đang theo dõi sát thị trường ngoại tệ, đang điều hành để ổn định tỷ giá. Tuy vậy, ông Hà cũng nêu thế khó của nhà điều hành khi lãi suất và tỷ giá có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

“Mấy ngày gần đây, NHNN đã phải điều tiết tín phiếu ngắn hạn để giảm bớt thanh khoản dư thừa trên hệ thống, cố gắng để không tác động lớn tới mặt bằng lãi suất. Hiện lãi suất thị trường liên ngân hàng vẫn ổn định. Dù vậy, áp lực thời gian tới vẫn rất lớn khi chúng ta cần cân đối giữa lãi suất và tỷ giá” - Phó Thống đốc nhận định.

Theo giới phân tích, động thái phát hành tín phiếu của NHNN nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn và kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND. Tuy nhiên, hoạt động này không đồng nghĩa với việc NHNN sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ. Thông qua nghiệp vụ này, NHNN có thể điều chỉnh mức lãi suất trên thị trường 2 để cân đối giữa áp lực tỷ giá và hạn chế tối đa ảnh hưởng lên mặt bằng lãi suất thị trường 1.

Mặt khác, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng chưa có sự thay đổi quá lớn trong những phiên gần đây, cho thấy thanh khoản trên thị trường 2 vẫn rất dồi dào và hoạt động phát hành tín phiếu nhiều khả năng sẽ vẫn được duy trì.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hành động phát hành tín phiếu của NHNN ngay sau khi có kết quả cuộc họp của Fed cũng là một động thái để giảm bớt ảnh hưởng của hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất đối với tỷ giá.

Trong thời gian tới, NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt. Đồng thời, hiệu quả của can thiệp lên áp lực tỷ giá cũng còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt quan trọng nhất là xu hướng của chỉ số đồng USD.

Chứng khoán Maybank cũng đánh giá việc cân nhắc hút tiền trong hệ thống hiện nay của NHNN là một biện pháp giảm áp lực tỷ giá. Đây là bước đi có tính toán kỹ từ việc quan sát thanh khoản của hệ thống (đang thừa) và bước đi khôn ngoan (chưa cần phải sử dụng đến công cụ bán ngoại hối như năm ngoái).

MayBank tin rằng, NHNN đang tính toán liều lượng hút tiền qua tín phiếu một cách thận trọng để đảm bảo liều lượng vừa đủ sao cho đạt các mục tiêu là tăng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng lên, từ đó giảm bớt áp lực cho tỷ giá; không gây gián đoạn thanh khoản cho toàn bộ nền kinh tế; đảm bảo lãi suất thực của nền kinh tế (lãi suất cho vay) sẽ tiếp xu hướng giảm.

Tin mới lên