Tài chính quốc tế

Kế hoạch Vịnh lớn của Trung Quốc: Tham vọng cạnh tranh với New York, Tokyo

(VNF) - Sáng kiến Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area - GBA) là một kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, nhằm tích hợp và chuyển đổi 9 thành phố lục địa ở đồng bằng sông Châu Giang và hai đặc khu hành chính – Hong Kong và Macao – thành một khu vực vịnh quốc tế sẽ cạnh tranh với các cụm thành phố tầm cỡ thế giới khác như New York, San Francisco hay Tokyo.

Kế hoạch Vịnh lớn của Trung Quốc: Tham vọng cạnh tranh với New York, Tokyo

GBA - Kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc

Kể từ khi xây dựng sáng kiến GBA vào năm 2017, cộng đồng doanh nghiệp đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển phối hợp giữa các thành phố trong GBA, vì việc loại bỏ các rào cản hạn chế sự di chuyển của thương mại, vốn, thông tin và con người – cùng với các chính sách mục tiêu của chính phủ – sẽ cho phép các ngành công nghiệp khác nhau phát triển. Với bối cảnh ngành năng động và toàn diện, cơ sở người tiêu dùng địa phương rộng lớn và giàu có, cũng như khả năng thu hút nhân tài có tay nghề cao, GBA là một trong những khu vực thân thiện với nhà đầu tư nhất của Trung Quốc.

Zhu Jin, Phó giám đốc Văn phòng Khu Phát triển Công nghệ và Kinh tế Nam Sa Quảng Châu, cho biết: “Vị trí của GBA hoàn toàn khác so với các khu vực khác. Đây là khu vực một quốc gia, hai chế độ, ba loại tiền tệ, ba loại thuế quan và cũng là ba loại hệ thống quản lý khác nhau. Những tính năng này mang lại cho khu vực một khối lượng kinh tế khổng lồ khi tựu chung lại”.

Theo người đứng đầu ngành tài chính của khu hành chính đặc biệt Hong Kong, Paul Chan, nền kinh tế của GBA hiện có quy mô tương đương với Ý. Trung tâm kinh tế phía nam Trung Quốc này dự kiến sẽ tiếp tục là động lực cho thị trường tài chính và nhiều ngành công nghiệp của Hong Kong. Năm 2022, tổng sản phẩm quốc nội kết hợp của 11 thành phố trong GBA đạt gần 2.000 tỷ USD, tăng 25% so với mức 1.650 tỷ USD vào năm 2019, khi Trung Quốc công bố kế hoạch phát triển chi tiết cho khu vực.

“GBA đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả trong bối cảnh đại dịch”, ông Chan nói với hơn 350 người tham dự tại hội nghị kế toán Trung Quốc vào tháng 5.

Tiềm năng kinh tế xanh

Các chuyên gia cho biết, GBA của Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực khử cacbon và tài chính xanh của đất nước bằng cách tạo điều kiện tài chính cho phát triển bền vững. “Cơ sở hạ tầng tài chính xanh của GBA và sự đổi mới của các sản phẩm, dịch vụ đang dẫn đầu đất nước, với Hong Kong là trung tâm tài chính bền vững của châu Á - Thái Bình Dương, Quảng Châu là khu vực thí điểm đổi mới và cải cách tài chính xanh và là nhà lãnh đạo của thị trường carbon Nam Trung Quốc, Thâm Quyến với tư cách là nơi đi đầu trong đổi mới tài chính xanh”, ông Kevin Yang, phó chủ tịch Hiệp hội Tài chính Xanh Hong Kong, nhận định.

Trong 5 năm qua, việc phát hành trái phiếu xanh ở Trung Quốc đại lục đã tăng trưởng với tốc độ trung bình khoảng 40% mỗi năm, khiến nước này trở thành quốc gia phát hành trái phiếu lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2021, sau Mỹ.

Đặc biệt, GBA đang dẫn đầu quốc gia về tài chính xanh và bền vững, nhờ việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững (GSSS) tăng gần gấp đôi lên 56,76 tỷ NDT (8 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay. Hong Kong, Quảng Châu và Thâm Quyến là 3 “mũi nhọn” đang thúc đẩy xu hướng này, khi các khoản cho vay xanh ở tỉnh Quảng Đông và Thâm Quyến tăng lần lượt 53% và 44% so với cùng kỳ năm 2022, so với mức 39% trên toàn quốc, ông Yang cho biết trong báo cáo tài chính tại Diễn đàn SmartHK tổ chức tại tỉnh Quảng Châu.

Theo dữ liệu từ các tổ chức bao gồm Ngân hàng Thế giới và HSBC, Trung Quốc cần khoản đầu tư từ 100.000 - 200.000 tỷ NDT để hoàn thành các mục tiêu khử và trung hòa cacbon vào các mốc năm 2030 và 2060. Và mục tiêu này sẽ được hoàn thành dễ dàng hơn với “mũi nhọn” GBA, các chuyên gia nhận định.

“Hong Kong luôn là một trung tâm tài chính quốc tế. Thành phố này có thể là đầu tàu hướng nhiều quỹ quốc tế đầu tư vào các dự án xanh của đại lục, vì trong 20 - 30 năm tới, Trung Quốc cần có nhiều vốn đầu vào để đạt được các mục tiêu khử cacbon”, ông Kenneth Hui, giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Hong Kong, cho biết. Ông Hui cho biết thêm, GBA có thể hỗ trợ các mục tiêu bền vững tổng thể của quốc gia bằng cách kết hợp các thế mạnh của Hong Kong với tư cách là trung tâm tài chính và Thâm Quyến với tư cách là trung tâm công nghệ của thế giới.

Bà Heidi Chui, đối tác của công ty luật Stevenson Wong & Company, nhận định: “Các mục tiêu quốc gia về khử cacbon và nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ gồm những cá nhân có thu nhập cao là chất xúc tác cho nhu cầu về tài chính xanh và bền vững”. Bà Chui nói thêm, với môi trường kinh doanh thuận lợi, GBA sẽ tiếp tục có động lực dẫn dắt sự phát triển bền vững của Trung Quốc, vì những người tham gia thị trường đã chứng minh rằng việc tham gia vào các sáng kiến xanh có thể mang lại lợi nhuận.

Vẫn thiếu sót về thể chế

Zhao Junhua, giám đốc thị trường năng lượng và tài chính tại Viện Tài chính Thâm Quyến, cho biết là một trong những khu vực cởi mở và sôi động nhất trong cả nước, GBA có không gian rộng lớn để khám phá trong việc phát triển tài chính carbon và thúc đẩy kết nối quốc tế của thị trường carbon.

Năm ngoái, thị trường carbon quốc gia đã chính thức ra mắt, đáng tiếc là cho tới nay, thị trường này vẫn đang bị giới hạn trong các giao dịch giao ngay. Ông Zhao nói: “Với Thâm Quyến và HongKong, hai trung tâm tài chính ở Vịnh Lớn, khu vực này có thể đóng vai trò hàng đầu trong việc phát triển hợp đồng tương lai carbon và các sản phẩm phái sinh khác. GBA, với đặc điểm cởi mở, có thể làm được nhiều việc trong việc thúc đẩy sự kết nối quốc tế của các thị trường carbon”.

Tin mới lên