Học thuật

Keynes John Maynard là ai?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu về Keynes John Maynard, một nhà kinh tế học nổi tiếng người Anh.

Keynes John Maynard là ai?

Keynes John Maynard (1883-1946), nhà kinh tế học người Anh, giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Cambridge, là tác giả cuốn ''Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ ''(1936)

Keynes John Maynard (1883-1946) là nhà kinh tế học người Anh, giảng dạy tại trường Đại học Tổng hợp Cambridge. Trong cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ (1936) của mình, ông đã đưa cách lý giải nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp tràn lan và cho rằng chính phủ có thể và cần phải chữa trị tình trạng thất nghiệp. Trước Keynes, khoa kinh tế học cổ điển đã khẳng định rằng trong nền kinh tế thị trường, hệ thống kinh tế có xu hướng tự tạo ra trạng thái toàn dụng cho các nguồn lực có thể sử dụng vào sản xuất.

Theo các nhà kinh tế học cổ điển (khái niệm được Keynes sử dụng để chỉ các nhà kinh tế học trước ông), cơ chế trao đổi sẽ tạo ra sự đồng điệu giữa cung và cầu (định đề Say). Vì vậy, họ tin tưởng rằng nền kinh tế có thể tự điều chỉnh để thoát ra khỏi tình trạng suy thoái: lãi suất giảm do sức ép của mức tăng tiết kiệm và điều này khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư nhiều hơn. Khi tiền lương giảm, chi phí sản xuất cũng giảm, làm cho các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân hơn. Mối quan tâm của Keynes tới quy mô và mức độ dai dẳng của cuộc đại suy thoái năm 1929-1933 đã đưa ông tới cách lý giải khác về tình trạng suy thoái.

Keynes lập luận rằng các nhà kinh tế cổ điển chỉ quan tâm tới tỷ trọng tương đối của các nhân tố sản xuất khác nhau trong sản lượng quốc dân mà không quan tâm đến các lực lượng quyết định mức hoạt động kinh tế chung, cho nên lý thuyết của họ về giá trị và phân phối chỉ gắn với một trường hợp đặc biệt là trạng thái toàn dụng.

Bằng cách tập trung vào các tổng lượng kinh tế như thu nhập quốc dân, tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư, Keynes đã đưa ra một lý thuyết khái quát để lý giải mức hoạt động kinh tế chung. Ông cho rằng không có gì đảm bảo rằng tiết kiệm tích lũy lại trong thời kỳ suy thoái và gây ra sức ép làm giảm lãi suất, vì tiết kiệm phụ thuộc vào thu nhập và tiết kiệm thấp khi thất nghiệp cao.

Ngoài ra, ông cho rằng đầu tư trước hết phụ thuộc vào niềm tin của giới doanh nghiệp và niềm tin (kỳ vọng) này thấp khi có suy thoái, vì vậy khó có khả năng đầu tư tăng ngay cả khi lãi suất giảm. Cuối cùng, theo ông, tiền lương cũng khó có thể giảm trong thời kỳ suy thoái do tính chất cứng nhắc của nó và cho dù tiền lương thật sự giảm thì mức độ suy thoái cũng trầm trọng hơn do tiêu dùng giảm.

Keynes nhận thấy nguyên nhân của suy thoái là ở sự giảm sút của tổng cầu và ở chỗ không có bất kỳ cơ chế tự điều chỉnh nào đối với tổng cầu. Vì vậy, ông cho rằng chính phủ cần can thiệp để làm tăng tổng cầu, qua đó làm cho quá trình suy thoái dừng lại. Ông khuyến nghị rằng chính phủ phải kích thích tiêu dùng bằng cách bỏ tiền vào túi người tiêu dùng thông qua biện pháp cắt giảm thuế hay tăng chi tiêu của chính phủ để trực tiếp mở rộng tăng cầu.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế quốc dân)

Tin mới lên