Tài chính quốc tế

Khắp Châu Á tưng bừng đón Tết, Nam - Bắc Hàn gia tăng căng thẳng

(VNF) - Tuần này, thế giới nói chung và cộng đồng người châu Á nói riêng đã cùng nhau chào đón một dịp lễ đặc biệt là Tết Nguyên đán 2024. Đây cũng là chủ đề hàng đầu và xuyên suốt được chú ý và thảo luận trong suốt những ngày đầu tháng 2.

Khắp Châu Á tưng bừng đón Tết, Nam - Bắc Hàn gia tăng căng thẳng

Người dân châu Á đón Tết Nguyên đán 2024.

Người dân châu Á đón Tết Nguyên đán 2024

Khác với các quốc gia coi Noel - Tết Dương lịch là dịp lễ lớn nhất năm, cộng đồng người châu Á nhìn chung đều đón Tết Âm lịch, hay còn gọi là Tết Nguyên đán.

Tết Nguyên đán năm nay bắt đầu từ rạng sáng ngày 10/2, đánh dấu kỳ nghỉ lễ trọng thể và dài nhất trong năm của các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines,...

Năm 2024 theo lý thuyết 12 cung hoàng đạo của Trung Quốc là năm con Rồng, biểu trưng cho quyền uy và sức mạnh. Trên khắp thế giới và tại châu Á nói chung, người dân đều chuẩn bị đồ trang trí hình con rồng, đi kèm với những vật phẩm trang trí cổ truyền để chào đón một năm mới với nhiều kỳ vọng tốt đẹp, viên mãn.

Xem thêm >> Tết Nguyên đán 2024: 'Rồng bay lượn' khắp châu Á

Màu đỏ là màu sắc đặc trưng cho những dịp Tết Nguyên đán tại châu Á.

Triều Tiên huỷ bỏ quan hệ kinh tế với Hàn Quốc

Ngày 7/2, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên đã bỏ phiếu hủy bỏ tất cả các thỏa thuận với Hàn Quốc về thúc đẩy hợp tác kinh tế, khi mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên tiếp tục xấu đi.

Quyết định bãi bỏ luật hợp tác kinh tế liên Triều, luật về đặc khu dành cho các chuyến du lịch quốc tế tới núi Kumgang (Kim Cương) và các quy định thực thi luật này cũng như các thỏa thuận về hợp tác kinh tế liên Triều đã được đưa ra tại cuộc họp toàn thể của Ủy ban Thường vụ Triều Tiên.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc, nơi xử lý các mối quan hệ với Bình Nhưỡng, cho biết hành động của Triều Tiên không có gì đáng ngạc nhiên và sẽ chỉ khiến nước này bị cô lập sâu sắc hơn. Seoul không công nhận động thái đơn phương này, một quan chức nói thêm.

Triều Tiên cho biết hiện họ coi Hàn Quốc là kẻ thù trong chiến tranh và năm ngoái đã hủy bỏ một hiệp ước quân sự được ký vào năm 2018 nhằm giảm căng thẳng leo thang gần biên giới quân sự được ký kết theo thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Trong cuộc phỏng vấn được ghi âm trước với đài truyền hình nhà nước Hàn Quốc KBS phát sóng vào cuối ngày 7/2, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gọi sự thay đổi trong chính sách liên Triều của Triều Tiên là “một sự thay đổi phi thường” nhưng cho biết thật khó để hiểu được suy nghĩ đằng sau động thái này.

Vua Charles III bị chẩn đoán ung thư

Ngày 5/2, Điện Buckingham thông báo Vua Charles III của Vương quốc Anh đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Những triệu trứng của căn bệnh ung thư xuất hiện ngay sau khi vị Vua 75 tuổi điều trị bệnh phì đại tuyến tiền liệt. Người phát ngôn của Điện Buckingham cho biết: “Vua Charles III đã được điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt lành tính. Chính trong quá trình can thiệp này, đã phát hiện ra vấn đề đáng lo ngại khác và sau đó được chẩn đoán là một dạng ung thư. Bệnh thứ hai này sẽ được điều trị một cách phù hợp”.

Các bác sĩ đã khuyến nghị Vua Charles III nên tạm dừng mọi hoạt động trước công chúng. Điện Buckingham cho biết thêm Vua Charles III “vẫn hoàn toàn lạc quan với việc chữa trị của ông và mong muốn được quay trở lại với công việc càng sớm càng tốt”.

Theo Điện Buckingham, Vua Charles III đã chọn cách chia sẻ thông tin chẩn đoán để ngăn chặn sự suy đoán và hy vọng điều này có thể giúp công chúng hiểu hơn về những người bị ảnh hưởng bởi bệnh ung thư trên khắp thế giới.

Chính phủ Kazakhstan từ chức

Ngày 5/2, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ký sắc lệnh chấp nhận đơn từ chức của chính phủ nước này.

Văn phòng Tổng thống Kazakhstan đã đưa ra thông báo trên nhưng không cho biết lý do Nội các từ chức. Tổng thống Tokayev đã chỉ định Phó Thủ tướng Roman Sklyar làm quyền Thủ tướng Kazakhstan.

Ngày 6/2, Văn phòng Tổng thống Kazakhstan thông báo đảng cầm quyền Amanat đã đề cử ông Olzhas Bektenov, Chánh Văn phòng Tổng thống, làm Thủ tướng mới của nước này.

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ lần đầu vượt mốc 5.000 điểm

Chỉ số S&P 500, một trong 3 chỉ số chứng khoán hàng đầu nước Mỹ, đã chạm mốc 5.000 điểm vào ngày 9/2, khi tâm lý lạc quan lan rộng khắp Phố Wall và các nhà đầu tư vui mừng với dữ liệu mới cho thấy tiến triển về lạm phát.

Cột mốc này xảy ra trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo, mùa thu nhập tốt hơn mong đợi và dự đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trước đó, S&P 500 lần đầu tiên chạm mốc 5.000 trong ngày 8/2, nhưng phải đến thời điểm kết phiên giao dịch cuối tuần ngày 9/2, chỉ số này mới chính thức đóng cửa trên 5.000 điểm.

Theo Howard Silverblatt, nhà phân tích chỉ số cấp cao tại S&P Dow Jones Indices, phải mất gần 41 năm S&P 500 mới đạt được cột mốc quan trọng đầu tiên là 1.000.

Chỉ số này đạt mốc quan trọng trước đó là 4.000 vào ngày 1/4/2021, sau khi Fed cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0, chính phủ bơm quỹ kích thích vào nền kinh tế và vắc xin Covid-19 thúc đẩy sự lạc quan về tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.

Vào ngày 19/1/2024, chỉ số này đạt kỷ lục mới lần đầu tiên sau 2 năm, đóng cửa ở mức cao nhất trước đó là 4.796,56. Chỉ số này tiếp tục thiết lập 6 mức cao mới chỉ trong tháng 1 nhờ được thúc đẩy bởi các cổ phiếu vốn hoá lớn

S&P 500 đã tăng khoảng 5,4% trong năm nay. Chỉ số này đã tăng 24% vào năm 2023, với chứng khoán tăng mạnh vào cuối năm khi sự lạc quan ngày càng tăng rằng Fed có thể hạ cánh mềm hoặc giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái kinh tế.

Xem thêm >> Kinh tế thế giới 2024: Chưa hết những... 'cơn gió ngược'

Tin mới lên