Khi báo chí nuôi dưỡng cỗ máy AI
(VNF) - Các thỏa thuận khai thác nội dung giữa các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) và các nhà xuất bản tin tức hàng đầu đã trở thành xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ bùng nổ như hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu những thỏa thuận này có gây tác dụng ngược với các công ty truyền thông hay không, như điều đã từng xảy ra ở những lần hợp tác trước đây với các Big Tech.
Thoả thuận lịch sử
Trong một động thái có thể có tác động sâu rộng đến tương lai của ngành tin tức và truyền thông, công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI và “gã khổng lồ” truyền thông News Corp mới đây đã đạt được thoả thuận về việc khai thác nội dung.
Thỏa thuận được cho là trị giá 250 triệu USD và có thời hạn trong 5 năm sẽ cho phép chatbot ChatGPT nổi tiếng của OpenAI truy cập và hiển thị nội dung từ hơn chục ấn phẩm của News Corp, bao gồm The Wall Street Journal (WSJ), Barron's, MarketWatch, The Sun, The Times of London, New York Post…
Theo các điều khoản của thỏa thuận, OpenAI sẽ có quyền khai thác kho nội dung đã được lưu trữ hàng thập kỷ từ danh mục ấn phẩm phong phú của News Corp, trải rộng trên nhiều chủ đề từ kinh doanh, tài chính đến chính trị và giải trí… để đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của mình. Ngoài ra, News Corp sẽ chia sẻ kiến thức chuyên môn của các nhà báo với OpenAI để giúp nâng cao hiểu biết của AI về bối cảnh tin tức.
Những mối quan hệ hợp tác như vậy không chỉ quan trọng đối với việc đào tạo các mô hình AI mà còn mang lại lợi nhuận cho các nhà xuất bản tin tức, vốn thường bị từ chối một phần lợi nhuận mà các Big Tech kiếm được khi phân phối nội dung của họ.
Ông Robert Thomson, Giám đốc điều hành của News Corp, thể hiện niềm tin rằng “thỏa thuận lịch sử” này sẽ đặt ra các tiêu chuẩn mới về tính xác thực, đạo đức và giá trị thông tin trong thời đại kỹ thuật số. CEO OpenAI Sam Alman mô tả sự hợp tác này là “khoảnh khắc đáng tự hào của báo chí và công nghệ”. “Cùng nhau, chúng ta đang thiết lập nền tảng cho một tương lai nơi AI tôn trọng sâu sắc, nâng cao và duy trì các tiêu chuẩn của báo chí đẳng cấp thế giới”, vị CEO nhấn mạnh.
Thỏa thuận này được công bố trong bối cảnh cuộc chạy đua nảy lửa đang diễn ra giữa OpenAI do Microsoft hậu thuẫn và các đối thủ như Google để phát triển các chatbot AI tiên tiến.
Trong những tháng gần đây, OpenAI đã ký thỏa thuận với một loạt nhà xuất bản, bao gồm từ Financial Times, công ty Axel Springer của Đức (sở hữu Politico và Business Insider), Associated Press, Dotdash Meredith, Reddit và mới đây nhất là Atlantic và Vox Media.
Thiết lập tiêu chuẩn mới
Theo ông Alon Yamin, đồng sáng lập của Copyleaks (nền tảng kiểm tra đạo văn trực tuyến sử dụng công nghệ AI để phát hiện nội dung trùng lặp), thoả thuận giữa OpenAI và News Corp thể hiện “sự tiến triển đáng kể trong mối quan hệ giữa ngành AI và các cơ quan báo chí”. “Động thái chiến lược này tạo tiền đề cho các công ty truyền thông khác tham gia vào các mối quan hệ đối tác tương tự, thúc đẩy một hệ sinh thái hợp tác và bền vững hơn”, ông Yamin nhận định.
Những cái bắt tay này là một bước tiến đáng hoan nghênh đối với OpenAI trong bối cảnh công ty trí tuệ nhân tạo này đang đối mặt với một loạt vụ kiện bản quyền. “OpenAI muốn giảm thiểu rủi ro pháp lý bằng cách đảm bảo nguồn nội dung hợp pháp và thiết lập các thỏa thuận rõ ràng, công bằng với chủ sở hữu nội dung. Thỏa thuận này nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ đối tác bình đẳng và có đạo đức trong ngành AI, cân bằng sự đổi mới với quyền và lợi ích của người sáng tạo nội dung”, ông Yamin lý giải.
“Khi công nghệ AI tiến bộ và ứng dụng của chúng mở rộng, sự hợp tác giữa OpenAI và News Crop có thể ảnh hưởng đến cách các nhà phát triển AI và tổ chức truyền thông tương tác, thiết lập các tiêu chuẩn mới về tìm nguồn cung ứng nội dung có đạo đức và quản lý sở hữu trí tuệ trong thời đại kỹ thuật số”, ông Yamin chia sẻ thêm.
Các điều khoản tài chính của thỏa thuận chưa được công khai chính thức, nhưng cả hai công ty đều nhấn mạnh tính chất lâu dài của mối quan hệ đối tác và cam kết hợp tác cùng nhau để định hình tương lai của tin tức và thông tin trong thời đại AI.
Đâu là rủi ro?
Thoạt nhìn, những mối quan hệ hợp tác này có vẻ cùng có lợi. Thỏa thuận này cho phép OpenAI truy cập vào kho lưu trữ khổng lồ, đáng tin cậy, từ đó nâng cao dữ liệu đào tạo, cải thiện độ chính xác và độ tin cậy của chatbot ChatGPT. Còn đối với News Corp, mối quan hệ hợp tác mang lại nguồn doanh thu mới và tăng khả năng hiển thị, đảm bảo các tiêu chuẩn báo chí của họ được duy trì.
Dù thoả thuận giữa OpenAI và News Corp nhận được nhiều sự tán thưởng, nhiều nhà xuất bản tin tức đã đưa ra quan ngại rằng các công ty AI sẽ sử dụng nội dung của họ để xây dựng chatbot và sau đó sử dụng chính những sản phẩm đó để hút lưu lượng truy cập trang web quan trọng và doanh thu quảng cáo từ các phương tiện truyền thông.
Thỏa thuận này xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Google gây chú ý với một động thái gây tranh cãi nhằm thêm các câu trả lời do AI tạo ra vào công cụ tìm kiếm của mình. Gã khổng lồ công nghệ cũng đã tiết lộ kế hoạch thêm quảng cáo vào các bản tóm tắt được lấy lại, được gọi là “Tổng quan về AI”.
Nhiều chuyên gia cho rằng thật khó để coi những mối quan hệ hợp tác này là tốt cho tính khách quan hoặc sự lâu dài của việc xuất bản tin tức và nói rộng hơn là báo chí. Hoặc, như trong vụ kiện của The New York Times chống lại OpenAI, tờ báo này lập luận rằng OpenAI đang sản xuất một dịch vụ làm suy yếu mô hình kinh doanh cốt lõi của việc xuất bản tin tức.
Ngành báo chí đã suy giảm trong một thời gian khá lâu, cả về doanh thu quảng cáo và lượng độc giả. Theo báo cáo của Pew Research công bố vào tháng 11/2023, số lượng khách truy cập trung bình vào các trang web của 50 tờ báo hàng đầu của Mỹ đã giảm 20% xuống dưới 9 triệu lượt trong quý IV/2022.
Với những áp lực tài chính này, không có gì ngạc nhiên khi hàng loạt nhà xuất bản tên tuổi chọn hợp tác với OpenAI để đảm bảo nguồn doanh thu bổ sung trước khi đối thủ cạnh tranh có cơ hội. Vấn đề là dù OpenAI có trả bao nhiêu cho các nhà xuất bản này thì họ cũng đang tạo ra một dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với các ấn phẩm truyền thống.
Mặc dù AI không thể thay thế khả năng phản ảnh thực tế và kiến thức chuyên môn của một nhà báo giàu kinh nghiệm, nhưng nó có thể làm thị trường trở nên bão hòa và khiến báo chí thu về ít lợi nhuận hơn hiện tại. Điều này sẽ không gây tổn hại nhiều cho các nhà báo đã thành danh nhưng nó có khả năng làm suy yếu khả năng phát triển của những người mới bắt đầu sự nghiệp.
Đồng thời, thật khó để không coi những nhà xuất bản này đang “phản bội” những ngòi bút đã giúp xây dựng thương hiệu của họ. Rốt cuộc, không chắc tất cả các tác giả nổi bật trên các tờ báo này đều đồng ý cho tác phẩm của họ được các mô hình AI thu thập.
Kết lại, nhiều chuyên gia cho rằng việc cấp phép nội dung cho một dịch vụ cạnh tranh có thể là một biện pháp ngắn hạn, không có mấy tác dụng đối với sự tồn tại của ngành và trong trường hợp xấu nhất, có thể làm giảm giá trị của nghề báo.
Chuyên đề ‘Kinh tế báo chí’ trên Tạp chí Đầu tư Tài chính số tháng 6/2024
CNN: 'Tin tức thường trực' là bảo chứng thành công
Kinh tế báo chí trước thách thức của mạng xã hội
- Làn sóng phá sản 'tấn công' ngành bán dẫn Trung Quốc 19/06/2024 10:15
- Nhà bỏ hoang khiến thị trường bất động sản thiệt hại hàng tỷ USD 19/06/2024 09:19
- Sóng nhiệt bao trùm, 'nền kinh tế chống nắng' nở rộ tại Trung Quốc 18/06/2024 03:17
Thâm nhập khu đất xây dựng Tổ hợp Hòa Xuân hơn 3.500 tỷ ở Đà Nẵng
(VNF) - Khu đất sắp đấu giá để thực hiện dự án Tổ hợp, thể thao giải trí và thương mại Hòa Xuân có diện tích rộng 101 ngàn m2.